TTCT - Trong nhiều thập kỷ, các nhà ngôn ngữ học đã xem chúng là những tiếng ồn không liên quan trong cuộc trò chuyện, là thứ vô giá trị trong ngôn ngữ, hoặc biểu hiện của những người ăn nói không lưu loát. Gần đây thì khác. Ảnh: SHUTTERSTOCKTrong chiều dài lịch sử ngôn ngữ học, các học giả có xu hướng tập trung vào ngôn ngữ viết vì có hồ sơ ghi lại rõ ràng, còn ngôn ngữ nói thì không. Nhưng giờ đây, với các bản ghi âm hiện đại, phân tích ngôn ngữ nói đã dễ dàng hơn nhiều. Và các khám phá mới mở ra góc nhìn rất khác những gì chúng ta vẫn nghĩ về các interjection (thán từ).Thán từ là một từ có thể đứng một mình, không kết hợp ngữ pháp với các từ khác trong câu như à, ừm, hả, ừ hử, ậm ờ… (hay thường nghe nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay chắc là wow). Trong nhiều thập kỷ, các nhà ngôn ngữ học đã xem chúng là những tiếng ồn không liên quan trong cuộc trò chuyện, là thứ vô giá trị trong ngôn ngữ, hoặc biểu hiện của những người ăn nói không lưu loát (như họ mong muốn). Nhưng nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các thán từ này có sức mạnh lớn hơn nhiều.Đèn giao thông khơi dòng trò chuyệnTrong một cuộc khảo sát 31 ngôn ngữ trên toàn thế giới, nhà ngôn ngữ học Mark Dingemanse tại Đại học Radboud (Hà Lan) cùng các đồng sự đã quan sát thấy các câu cảm thán (gồm một hoặc hai từ) xuất hiện ngồn ngộn trong lời nói hằng ngày. Phát biểu trên Annual Review of Linguistics năm 2024, ông Dingemanse thống kê: cứ bảy câu nói thì có một câu là câu cảm thán, trung bình 12 giây thì người ta lại thốt ra một câu như thế. Ông kết luận: nếu muốn có những cuộc trò chuyện hợp lý thì thán từ là công cụ cần thiết.Ví dụ, khi đang trình bày một chuyện gì đó, nếu người nói ừm hay ờ, báo hiệu họ sắp dừng lại nhưng chưa nói xong. Còn nếu người nghe nói nhanh tiếng hả? hoặc gì? thì khả năng là cuộc giao tiếp thất bại rồi và người nói cần phải chỉnh lại cách diễn đạt của mình.Một số nhà ngôn ngữ học còn cho thán từ thêm vai trò là "người tiếp nối" câu chuyện. Chẳng hạn như mm-hmm, khi người nghe dùng thán từ này nghĩa là họ đang chú ý và người nói nên tiếp tục vì họ muốn nghe tiếp. Chắc nhiều người sẽ thắc mắc cái gì quy định cho ý nghĩa đó? Nhưng trước mắt, giải thích của các nhà ngôn ngữ học nghe cũng… có lý: tiếng mm-hmm phát ra khi miệng vẫn đang khép, chứng tỏ người ra hiệu không có ý định nói mà vẫn còn muốn nghe.Những "người kết nối" này có đồng nghiệp trong ngôn ngữ ký hiệu. Chẳng hạn thay vì nói có để tỏ ra đồng thuận với người nói trong một cuộc giao tiếp dài, nhưng không gây chú ý, thì trong Ngôn ngữ ký hiệu Thụy Điển, người nghe sẽ có xu hướng giữ tay thấp hơn bình thường. Theo nhà ngôn ngữ học Carl Börstell tại Đại học Bergen (Na Uy), dùng ký hiệu như vậy sẽ ít làm gián đoạn câu chuyện hơn là cả hai người cùng nói.Cũng giống ngôn ngữ viết, thán từ khác nhau trong văn nói cũng gửi đi những tín hiệu khác nhau. Nhà ngôn ngữ học tâm lý Allison Nguyen tại Đại học Illinois (Mỹ) đưa ra một tình huống khá dễ hiểu. Thử hình dung bạn đi siêu thị sắm nội thất cho gia đình và đang nghe người bán hàng hướng dẫn cách lắp ráp món đồ đó tại nhà. Nếu bạn mm-hmm thì người nói nên tiếp tục giải thích bước hiện tại, còn nếu bạn à hoặc ok thì ngụ ý bạn hiểu bước đó rồi, chuyển sang bước tiếp theo đi.Quan trọng là thế nhưng thán từ thường bị bỏ qua khi dạy ngoại ngữ. Giáo viên sẽ trừ điểm nếu học trò cứ à, ờ, uhm, vì cho đó là nói năng không trôi chảy, trình bày không mạch lạc. Thật oan cho thán từ! Theo nhà ngôn ngữ học Tây Ban Nha Martina Wiltschko, người bản ngữ sử dụng thán từ thường xuyên, vì vậy nó nên được đưa vào chương trình giảng dạy ngôn ngữ thứ hai.Ngôn ngữ nào kêu đau cũng như nhauThán từ không chỉ xuất hiện trong giao tiếp, nó còn có mặt trong đời sống với nhiệm vụ thể hiện cảm xúc. Đừng ngạc nhiên khi trên toàn thế giới, ai đụng chân vào cạnh bàn cũng la lên với âm thanh… na ná nhau.Nhà ngôn ngữ học Maïa Ponsonnet của Đại học Tây Úc và các đồng sự đã lập danh sách các nguyên âm (a, i, o...) trong hơn 500 từ cảm thán chỉ đau đớn, ghê tởm và vui mừng trên 131 ngôn ngữ toàn thế giới, rồi so sánh chúng với các nguyên âm được sử dụng trong các phát âm không phải ngôn ngữ (tiếng la hét, tiếng rên rỉ...) để xem hai loại này có cùng âm thanh hay không. Kết quả, đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Âm học Mỹ tháng 11-2024, cho thấy thán từ chỉ đau đớn gần như giống hoàn toàn, chứa nhiều âm "a" hơn và không có sự khác biệt ở tất cả các khu vực trên thế giới.Nỗi đau - một chiều kích quan trọng của trải nghiệm con người - gây ra những phản ứng sinh lý và cảm xúc mạnh mẽ, có thể ảnh hưởng đến dạng thức của một số từ được sử dụng để diễn đạt nỗi đau. Dù tiếng Anh là "ouch" (phát âm là auch), tiếng Nhật là "ai", tiếng Việt là "á" hay tiếng Tây Ban Nha là "ay" thì thán từ này đã là minh chứng cho một cây cầu ngôn ngữ có khả năng kết nối các nền văn hóa. Nhật báo EL PAÍS của Tây Ban Nha bình luận rằng những phát hiện này làm sáng tỏ hơn nguồn gốc của ngôn ngữ và các hình thức ngôn ngữ.Aitana García Arasco, đồng tác giả của nghiên cứu, viết trên Tạp chí Khoa học Mỹ rằng một đứa trẻ khóc theo cùng một cách ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhưng theo thời gian, chúng học cách điều chỉnh biểu lộ cảm xúc của mình theo các chuẩn mực xã hội. Ví dụ cười lớn ở Tây Ban Nha được xem là dấu hiệu của niềm vui, nhưng ở Nhật Bản thì bị coi là thô lỗ nên phải che miệng.Ngôn ngữ tồn tại vì con người cần tương tác với nhau, Börstell nói trên tạp chí Knowable. Dingemanse đồng tình và đế thêm rằng thán từ là cách mà ngôn ngữ nói tự biểu hiện mình. Khi bạn nói hả? bạn đang không chỉ nói "tôi không hiểu", mà hơn thế, nó biểu thị "tôi hiểu bạn đang cố nói với tôi điều gì đó nhưng tôi không hiểu".Rõ ràng, thán từ rất hàm súc và tinh vi. Liệu ngôn ngữ của con người có phức tạp đến vậy nếu không có những từ đơn giản như thán từ? Dạy AI à ừ để giống người hơn?Theo đánh giá của Wiltschko, các từ cảm thán sẽ là thành tố giúp phân biệt giữa máy tính và con người, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) khó lòng học và sử dụng thành thục chúng. Thật ra các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nay cũng nói chuyện tự nhiên, à ừm như thật. Chẳng hạn, NotebookLM, ứng dụng AI của Google, có tính năng tự tạo podcast do hai máy chủ AI thực hiện trên nội dung người dùng cung cấp. Hai "host" nói đùa, cười và chèn thán từ mm-hmm, hay wow! vào những thời điểm phù hợp, phải tinh lắm mới biết máy chứ không phải con người.Thực tế là với khách hàng đại chúng, chatbot biết sử dụng thán từ trong giao tiếp tác động tốt đến thái độ và hành vi của người tiêu dùng, theo nghiên cứu của Đại học Quốc tế Nhật Bản. Khi cho hàng trăm người tiêu dùng thử đặt phòng khách sạn, liên hệ bảo hành máy tính hư thông qua chatbot, nhóm nghiên cứu nhận thấy họ hài lòng hơn, sẵn sàng mua hàng và nhiều khả năng trung thành hơn nếu chatbot phản hồi kèm các từ cảm thán như wow, hmm. Nguyên nhân cho phản ứng tích cực này là người dùng thấy chatbot giống con người hơn, hiểu và đáp ứng nhu cầu của họ tốt hơn. Tags: Ngôn ngữ viếtNgôn ngữNghiên cứu khoa họcNgôn ngữ học
Làn khói đen ở Nhà nguyện Sistine, chưa có Giáo hoàng mới UYÊN PHƯƠNG 08/05/2025 Sau lần bỏ phiếu bầu chọn Giáo hoàng đầu tiên, làn khói đen vừa xuất hiện tại ống khói trên nóc Nhà nguyện Sistine vào lúc 21h tối 7-5 (tức 2h sáng 8-5 theo giờ Việt Nam).
Tin tức sáng 8-5: Đề xuất nâng mức trợ cấp thất nghiệp; Gần 50% người Việt bị cholesterol máu cao THÀNH CHUNG 08/05/2025 Tin tức đáng chú ý: Đề xuất nâng mức trợ cấp thất nghiệp lên 65% bình quân tiền lương; Doanh thu kinh doanh địa ốc đạt gần 100.000 tỉ đồng; Gần nửa dân số Việt Nam bị cholesterol máu cao...
Dạy 2 buổi/ngày không thu phí: Chờ sớm có hướng dẫn VĨNH HÀ 08/05/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đã thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên.
Tin tức thế giới 8-5: Ông Trump đề nghị giúp Ấn Độ và Pakistan; Nguy cơ hủy diệt ở Gaza BÌNH AN 08/05/2025 Fed tiếp tục tạm dừng cắt giảm lãi suất và cảnh báo rủi ro về lạm phát, thất nghiệp; Ông Trump cho rằng công lao của Mỹ rất lớn thời thế chiến 2.