
Các nghi phạm bị bắt giữ trong cuộc đột kích vào trung tâm lừa đảo ở Phnom Penh ngày 14-7 - Ảnh: AFP
Đây được xem là đợt ra quân mạnh tay nhất từ trước đến nay của chính phủ Thủ tướng Hun Manet nhằm dẹp bỏ "ngành công nghiệp" lừa đảo trực tuyến vốn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh nước này.
Đánh mạnh vào các điểm nóng
Các cuộc đột kích diễn ra tại nhiều tỉnh thành, bao gồm thủ đô Phnom Penh, thành phố Poipet và cảng biển Sihanoukville - ba khu vực được coi là điểm nóng của các trung tâm lừa đảo tại quốc gia này.
Theo báo cáo của cảnh sát Campuchia công bố ngày 16-7, trong số hơn 1.000 người bị bắt giữ, phần lớn là người nước ngoài, bao gồm công dân đến từ Indonesia, Việt Nam và Đài Loan.
Chiến dịch được thực hiện sau khi Thủ tướng Hun Manet ban hành chỉ thị yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật và quân đội "ngăn chặn và trấn áp các vụ lừa đảo trực tuyến", đồng thời cảnh báo các quan chức sẽ bị cách chức nếu không hành động quyết liệt.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Hun Manet thể hiện rõ lập trường không khoan nhượng với các trung tâm lừa đảo được cho là có liên quan nhiều nhân vật quyền lực trong nước.
Giới chức Campuchia cho biết đã giải cứu hàng trăm nạn nhân trong các đợt đột kích và tiếp tục điều tra hàng chục khu phức hợp khác. Bộ Nội vụ nước này tuyên bố sẽ "triệt phá hoàn toàn các hoạt động lừa đảo, giam giữ người trái phép và buôn người - những hành vi đang làm hủy hoại hình ảnh quốc gia".
Một số nhà quan sát cho rằng bên cạnh quyết tâm nội tại, chiến dịch lần này cũng cho thấy nỗ lực của Campuchia trong việc giải quyết vấn đề trước áp lực quốc tế ngày càng gia tăng.
Theo Liên hợp quốc, Đông Nam Á hiện là trung tâm của "ngành công nghiệp" lừa đảo mạng toàn cầu, với thiệt hại ước tính lên tới 40 tỉ USD mỗi năm. Các nạn nhân chủ yếu bị dụ dỗ thông qua những chiêu trò tình cảm hoặc đầu tư giả mạo trên mạng xã hội, trong khi nhiều lao động bị đưa đến các trung tâm lừa đảo dưới vỏ bọc "việc nhẹ lương cao" trong văn phòng.
Tổ chức Ân xá quốc tế gần đây cũng cảnh báo tình trạng lạm dụng tại các khu phức hợp này đang diễn ra trên quy mô lớn, bao gồm giam giữ, cưỡng bức lao động, bóc lột trẻ em và tra tấn. Ước tính có ít nhất 53 khu phức hợp như vậy tại Campuchia, chủ yếu nằm ở các tỉnh như Sihanoukville, Koh Kong và Oddar Meanchey.
Hơn 140 người Việt bị bắt
Chiều 17-7, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi với người phát ngôn Phạm Thu Hằng đề nghị xác minh thông tin hàng trăm công dân Việt Nam bị bắt tại Campuchia trong chiến dịch truy quét hoạt động lừa đảo qua mạng như truyền thông Campuchia đưa tin.
Phản hồi vấn đề trên, bà Hằng cho biết theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, ngày 14-7 vừa qua hơn 140 công dân Việt Nam đã bị các cơ quan chức năng của Campuchia tạm giữ ở Phnom Penh "do có hoạt động tội phạm lừa đảo trực tuyến".
"Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và các đơn vị liên quan ngay lập tức phối hợp cơ quan chức năng trong nước cũng như sở tại để triển khai các thủ tục lãnh sự cần thiết, hỗ trợ đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất", bà Hằng nói thêm.
Nhân dịp này, đại diện Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao", không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, không thông qua tổ chức phái cử lao động.
Cùng ngày 17-7, thông tin từ Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã phối hợp cùng Phòng nghiệp vụ Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh và Công an tỉnh Tây Ninh tổ chức tiếp nhận 45 công dân Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao.
Những người này đi qua Campuchia thông qua các trang mạng tìm kiếm việc làm, dụ dỗ sẽ có việc làm thu nhập cao. Tuy nhiên sau đó đều được đưa vào các khu vực tổ chức lừa đảo qua mạng trực tuyến, bị ép làm việc.
Mỗi ngày họ đều phải tải lên mạng xã hội những nội dung lừa đảo. Hoặc họ phải giả danh điện lực, cán bộ thuế, cán bộ an ninh... gọi điện về Việt Nam tìm kiếm người nhẹ dạ để lừa đảo. Ai không đạt được chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, hành hạ.
Được về đến Việt Nam, một thanh niên quê Cà Mau cho biết rất vui mừng vì đã thoát khỏi "địa ngục". "Mỗi ngày phải tìm được 200 tài khoản gửi lời kết bạn, nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, không cho ăn, không cho ngồi, nhiều khi còn bị chích điện", thanh niên này kể.
Giải cứu dễ, truy tố khó
Chiến dịch trấn áp của Campuchia diễn ra song song với làn sóng hợp tác khu vực đang được đẩy mạnh nhằm đối phó với các băng nhóm lừa đảo xuyên biên giới. Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Campuchia trong việc xác minh danh tính, trục xuất và hồi hương nạn nhân hoặc nghi phạm liên quan các trung tâm lừa đảo trực tuyến.
Dưới sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, Văn phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc đang thúc đẩy các nước trong khu vực xây dựng "lộ trình" hợp tác, kêu gọi thiết lập các đội chuyên trách liên ngành tại mỗi quốc gia, chia sẻ thông tin về các trung tâm lừa đảo, nghi phạm và vấn nạn rửa tiền xuyên biên giới.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, phần lớn nỗ lực hiện nay vẫn chỉ dừng ở mức giải cứu, trong khi việc điều tra và truy tố các tổ chức đứng sau vẫn còn nhiều hạn chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận