Có thật táo Ý bổ dưỡng gấp 6 lần táo Mỹ?

Thông tin được chia sẻ trong một kênh podcast khẳng định rằng bạn sẽ phải ăn 6 quả táo Mỹ mới thu được lượng dưỡng chất tương đương 1 quả táo Ý. Các chuyên gia dinh dưỡng đã nêu quan điểm về vấn đề này.

táo Mỹ - Ảnh 1.

Thông tin "táo ở Ý có mật độ dinh dưỡng cao hơn táo ở Mỹ" gây hiểu lầm - Ảnh: FREEPIK

Những so sánh giữa chất lượng thực phẩm ở Mỹ và các nước châu Âu, đặc biệt là Ý, rất phổ biến trên mạng xã hội. Một tập phát sóng mới đây của kênh The Ultimate Human Podcast đã so sánh mật độ dinh dưỡng giữa táo Mỹ và táo Ý, đưa ra tuyên bố gây hoang mang nói trên.

The Ultimate Human Podcast là kênh podcast tập trung vào các chủ đề về sức khỏe, biohacking, dinh dưỡng, phát triển cá nhân, với nhiều khách mời nổi tiếng trong lĩnh vực sức khỏe và thể hình như Dana White (CEO UFC), Dr. Mehmet Oz, Paul Saladino MD..

Táo Mỹ không bổ dưỡng bằng táo Ý?

Tuyên bố lan truyền nói: "Ví dụ như một quả táo ở Mỹ, bạn ăn một quả thật ra chỉ nhận được lượng dinh dưỡng bằng một phần tư. Vì vậy, bạn phải ăn tới sáu quả mới đủ. Trong khi đó, khi ăn một quả táo hay cà chua ở Ý, bạn sẽ thốt lên 'Sao ngon quá vậy!', rồi nhận ra 'À đúng rồi', vì mật độ dinh dưỡng của nó cao hơn".

Trang kiểm chứng thông tin thực phẩm FoodFacts đã kiểm tra cơ sở khoa học đằng sau tuyên bố "táo Ý giàu dinh dưỡng hơn táo Mỹ" và kết luận đây là nhận định gây hiểu lầm.

Dù hàm lượng dinh dưỡng trong táo có thể thay đổi tùy giống, thổ nhưỡng và phương pháp bảo quản, không có bằng chứng cho thấy sự khác biệt quá lớn giữa táo Mỹ và táo Ý. Táo ở cả hai nơi đều có thể bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe.

Thực tế, dưỡng chất trong táo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống cây, loại đất, khí hậu, cách bảo quản và chế biến.

Hiện có khoảng 7.000 giống táo được trồng trên thế giới. Thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là polyphenol - hợp chất có lợi cho sức khỏe - cũng thay đổi theo giống.

Chất lượng đất trồng, bao gồm hoạt động vi sinh, khoáng chất, độ pH và mức ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ dưỡng chất của cây.

Khí hậu, hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chăm sóc như bón phân, tỉa cành cũng tác động đến chất lượng và mật độ dưỡng chất trong trái.

Những yếu tố này không chỉ khác nhau giữa các quốc gia mà còn khác biệt giữa các vùng, thậm chí giữa từng trang trại tại Mỹ hoặc Ý. Vì vậy, việc so sánh một cách khái quát là thiếu căn cứ.

Ngoài ra, lượng phytonutrient (dưỡng chất thực vật) trong táo còn phụ thuộc vào độ chín, mùa thu hoạch và đặc biệt là cách bảo quản, chế biến. Bảo quản lạnh, dù cần thiết để vận chuyển, có thể làm giảm dưỡng chất theo thời gian. Một số nghiên cứu cho thấy quá trình này có thể làm giảm tới 50% phenol trong thịt quả và 20% trong vỏ.

Chế biến bằng nhiệt như sấy khô hoặc tiệt trùng cũng khiến dưỡng chất bị phân hủy. Vì thế, táo được bảo quản lâu hoặc qua chế biến có thể chứa ít dưỡng chất hơn so với táo tươi vừa hái.

Điểm mấu chốt, theo FoodFacts, là không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ tuyên bố sự khác biệt về dinh dưỡng giữa táo Mỹ và táo Ý lại lớn đến gấp 6 lần như lời đồn.

Độ tươi đồng nghĩa với mật độ dinh dưỡng cao?

Tuyên bố trong podcast cho rằng táo Mỹ chứa ít dưỡng chất hơn táo Ý dựa trên quan niệm: táo Ý "tươi hơn" nên "bổ hơn".

Đúng là độ tươi và cảm giác lành mạnh ảnh hưởng mạnh đến lựa chọn tiêu dùng. Táo ở Ý có thể "có vẻ" tươi hơn với người ăn, nhưng điều đó không có nghĩa chúng vượt trội về dinh dưỡng.

Táo Mỹ cũng có thể rất tươi, tùy thuộc nguồn gốc và thời điểm mua. Ngay cả khi được bảo quản vài tuần, táo vẫn mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể. Tại cả Mỹ và Ý, người dân đều có thể mua táo ở chợ địa phương hoặc siêu thị.

Tuyên bố này khai thác niềm tin rằng thực phẩm châu Âu luôn tốt hơn thực phẩm Mỹ. Một phần lý do khiến trái cây, rau củ ở châu Âu có vẻ ngon hơn là do văn hóa tiêu dùng và thói quen mua sắm.

Tại các nước như Ý, Pháp, người dân thường ghé chợ nhỏ vài lần mỗi tuần. Chuỗi cung ứng ngắn giúp thực phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn so với hàng nhập siêu thị.

Bên cạnh đó, khách du lịch hay người Mỹ sống ở châu Âu có xu hướng ăn trái cây tươi mua ở chợ hoặc thưởng thức thực phẩm theo mùa tại nhà hàng - trải nghiệm rất khác so với việc mua trái cây đóng gói tại siêu thị Mỹ.

Điều này củng cố cảm giác "trái cây châu Âu ngon hơn", trong khi phần lớn khác biệt nằm ở bối cảnh, không phải hàm lượng dinh dưỡng.

Những tuyên bố kiểu này dễ đánh lạc hướng khỏi các khác biệt thật như cách trồng trọt hay văn hóa tiêu dùng. Thay vào đó, chúng làm lan truyền niềm tin sai lệch rằng thực phẩm chỉ tốt nếu đến từ nguồn "cao cấp".

Điều quan trọng hơn cả là nên ăn trái cây tươi thường xuyên, từ bất kỳ nguồn an toàn nào mà bạn có thể tiếp cận.

Có thật táo Ý bổ dưỡng gấp 6 lần táo Mỹ? - Ảnh 3.Trái ngọt ngày nay - do tay chứ chẳng do cây

TTCT - Tục ngữ Việt vốn có câu "Chua ngọt tại cây". Nhưng nếu có thể, muôn cây ngày nay chắc sẽ… kêu oan và kiện con người.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên