Đối ứng thuế đối ứng

NHIÊN ANH 04/07/2025 16:28 GMT+7

TTCT - Quả bom thuế đối ứng chính quyền Mỹ đưa ra vào đầu tháng 4, trong 90 ngày trì hoãn và thương lượng, chưa kịp nổ thì những quả bom đúng nghĩa đen của Tổng thống Donald Trump đã ném xuống Trung Đông.

a - Ảnh 1.

Ảnh: Deseret News

Những quả bom GBU-57 được ném xuống chớp nhoáng kèm thông điệp phủ đầu sấm sét, sau đó là những kỹ xảo ngoại giao có phần chuẩn nghi thức, rất giống với cách hoạt động của quả bom thuế đối ứng.

Các nước Đông Nam Á thương lượng ra sao

Từ việc áp thuế lên đến 145% cho Trung Quốc, bây giờ mục tiêu của các nhà thương lượng từ Bắc Kinh là hướng tới mức 30%, tức chấp nhận mức áp thêm 20% liên quan đến fentanyl, loại hoạt chất vừa là thuốc giảm đau, vừa là ma túy tùy cách và liều lượng dùng mà Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều nhất và Mỹ là quốc gia nhập khẩu và sử dụng nhiều nhất. 

Một lý do quan trọng khiến Mỹ không thể ở thế trên trong các cuộc đàm phán là đất hiếm, thứ nguyên liệu mà không có nó thì không có pin mặt trời, xe hơi, vật liệu siêu dẫn, thậm chí là khái niệm nguyên liệu xanh. 

Đất hiếm là thứ mà Trung Quốc đang nắm giữ 90% lượng cung toàn cầu nhờ năng lực khai thác và chế biến... bẩn. Nếu mức thuế 30% này được thỏa thuận, nó nhiều khả năng sẽ là mức thuế tối đa để các quốc gia khác tham chiếu khi đàm phán.

Nhưng nếu Trung Quốc có đất hiếm thì các quốc gia Đông Nam Á khác có gì để đàm phán với Mỹ? 

Trong các quốc gia có nền kinh tế hướng xuất khẩu tương đồng Việt Nam ở khu vực - Thái Lan, Indonesia, Malaysia - thì Thái Lan là nước có mức thuế bị đề nghị áp cao (37%) chỉ sau Việt Nam do thặng dư xuất khẩu xe hơi, linh kiện xe hơi và đồ điện gia dụng loại dung tích, kích cỡ lớn (tủ lạnh 2 cánh là một ví dụ). 

Thái Lan không đàm phán cấp bộ trưởng như Việt Nam mà thông qua các công ty vận động hành lang, một kiểu tổ chức chính trị - kinh tế rất... Thái Lan.

Trong khi đó, Indonesia (thuế quan đề nghị 32%) chủ yếu xuất siêu sang Mỹ nông sản và khoáng sản, nên họ cũng chẳng mặn mà lắm với việc đàm phán, mà chủ yếu xoay xở tìm cách tăng cường xuất khẩu nội khối và đặc biệt với Trung Quốc để bù vào. 

Nước có mức thuế suất đề xuất thấp nhất là Malaysia, 24%, chủ yếu đánh vào chip, thậm chí đến bây giờ vẫn không tiến hành đàm phán một-một, mà chỉ thông qua cơ chế chung của ASEAN.

Việt Nam, quốc gia đang xuất siêu vào Mỹ đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Mexico với hơn 120 tỉ USD, có ít đòn bẩy thương lượng một đối một. Vì vậy chúng ta có thể phải chấp nhận giảm cán cân xuất siêu, nhưng cố gắng giữ giá trị xuất khẩu, bằng cách mua hàng Mỹ càng nhiều càng tốt. 

Mua cái gì không ai làm tốt bằng Mỹ và giá trị cao nhất là dễ nhất. Đấy là một phần lý do khiến hàng loạt cam kết mua máy bay Boeing được các đại gia hàng không Việt ký kết, trong sự hỗ trợ tối đa nguồn lực của các định chế tài chính quốc gia.

Áp lực kép lên Việt Nam trong quá trình đàm phán đó là yêu cầu của Mỹ về việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm bớt lượng giá trị từ Trung Quốc. 

Điều kiện này từ phía Mỹ là khá nhạy cảm trong hoàn cảnh một phần đáng kể hạ nguồn (nguyên vật liệu cơ bản) cho nền sản xuất của Việt Nam là từ Trung Quốc, chưa kể rất nhiều nhà máy Trung Quốc vừa và nhỏ đi theo các tập đoàn lớn của Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan... vào Việt Nam, vốn là hoạt động kinh doanh hết sức bình thường trong một thế giới mà chuỗi cung ứng đã được tích hợp cao độ.

Việc kiểm soát và hạn chế nguồn gốc hàng hóa trong thời hiện đại này, dù là hàng Trung Quốc hay ở bất kỳ đâu, không dễ, ngay cả khi không tính tới những cân nhắc địa chính trị hay các yếu tố ngoài kinh doanh. 

Một điểm cần ghi nhớ nữa là các cuộc đàm phán một-một đồng thời phải đảm bảo không phương hại đến các quốc gia lân bang trong hiệp hội ASEAN, và nhất trí được với cả khối trong cuộc thương thuyết thượng đỉnh Mỹ - ASEAN rộng hơn đang được đề xuất, trước giờ G sắp tới của Tổng thống Trump, tức ngày 9-7. Cân nhắc của Việt Nam, do đó, chịu sự tác động của ít nhất là bốn yếu tố lớn: nội tại, Mỹ, Trung Quốc và ASEAN.

Nhìn thuế quan như một động lực

Nếu con số thuế suất đạt được là 20-25% so với mức của Trung Quốc bị áp là 30% thì khoảng cách về giá xuất tại xưởng khoảng 5-10%, trong khi mức giá thành của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế tạo đang cao hơn Trung Quốc khoảng 15%. 

Như vậy để Mỹ chọn mua Việt Nam thay vì Trung Quốc, chúng ta cần giảm giá bán ít nhất 5-10%. Đến đây bài toán có thể rõ ràng hơn, và thuế quan từ Mỹ có thể trở thành động lực, chứ không nhất thiết chỉ là trở ngại. Doanh nghiệp nào có quá trình cải tiến, tiết kiệm, nâng cao năng suất dài hơi trong quá khứ - có khả năng giảm giá bán sâu và dài hạn hơn, sẽ sống sót.

Chưa hết, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Nhà nước cần quyết liệt hơn với các chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cắt giảm các chi phí trung gian, đặc biệt là chi phí ngầm. Đó cũng là một đòi hỏi bắt buộc khác để vượt qua cú sốc thuế quan, mà cuộc cải cách sâu rộng bộ máy quản trị quốc gia vừa diễn ra đang được gửi gắm nhiều kỳ vọng.

Nói cách khác, mức thuế suất như kịch bản này sẽ đóng vai trò một cuộc thanh lọc, để doanh nghiệp Việt, một là đóng cửa, hai là nhảy lên thêm được một bước, nhờ vào duy trì lợi thế cạnh tranh, thay vì trông vào chênh lệch thuế suất. 

Tương tự là với Nhà nước, thuế quan sẽ là thử thách với yêu cầu tạo ra môi trường kinh doanh thật sự thúc đẩy kinh tế tư nhân. Với cách nhìn như thế, thuế đối ứng của ông Trump, ngoài mối nguy, còn là một động lực.

Động lực này đồng thời cũng có thể thúc đẩy Việt Nam giảm bớt tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường xuất khẩu. 

Ngoài 3 yếu tố thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc và nội khối Asean, có thể thấy các động thái xoay xở của Chính phủ khi mở rộng thị trường halal (sản phẩm cho người Hồi giáo) và Trung Á, ngoài một đối tác mà chúng ta đã có chỗ đứng tương đối để gia tăng giá trị xuất khẩu nhờ có hiệp định thương mại tự do: châu Âu.

Con số khoảng 52 tỉ đô la giá trị xuất khẩu vào EU so với 125 tỉ đô la vào Mỹ là một khoảng cách quá lớn để lấp bằng ngày một ngày hai, nhưng nếu nhìn vào 8,1 tỉ đô la giá trị tăng thêm của kim ngạch xuất khẩu vào EU năm 2024 so với năm 2023 thì không phải là không có hy vọng. 

Phần tăng thêm của EU có thể bù được 1/3 phần thiệt hại do thuế đối ứng Mỹ gây ra - tạm dựa trên ước tính Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ - tức vào khoảng 25 tỉ đô la. 2/3 còn lại sẽ có những cách khác, nếu chúng ta có được một sự chuẩn bị, lẽ ra phải là từ trước đây rất lâu, nhưng từ bây giờ thì vẫn là thà muộn còn hơn không.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận