Đôi mắt của Mona: Đừng nghĩ tới chữa lành, hãy cứ ngắm nhìn nghệ thuật

TRÚC ANH 14/05/2025 08:24 GMT+7

TTCT - Thomas Schlesser không hô khẩu hiệu "nghệ thuật sẽ chữa lành" hay "hãy tìm về nghệ thuật", nhưng gập sách lại, ai cũng muốn đến bảo tàng, nếu gần họ may mắn có một kho tàng tri thức quý báu như thế.

nghệ thuật bảo tàng - Ảnh 1.
nghệ thuật bảo tàng - Ảnh 2.

Bìa sách tiếng Việt và bản gốc tiếng Pháp.

Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra thời gian trung bình người ta dành để ngắm một tác phẩm nghệ thuật trong viện bảo tàng hoặc phòng trưng bày là 28 giây - chỉ dài hơn một cái liếc mắt, có khi còn không đủ thu hết vào tầm mắt tổng quan của một bức tranh, một tác phẩm sắp đặt, một hiện vật. 

Vậy mà đều đặn mỗi thứ tư, trong suốt một năm, cô bé 10 tuổi Mona sẽ đứng trước mỗi tác phẩm ở bảo tàng, lặng yên quan sát 10-15 phút, trước khi nói cảm nghĩ về nó cho ông ngoại Henry, hay Dadé yêu dấu.

Đây là nghi thức mà người ông 80 tuổi dành cho cô cháu gái, khi cô bé bỗng dưng, "bởi một bùa phép nào đó", mất hẳn thị lực, trải qua 63 phút mù lòa. Lẽ ra ông ngoại phải đưa cháu đến bác sĩ tâm thần trẻ em, theo gợi ý của bác sĩ nhãn khoa - người đã khám và không phát hiện gì bất thường ở Mona - song Henry có cách của ông, "một thứ còn tốt hơn cả thuốc". 

"Trước tiên họ sẽ tới cung điện Louvre, sau đó đến bảo tàng Orsay và cuối cùng là Beaubourg. Ở đó, phải, ở đó, giữa những nơi dành riêng cho việc bảo tồn những gì táo bạo nhất và đẹp đẽ nhất mà nhân loại đã thực hiện được, ông sẽ tìm thấy một liều thuốc bổ cho cháu gái mình".

Và như thế, Đôi mắt của Mona đưa người đọc cùng ông cháu suốt 52 tuần, trở thành du khách, lạc bước trong các hành lang của ba bảo tàng lớn nhất Paris, để gặp gỡ những Botticelli, Van Gogh, Leonard da Vinci, Gustav Klimt, Rosa Bonheur, Magritte, Malevitch, Frida Kahlo…

Người đọc sẽ tự mình nhìn các tác phẩm (in màu sẵn theo sách, để tránh người đọc rời trang giấy vớ lấy điện thoại hỏi Google và - theo một nghiên cứu năm 2023 - mất thêm 23 phút mới có thể quay lại chuyện đọc), trước khi nghe chúng qua lời tả của Mona, người sẽ sớm "nắm bắt rất chính xác cơ chế của các buổi tham quan tác phẩm", để có thể đoán trước được những đúc kết về đạo đức hoặc triết lý của chúng.

Thomas Schlesser, một sử gia nghệ thuật, giáo sư đại học và giám đốc một quỹ bảo trợ nghệ thuật, mất mười năm thai nghén và lựa chọn từ hàng trăm tác phẩm có trưng bày thật để rút còn 52 kho báu Dadé dẫn Mona tới thăm, với tiêu chí: có sự luân phiên giữa các tác phẩm kinh điển và những tác phẩm hiếm hơn; cân bằng giữa kiến thức uyên bác và sự tò mò; và đưa vào những giai thoại không tìm thấy trên Internet. 

Danh sách cuối cùng được thể hiện là lựa chọn của Henry, người dốc lòng tìm ra những bài học phù hợp để truyền đạt đúng thời điểm.

Nhưng cứ theo chân hai ông cháu và nhìn hết tác phẩm này đến tác phẩm khác qua "đôi mắt của Mona" mãi thì tiểu thuyết sẽ thành giáo khoa về mỹ thuật mất. Ngoài chuyến thăm bảo tàng thường tuần, mỗi chương truyện sẽ đưa tiếp diễn biến của các tuyến truyện phụ - nỗi u buồn của bố Mona vì làm ăn bết bát, bệnh tình của Mona, ao ước bí mật được biết thêm về bà ngoại của cô bé. Schlesser dành sẵn một cái kết xứng đáng cho những người đọc sốt ruột.

Ông ngoại Henry trong sách đã kinh hãi trước viễn cảnh Mona mù vĩnh viễn và "sẽ chỉ còn mang theo mình, trong giới hạn trí nhớ của nó, ký ức về những thứ hào nhoáng và phù phiếm", và bởi vậy, ý nghĩa của tất tật những chuyến tham quan bảo tàng, ngay từ buổi đầu là để Mona lưu trữ chính mình thông qua những vẻ đẹp mà ông đã lựa chọn cho nó, để nó lưu giữ những kho báu đó trong tâm trí nếu như có một ngày bị chứng mù lòa tóm được. 

Đến cuối cùng, hai ông cháu hài lòng vì những chuyến tham quan đó "đã có tác dụng chữa lành tâm hồn".

nghệ thuật bảo tàng - Ảnh 3.

Tác giả Thomas Schlesser trước bức "Nhà thờ Auvers-sur-Oise" của Vincent Van Gogh, một trong những tác phẩm nghệ thuật mà Mona khám phá trong sách. Ảnh: Olivier Corsan/Le Parisien

Dù gửi gắm nhiều thông điệp không giấu giếm về tầm quan trọng của tiếp xúc, thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật cùng tác dụng chữa lành tâm hồn của nó vào tiểu thuyết đầu tay, Thomas Schlesser khi trả lời phỏng vấn lại rất dè dặt với những kiểu hô hào như vậy. 

Trên tạp chí Beaux Arts (Pháp), Schlesser, bằng tất cả lòng tôn trọng, không dám nói nghệ thuật có khả năng chữa lành; thậm chí còn cho đó là một cách sử dụng ngôn ngữ có phần độc hại, bởi "nó trao cho anh một sức mạnh mà anh không có". Điều ông tin tưởng hơn là "niềm an ủi mà nghệ thuật có thể mang lại".

Biên tập viên bản gốc tiếng Pháp của tiểu thuyết cho rằng hầu như ai đọc xong đều muốn đến bảo tàng gần nhất. Cuối năm 2024, một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy các tác phẩm nghệ thuật ở bảo tàng có thể kích thích não mạnh hơn 10 lần so với khi xem tranh ảnh. Nhưng tác giả của nó khẳng định không hề có ý khuyến khích mọi người phải chiêm ngưỡng nghệ thuật theo một cách nhất định. 

Ông nói với Beaux Arts: "Thật ra, tôi hoàn toàn không thấy phiền nếu ai đó đi tham quan viện bảo tàng với chiếc điện thoại trong tay, cần chụp ảnh hay tìm kiếm thông tin trên Internet. Đó cũng là một cách tiếp cận tác phẩm. Nhưng điều đúng đắn, đó là ta phải dấn thân vào một tác phẩm trước khi cố gắng lý giải nó. Khác với âm nhạc - thứ chạm đến ta một cách trực tiếp hơn - nghệ thuật thị giác cần được ta chủ động tiếp cận. Điều đó đòi hỏi một nỗ lực! Nhưng công chúng không lường trước được - và đó là điều tôi thật sự muốn truyền tải qua cuốn sách này - lợi ích mà họ có thể nhận được từ chút nỗ lực đó. Hãy thử dành một chút thời gian trước các tác phẩm nghệ thuật, bạn sẽ cảm nhận được một sự mãn nguyện mà chính bạn cũng không thể tưởng tượng nổi!". 

(*) Đôi mắt của Mona (Nhà xuất bản Phụ Nữ & Nhã Nam, 2025)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận