
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 26-5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.
Luật Tương trợ tư pháp về dân sự cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Ông Ninh cho hay việc xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự là cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, và thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 bộc lộ nhiều hạn chế.
Dự luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa luật hiện hành và cụ thể hóa các chính sách pháp luật đã được cấp có thẩm quyền thông qua.
Luật quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Đối tượng điều chỉnh là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
Theo ông Ninh, dự thảo gồm 4 chương, 36 điều, trong đó có nhiều nội dung mới như: ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ; quy định điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài khi chưa có điều ước quốc tế; miễn hợp pháp hóa lãnh sự trong một số trường hợp…
Các quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân liên quan.
Tờ trình nhấn mạnh, việc ban hành luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ với ba đạo luật đã tách từ Luật Tương trợ tư pháp 2007 là: Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Qua đó bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong công tác tương trợ tư pháp.
Bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất và khả thi

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: GIA HÂN
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về dân sự như Chính phủ đã trình.
Dự thảo luật được đánh giá là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát các nội dung sửa đổi của Hiến pháp năm 2013, và bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Ủy ban cơ bản đồng thuận với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong dự thảo. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng cần quy định rõ hơn đối với yêu cầu tương trợ trong lĩnh vực phá sản - vốn không phải là vụ án dân sự theo nghĩa truyền thống - để tránh khoảng trống pháp lý.
Về điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài, ủy ban tán thành với hướng quy định mới, nhưng lưu ý cần rà soát kỹ để bảo đảm không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.
Về hồ sơ Tương trợ tư pháp về dân sự, ủy ban đồng tình với việc miễn hợp pháp hóa lãnh sự nhằm giảm thủ tục hành chính, nhưng đề nghị vẫn phải thực hiện nếu điều ước quốc tế hoặc phía nước ngoài có yêu cầu.
Điều này vừa bảo đảm hiệu quả thực hiện, vừa giữ được sự tôn trọng đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về thẩm quyền thực hiện yêu cầu Tương trợ tư pháp về dân sự, đa số ý kiến trong ủy ban tán thành giao tòa án nhân dân khu vực thực hiện yêu cầu để thúc đẩy phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên cũng lưu ý rằng hiện chưa có cơ quan thi hành án dân sự khu vực, nên việc quy định cần phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến đề xuất cho phép "doanh nghiệp bưu chính công ích" tống đạt giấy tờ của nước ngoài, ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ vì phương thức này đã được pháp luật quy định tương đối đầy đủ và quá trình thực hiện thời gian qua không có vướng mắc lớn.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, ủy ban đánh giá cao chủ trương này và đề nghị cần quy định chi tiết, bảo đảm khả năng kết nối, liên thông và bảo mật dữ liệu khi triển khai hệ thống thông tin Tương trợ tư pháp về dân sự trong thực tiễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận