03/07/2025 15:57 GMT+7

Đề xuất thu phí 13 đoạn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam từ năm 2026

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Xây dựng phê duyệt đề án để triển khai thu phí 13 đoạn tuyến thuộc đường cao tốc Bắc - Nam từ năm 2026.

Đề xuất thu phí 13 đoạn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam từ năm 2026 - Ảnh 1.

Nếu đề án được thông qua, có 13 đoạn tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ thu phí từ năm 2026 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo Cục Đường bộ, đến nay có 29 đoạn tuyến đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Trong đó có 5 tuyến cao tốc: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã được bộ phê duyệt đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, dự kiến bắt đầu thu phí từ tháng 1-2026.

Căn cứ tình hình đầu tư, xây dựng hạ tầng trạm thu phí, trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật… để đảm bảo việc khai thác hiệu quả khi triển khai thu phí sử dụng đường cao tốc, Cục Đường bộ tiếp tục đề xuất danh mục 13 đoạn tuyến cao tốc để lập đề án, triển khai thực hiện thu phí gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Về mức phí, Cục Đường bộ căn cứ quy định tại nghị định số 130/2024/NĐ-CP về thu phí sử dụng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác với hai mức sau:

Mức 1: 1.300 đồng/PCU (đơn vị quy đổi theo xe con)/km đối với đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (có 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp liên tục);

Mức 2: 900 đồng/PCU/km đối với đường cao tốc có 4 làn xe nhưng có làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.

Với mức phí trên, trong năm đầu tiên triển khai thu phí (dự kiến năm 2026) tổng doanh thu 13 đoạn tuyến cao tốc nói trên khoảng 2.636 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí sẽ nộp ngân sách hơn 2.465 tỉ đồng.

Tổng cộng doanh thu trong 7 năm sẽ hơn 24.693 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 23.088 tỉ đồng sau khi trừ chi phí tổ chức thu phí.

Trong thời hạn khai thác tài sản (thu phí) 7 năm, Cục Đường bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương thức khai thác khác nếu phù hợp.

Cục Đường bộ đề xuất là cơ quan trực tiếp tổ chức thu phí đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và có nhiệm vụ tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đối với các đoạn đường cao tốc này.

Dự kiến thu phí 5 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ tháng 1-2026

Trước đó cuối tháng 4-2025, bộ trưởng Bộ Xây dựng đã phê duyệt đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc với 5 đoạn tuyến cao tốc được đầu tư công gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Thời hạn thực hiện đề án là 7 năm kể từ ngày bắt đầu thu phí (dự kiến từ tháng 1-2026).

Theo đó mức phí cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (4 làn xe hoàn chỉnh) là 1.300 đồng/PCU/km), 4 đoạn tuyến còn lại có mức phí 900 đồng/PCU/km.

Dự kiến tổng số tiền thu được trong năm đầu tiên của 5 đoạn tuyến cao tốc này hơn 1.867 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí sẽ nộp ngân sách hơn 1.745 tỉ đồng.

Đề xuất thu phí 13 đoạn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam từ năm 2026 - Ảnh 3.Xây trạm thu phí, nhà điều hành các đoạn cao tốc Vĩnh Hảo đến Dầu Giây

Chủ đầu tư các dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cho biết đã khởi công các hạng mục công trình, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống giám sát điều hành giao thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên