
Xiaomi SU7 Ultra liên tục là nguyên nhân khiến thương hiệu chủ quản bị chỉ trích - Ảnh: Xiaomi
Vào giữa tháng 5 này, tờ CarNewsChina đưa nhiều dẫn chứng khẳng định nhiều chủ xe Xiaomi SU7 Ultra chuẩn bị đâm đơn kiện tập thể thương hiệu Trung Quốc.
Hơn 400 chủ sở hữu chiếc Xiaomi SU7 Ultra - phiên bản thể thao của sedan Xiaomi SU7 - đang chuẩn bị cho các công đoạn cần thiết để kiện tập thể Xiaomi. Những chủ xe nói trên đã chuẩn bị chi phí kiện tụng và sẵn sàng đưa thương hiệu Trung Quốc ra tòa. Mỗi người trong nhóm đã đóng góp 3.000 NDT (10,8 triệu đồng) để phục vụ mục đích trên.

Nắp ca pô sợi carbon giúp cải thiện khả năng khí động học và làm mát là yếu tố khiến mẫu sedan hiệu suất cao bị các chủ xe chỉ trích - Ảnh: Xiaomi
Yếu tố dẫn tới vụ kiện sắp diễn ra là tùy chọn nắp ca pô bằng sợi carbon cao cấp có giá 42.000 NDT (hơn 151 triệu đồng). Phía Xiaomi quảng cáo trang bị có "2 hốc gió giúp cải thiện khí động học và khả năng làm mát".
Tuy nhiên thử nghiệm do chính các chủ xe thực hiện lại cho thấy điều ngược lại. Video quay cảnh tháo dỡ nắp ca pô cho thấy trang bị này không có sự khác biệt cấu trúc nào so với ca pô bản tiêu chuẩn.

Cấu trúc đi kèm nắp ca pô không hề thay đổi, đồng nghĩa hốc gió được bổ sung tại vị trí hiện tại gần như không có tác dụng làm mát hệ thống truyền động điện bên dưới - Ảnh: Autohome
Người dùng thậm chí còn đặt thử giấy ăn vào hệ thống máy bên dưới, sau đó thử dùng quạt thổi vào hốc gió ca pô. Kết quả trả về cho thấy giấy không mảy may lay động, cho thấy rõ hốc gió này chỉ có yếu tố thẩm mỹ. Một người khác thì đăng tải lại kết quả đo nhiệt chứng minh trang bị trên không có tác dụng làm mát.
Đáp lại làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, Xiaomi đã đưa ra lời xin lỗi khách hàng vào ngày 7-5. Hãng thừa nhận mình "mô tả sản phẩm thiếu rõ ràng". Khi đó hãng đã đưa ra đề nghị tặng 20.000 điểm khách hàng thân thiết, đồng thời cho phép người dùng đổi về ca pô nhôm tiêu chuẩn không mất chi phí.

Nắp ca pô sợi carbon trên SU7 không chỉ đắt đỏ mà còn khiến thời gian bàn giao xe bị lùi xuống đáng kể, dao động từ 30 tới 40 tuần với một số người dùng - Ảnh: Xiaomi
Tuy nhiên nhiều chủ xe đã từ chối, khi viện dẫn thời gian chờ phụ tùng kéo dài từ 30 đến 40 tuần (dẫn tới chậm lịch bàn giao). Ngoài ra, họ cũng cho rằng giải pháp bồi thường là không đủ thỏa đáng.
"Chúng tôi đã mua một trang bị được quảng cáo là phục vụ hiệu suất vận hành", một chủ xe viết trên mạng. "Xiaomi nên chứng minh rằng các hốc gió có tác dụng - hoặc chịu trách nhiệm nếu gian dối".
Phía người dùng và các nhà phân tích thị trường đang yêu cầu Xiaomi thử nghiệm công khai ca pô sợi carbon để chứng minh tác dụng tương đồng với quảng cáo ban đầu.
Nếu một bên độc lập thứ 3 thử nghiệm công khai trang bị này và phát hiện quảng cáo của Xiaomi là sai lệch, thương hiệu Trung Quốc hoàn toàn có thể bị phạt vì quảng cáo sai sự thật.

Kể từ tháng 3 vừa qua, mảng ô tô của Xiaomi đã liên tục gặp rắc rối, ban đầu là một tai nạn chết người và sau đó là hàng loạt sai lầm từ khâu bán hàng tới giao tiếp khách hàng - Ảnh: CarNewsChina
Vẫn theo CarNewsChina, hành động của các chủ xe trên có thể coi là "giọt nước tràn ly", khi trong thời gian qua Xiaomi liên tục bị tập khách hàng sở hữu Xiaomi SU7 Ultra chỉ trích.
Trước sự việc lần này, hãng đã lẳng lặng "cắt" gần 650 mã lực khỏi công suất tối đa của mẫu sedan điện cao cấp nhất đội hình. Tuy nhiên đứng trước làn sóng phản đối của các chủ xe, hãng đã phải trả SU7 Ultra về công suất ban đầu, đồng thời cam kết sẽ minh bạch hơn trong các động thái sau này.
Xiaomi hiện tại đang đứng trước khó khăn chồng chất khó khăn trong mảng ô tô. Vào ngày 10-5 vừa qua, CEO Xiaomi Lei Jun đã đăng đàn khẳng định những tuần vừa qua "là quãng thời gian khó khăn nhất từ khi thành lập Xiaomi" cả ở phương diện cá nhân và công việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận