22/05/2025 15:40 GMT+7

Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo lại kiến nghị giữ nguyên giá mua bán điện với 173 dự án

Các nhà đầu tư và các định chế tài chính lại có đơn kiến nghị khẩn cấp, đề nghị giữ nguyên giá mua bán điện đối với 173 dự án đã hòa lưới.

năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo dù bán điện lên lưới nhưng chủ đầu tư chỉ được thanh toán một phần sản lượng điện đã bán - Ảnh: NGỌC HIỂN

Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và Hiệp hội Điện gió - Mặt trời Bình Thuận cùng loạt nhà đầu tư trong nước vừa cùng ký thư kiến nghị khẩn cấp gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan đến phương thức xử lý đối với 173 dự án điện gió và điện mặt trời đã có ngày vận hành thương mại (COD), nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu tại thời điểm vận hành.

Nhà đầu tư năng lượng tái tạo muốn giữ nguyên giá mua bán điện ưu đãi

Các nhà đầu tư cho rằng sau lần kiến nghị thứ nhất, phía Công ty Mua bán điện (EVNEPTC), đơn vị trực thuộc EVN, đã tổ chức một số cuộc họp để thu thập ý kiến từ các nhà đầu tư, song các đề xuất của EVNEPTC không giải quyết được các vấn đề cốt lõi mà nhà đầu tư quan tâm.

Các nhà đầu tư cho rằng giải pháp phía Công ty Mua bán điện đưa ra là trong thời gian chờ hướng dẫn hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị này tạm thanh toán tiền điện theo nguyên tắc áp dụng giá điện tương đương giá mua bán điện ưu đãi cố định (FIT), hoặc giá trần của khung giá chuyển tiếp có hiệu lực tại thời điểm nhà máy điện liên quan có chấp thuận nghiệm thu; sau khi có hướng dẫn hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền, các bên sẽ "sửa đổi hợp đồng" và thực hiện thanh quyết toán tiền điện theo quy định.

Theo các nhà đầu tư, đề xuất nói trên trái với thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện đang có hiệu lực cũng như pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cho rằng không có cơ sở pháp lý để tạm giữ lại một phần tiền mua bán điện, áp dụng biểu giá tạm thời trái với biểu giá đã thỏa thuận trước đó hay yêu cầu nhà đầu tư ký sửa đổi hợp đồng mua bán.

Ngoài ra kể từ kỳ hóa đơn thanh toán tiền điện vào tháng 1- 2025, Công ty Mua bán điện đã đơn phương tạm giữ lại một phần tiền thanh toán thông qua việc áp dụng biểu giá tạm thời.

Trong khi đó, phía các nhà đầu tư cho rằng doanh thu từ việc bán điện là nguồn sống duy nhất giúp các nhà đầu tư duy trì hoạt động của các nhà máy điện, hoàn thành nghĩa vụ thuế, thanh toán đúng hạn nợ gốc và lãi vay cho các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.

"Tình trạng này khiến chúng tôi vi phạm nghĩa vụ với các ngân hàng và các tổ chức cho vay trong và ngoài nước, đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán do áp lực trả nợ hằng tháng và rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, ảnh hưởng đến hoạt động bảo trì, sửa chữa và vận hành nhà máy, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và tính khả thi của các dự án cũng như hoạt động kinh doanh của chúng tôi", các nhà đầu tư nhấn mạnh.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng xác nhận và thi hành ngày vận hành thương mại như đã chấp thuận ban đầu, thanh toán tiền điện như hợp đồng và không hồi tố trong việc xác định điều kiện vận hành thương mại, giá mua bán điện ưu đãi đối với các dự án đã vận hành…

năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Danh sách các nhà đầu tư, các hiệp hội và các định chế tài chính đã ký đơn gửi Chính phủ về đề xuất giữ nguyên giá mua bán điện

Vì sao lại có đề xuất tính lại giá điện?

Thời gian qua các cơ quan chức năng tại Việt Nam đề xuất giải pháp khắc phục các sai phạm, vi phạm của các dự án năng lượng tái tạo đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể tại kết luận số 1027.

Trong đó có 173 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió được công nhận ngày vận hành thương mại, và hưởng giá mua bán điện ưu đãi khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư.

Trong số các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án năng lượng, cơ quan chức năng đề xuất đối với các dự án xảy ra vi phạm, không đáp ứng đủ các điều kiện sẽ không được hưởng giá ưu đãi và phải xác định lại giá điện. Đồng thời thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ, thanh toán tiền mua điện.

Do đó thay vì được hưởng giá mua bán điện cao lên đến 9,35 cent/kWh (tương đương 2.231 đồng/kWh theo giá FIT 1) hoặc 1.692 đồng/kWh (tương đương 7,09 cent/kWh theo giá FIT 2), các dự án có nguy cơ hưởng mức giá bằng với các dự án chuyển tiếp là không quá 1.184,9 đồng/kWh.

Như vậy nếu tính lại giá điện, các dự án sẽ sụt giá bán điện từ 24-47% so với mức giá mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang mua.

Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo lại kiến nghị giữ nguyên giá mua bán điện đối với 173 dự án - Ảnh 2.Phó thủ tướng 'chốt' hướng xử lý dự án năng lượng tái tạo vướng giấy nghiệm thu

Các dự án năng lượng tái tạo có vướng mắc về giấy nghiệm thu do ảnh hưởng dịch COVID-19 có thể được tháo gỡ theo chỉ đạo mới nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên