
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nghe báo cáo công tác giải quyết thủ tục hành chính tại xã Đức Trọng (mới), tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: L.A
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại buổi chủ trì họp rà soát tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số liên thông, đồng bộ để chuẩn bị thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp xuyên suốt, hiệu quả, không gián đoạn từ hôm nay (1-7).
Vẫn còn một số tồn tại
Báo cáo tình hình, thượng tướng Nguyễn Văn Long, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết các bộ, địa phương, cơ quan đã triển khai các nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, có một số tồn tại như chưa quy định được chức năng nhiệm vụ cho cấp phòng tại xã dẫn tới chỉ ban hành được quy trình điện tử tạm thời; vấn đề lưu trữ, đồng bộ dữ liệu của đơn vị cũ vào hệ thống mới.
Thực tế đặt ra yêu cầu cần tuyên truyền hơn nữa về quyền lợi, nghĩa vụ của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; tính an toàn an ninh thông tin; việc khai báo, cung cấp dịch vụ công toàn trình của các sở, ngành ban hành dịch vụ mức toàn trình.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho hay các tỉnh thành đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong đó bao gồm công bố, công khai các thủ tục hành chính; cấu hình các thủ tục hành chính; kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin bộ, ngành, hệ thống EMC; cấp tài khoản cho cán bộ, công chức; chữ ký số của cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức; kết nối, đồng bộ, khai thác các kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trước đây; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng; công bố danh mục mã định danh cơ quan…
Theo đó, nhiều địa phương khẳng định đã sẵn sàng hệ thống/nền tảng công nghệ thông tin, thủ tục hành chính…phục vụ mô hình chính quyền 2 cấp vận hành chính thức từ hôm nay (1-7), bảo đảm không để ảnh hưởng đến hoạt động chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Không để tắc nghẽn, gián đoạn hoạt động công vụ
Đánh giá cao các kết quả đạt được, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo phụ trách chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ trong việc bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên tục, ổn định, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, an ninh mạng của các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu.
Đồng thời vận hành thông suốt, hiệu quả của chính quyền địa phương 2 cấp sau ngày 1-7, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn, gián đoạn ảnh hưởng đến hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, khắc phục ngay các sự cố nếu có.
Khai thác, sử dụng, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin ổn định, thông suốt, an toàn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống công nghệ thông tin và các thiết bị đầu cuối; thành lập các tổ thường trực giám sát, ứng cứu và khắc phục các sự cố; có phương án sao lưu, dự phòng các dữ liệu lịch sử của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo đảm sẵn sàng khôi phục khi cần thiết…
Liên quan đến việc đảm bảo không để tắc nghẽn, gián đoạn đến hoạt động công vụ khi thực hiện chính quyền 2 cấp, cùng ngày, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác trung ương trực tiếp làm việc và khảo sát thực tế tại xã Đức Trọng (Lâm Đồng), sau lễ công bố quyết định thành lập tỉnh Lâm Đồng mới.
Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Trần Trung Hiếu - bí thư Đảng ủy xã Đức Trọng - cho biết địa phương đã hoàn thiện các khâu chuẩn bị về nhân sự, vật lực, cơ sở hạ tầng sẵn sàng phục vụ người dân từ ngày 1-7.
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Đức Trọng đã được nâng cấp khang trang, bảo đảm công năng và chất lượng phục vụ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đã được tập huấn nghiệp vụ để tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến tư pháp, tài chính - kế hoạch, xây dựng, đất đai, nông nghiệp, công thương, văn hóa - xã hội...
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định hệ thống hạ tầng và thiết bị hiện đại sẽ là nền tảng quan trọng giúp địa phương triển khai mô hình chính quyền cấp xã mới, phục vụ người dân nhanh chóng và minh bạch. Với hàng trăm dịch vụ công được đưa lên nền tảng số và kết nối liên thông đến tỉnh và trung ương, người dân có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính.
Phó thủ tướng nhấn mạnh việc sáp nhập, kiện toàn tổ chức chính quyền 2 cấp nhằm đưa chính quyền đến gần dân hơn, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả phục vụ. "Ngay từ ngày đầu vận hành bộ máy mới, mọi hoạt động phải thông suốt, tuyệt đối không để xảy ra trục trặc ở bất kỳ khâu nào", ông yêu cầu.

9h sáng 30-6, tại Trung tâm hành chính công xã Nhà Bè (TP.HCM), mọi hoạt động tiếp dân vẫn diễn ra tấp nập. Bảng tên mới đã treo lên, người dân đến làm giấy tờ từ sớm - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đề xuất cơ chế hỗ trợ vùng sâu, xa, hải đảo
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành việc cấp mã số thuế và mã quan hệ ngân sách theo quy định cho các địa phương; ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, ngân sách, quy trình đầu tư công và mua sắm tài sản công đối với các đơn vị hành chính mới thành lập, sáp nhập.
Đặc biệt, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo khắc phục tình trạng lõm sóng và thiếu trang thiết bị phục vụ công việc để thực hiện chính quyền 2 cấp.
Dữ liệu quốc gia về đất đai đã sẵn sàng
Theo Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến nay tất cả các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc kết nối dữ liệu quốc gia về đất đai và chính quyền 2 cấp có thể sử dụng ngay kể từ ngày 1-7.
Tuy vậy, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Phấn - phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết trong trường hợp hai tỉnh trước khi sáp nhập dùng phần mềm quản trị, vận hành dữ liệu khác nhau thì phải chuyển đổi về cùng một phần mềm để vận hành thống nhất. Còn những địa phương mà phần mền vận hành đã thống nhất cũng đang phải chạy song song để đến đêm nay sẽ chuyển sang một hệ thống. "Kịch bản đã được chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng để dữ liệu đất đai có thể sử dụng được ngay sau khi chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động", ông Phấn nói.
Ngoài ra, theo ông, trước đó theo chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ thì 484 huyện trên cả nước đã có dữ liệu đất đai qua các thời kỳ phải chuyển đổi sang dữ liệu quốc gia về đất đai và hạn xong trước ngày 30-6. Đến nay, công việc này đã hoàn thành 100% tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng.
Lý giải về lợi ích khi kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia về đất đai khối lượng công việc phải làm so với thời điểm trước khi sáp nhập có thể được giảm đến 50%, ông Phấn cho hay: "Thủ tục hành chính trước đây là 3 cấp, tỉnh - huyện - xã. Trước đây cấp sổ đỏ lần đầu thuộc thẩm quyền, xét duyệt hồ sơ của cấp huyện và cấp xã.
Nhưng đến nay đã cắt cấp huyện, chuyển hết về cấp xã. Trước đây trong thủ tục có các bước thực hiện thì bây giờ được xây dựng theo tổ hợp, giúp việc xử lý gọn nhẹ hơn. Thủ tục giảm đi một cấp và các bước thực hiện cũng sẽ được lồng ghép, đặc biệt là không mất thời gian gửi lên trên để xét duyệt. Do đó sẽ giảm tối thiểu được 50% khối lượng công việc so với trước đây".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận