17/05/2025 23:53 GMT+7

Xây dựng tổ chức chính quyền 2 cấp: Hơn 1.200 nhiệm vụ cần phân cấp, phân quyền

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để từ cấp trên xuống cấp dưới, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

phân quyền - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: NHẬT BẮC

Chiều 17-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch rà soát các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền thuộc phạm vi lĩnh vực của các bộ, cơ quan ngang bộ khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Chính phủ rà soát và xác định có hơn 1.200 nhiệm vụ cần phân cấp, phân quyền.

Việc xây dựng các nghị định ưu tiên tập trung vào các nội dung: về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức 2 cấp; phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, thể hiện nội dung phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật. Các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách xây dựng thể chế, luật pháp, các luật, nghị định, thông tư và phải bám sát cho đến khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để từ cấp trên xuống cấp dưới, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Rà soát từ Quốc hội, Chính phủ đến cấp xã để phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho cấp nào sát thực tế, gần dân, sát dân, làm tốt hơn, hiệu quả hơn.

"Không biết thì không quản, không ôm đồm, không bao biện, không làm thay và chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong tổ chức thực hiện", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Cùng với phân cấp, phân quyền cho địa phương, các bộ ngành, cơ quan ở Trung ương giữ vai trò kiến tạo, không làm công việc cụ thể mà tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Việc xây dựng các nghị định được Thủ tướng yêu cầu phải xác định rõ chủ thể, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục thực hiện và bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực để chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi thực hiện.

Các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 30-5; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các nghị định.

Bộ Tư pháp được giao thẩm định, trình Chính phủ ban hành, bảo đảm thực hiện được ngay khi bộ máy mới vận hành và sau đó tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội.

Xây dựng tổ chức chính quyền 2 cấp: Phân quyền mạnh hơn cho cấp nào gần dân, sát dân - Ảnh 3.‘Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh phân cấp phân quyền’

Theo thứ trưởng Bộ Nội vụ, một số bộ ngành còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại phân cấp xuống địa phương vì lo chưa đảm bảo thực hiện được. Do đó Thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh phân cấp phân quyền.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên