26/05/2025 12:25 GMT+7

Điều tiết 30% thu từ đất về trung ương, TP.HCM lo thiếu nguồn làm các dự án lớn

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

Sáng 26-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), với nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về tỉ lệ phân chia ngân sách giữa trung ương và địa phương.

Điều tiết 30% thu từ đất về trung ương, TP.HCM lo thiếu nguồn làm các dự án lớn - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - Ảnh: Quochoi.vn

Đồng tình với quan điểm phân cấp, phân quyền thực chất, đi đôi với tăng trách nhiệm giải trình, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng thực tiễn 10 năm qua, nhiều địa phương - đặc biệt là các đô thị lớn như TP.HCM - gặp khó khăn cân đối ngân sách, triển khai đầu tư công, cũng như chủ động trong điều hành tài chính - ngân sách do quy định hiện hành chưa tạo đủ không gian cho địa phương tự quyết. 

Tăng phân cấp phân quyền thực chất

Tuy vậy, với quy định trần nợ vay theo tỉ lệ % thu được hưởng theo phân cấp (80% và 120%), đại biểu Lệ cho rằng cách tính này chưa phản ánh đúng năng lực thực tế, không phù hợp với các địa phương có quy mô kinh tế lớn, có năng lực huy động vốn cao như TP.HCM. 

Cũng bởi TP hoàn toàn có thể vay lại từ ODA, phát hành trái phiếu chính quyền để đầu tư các công trình trọng điểm.

"Ngoài tiêu chí thu phân cấp, cần bổ sung tiêu chí định lượng như GRDP, năng lực trả nợ, xếp hạng tín nhiệm và khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính - tín dụng. 

Việc Quốc hội cho phép địa phương bội chi để đầu tư các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa vùng cũng cần được luật hóa rõ ràng hơn" - đại biểu Lệ bày tỏ. 

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng việc điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển là cần thiết. 

Vì vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng thực hiện hợp nhất, sáp nhập địa phương nên cần nguồn lực đầu tư là rất lớn, dù việc này có thể làm tăng mức nợ công.

Đặc biệt đối với Hà Nội và TP.HCM đang có nhiều dự án lớn như đường sắt đô thị, ông Ngân cho rằng quy định mức trần 120% ngân sách địa phương được hưởng là chưa phù hợp, nên cần nới rộng lên mức 150% lên 200% theo phân cấp.

Liên quan thu phân chia tỉ lệ % từ thuế VAT, ngân sách trung ương hưởng 70% và địa phương là 30%, hay nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, địa phương không được hưởng 100% như hiện hành mà chỉ hưởng 70%. 

ngân sách - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ảnh: Quochoi.vn

Để lại nguồn lực cho địa phương đầu tư hạ tầng

Tuy vậy, với quan điểm phải cân đối kế hoạch đầu tư để mang tính dài hạn, ổn định, ông Ngân cho rằng việc địa phương chỉ còn giữ lại 70% nguồn thu là không phù hợp.

Vì vậy ông cho rằng cần tiếp tục giữ nguyên quy định để đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số, phát huy tiềm năng địa phương khi hợp nhất, sáp nhập, mở rộng không gian phát triển, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM là những địa phương có nhiều dự án đầu tư lớn. 

Dẫn chứng từ TP.HCM, ông Ngân cho biết để đáp ứng nhu cầu đầu tư công đến năm 2030, vốn ngân sách cần huy động là 1,1 triệu tỉ đồng. Với nguồn thu từ đất là 550.000 tỉ đồng, nhưng phải điều tiết 30% về ngân sách trung ương, tức mỗi năm hụt thu hơn 33.000 tỉ đồng. 

Đại biểu cho rằng điều này ảnh hưởng kế hoạch triển khai đầu tư công của thành phố, đặc biệt nhu cầu đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị lên tới 40 tỉ USD, các dự án đường mở rộng kết nối Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và xây dựng các cầu. “Tôi cho rằng trước mắt 10 năm tới chưa thu khoản này, còn nếu thu chỉ nên ở mức 5-10%” - đại biểu nêu. 

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tỉ lệ phân chia phù hợp giữa ngân sách trung ương và địa phương (sau khi trừ tiền thu từ đất) trong năm 2026.

Trong năm 2026, khi Luật Ngân sách (sửa đổi) có hiệu lực, bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội có tỉ lệ phân chia phù hợp, đảm bảo ổn định phát triển, lâu dài.

Đề xuất HĐND cấp tỉnh được quyền quyết định tỉ lệ phân chia nội bộ

Phó bí thư Thành ủy đề nghị trong bối cảnh các địa phương đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số… luật cần cho phép sử dụng nguồn vượt thu, kết dư ngân sách để đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, số hóa thủ tục hành chính, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng xanh.

Với các quỹ do trung ương thành lập, bà cho rằng cần cho phép địa phương được lập một số quỹ tài chính ngoài ngân sách (theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch) để đáp ứng các nhu cầu đặc thù, như Quỹ phát triển chuyển đổi số, Quỹ đầu tư hạ tầng đô thị, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo…

Ngoài ra, theo đại biểu thì HĐND cấp tỉnh cũng cần có quyền quyết định tỉ lệ phân chia nội bộ giữa các cấp ngân sách; quyết định việc chuyển nguồn, sử dụng kết dư, phân bổ vốn cho chương trình đột phá, các tình huống phát sinh chưa có trong kế hoạch. Phê duyệt các dự án trọng điểm có tác động lớn đến kinh tế xã hội.

Điều tiết 30% thu từ đất về trung ương, TP.HCM lo thiếu nguồn làm các dự án lớn - Ảnh 4.Xây dựng tổ chức chính quyền 2 cấp: Hơn 1.200 nhiệm vụ cần phân cấp, phân quyền

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để từ cấp trên xuống cấp dưới, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên