Dòng hải lưu gần Nam Cực 'đảo chiều' lần đầu tiên trong lịch sử?

Có thông tin cho rằng các nhà khoa học vừa phát hiện dòng hải lưu ở Nam Đại Dương “đã đảo chiều” lần đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận. Nhưng sự thực có phải như vậy?

dòng hải lưu - Ảnh 1.

Ý tưởng rằng một dòng hải lưu ở Nam Đại Dương đã hoàn toàn đảo chiều là một kết luận không thể đưa ra chỉ dựa vào 10 năm dữ liệu - Ảnh: FREEPIK

Qua rà soát, tổ chức kiểm chứng Snopes xác nhận các nhà nghiên cứu đo độ mặn của Nam Đại Dương đã phát hiện những kết quả bất ngờ, nhưng một số báo cáo trực tuyến đã trình bày sai chi tiết liên quan đến dòng hải lưu tại đây.

Bài báo không hề đề cập đến dòng hải lưu bị đảo chiều

Trong nhiều thập kỷ, các mô hình máy tính dự đoán biến đổi khí hậu đã cho rằng khi Trái đất nóng lên, nước ở bề mặt đại dương sẽ trở nên ít mặn hơn - do băng ở vùng cực tan chảy, bổ sung nhiều nước vào hệ thống nhưng không có muối đi kèm. Dự đoán này phù hợp với những quan sát mà các nhà khoa học đã ghi nhận trong nhiều năm qua.

Nhưng vào giai đoạn từ năm 2015 đến 2016, xu hướng này bất ngờ đảo ngược. Nước bề mặt quanh Nam Cực ở Nam Đại Dương bắt đầu trở nên mặn hơn, chứ không phải nhạt đi.

Ngày 30-6-2025, một nhóm nghiên cứu do Alessandro Silvano thuộc Đại học Southampton (Vương quốc Anh) dẫn đầu đã công bố một báo cáo có tiêu đề "Rising surface salinity and declining sea ice: A new Southern Ocean state revealed by satellites" (tạm dịch: Độ mặn bề mặt gia tăng và băng biển suy giảm: Một trạng thái mới của Nam Đại Dương được tiết lộ qua vệ tinh) trên tạp chí khoa học bình duyệt Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America (PNAS).

Chưa đầy một tuần sau, một dịch vụ bản tin trực tuyến đã đưa tin sai rằng nhóm của Silvano phát hiện ra một dòng hải lưu ở Nam Đại Dương "đã đảo chiều" lần đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận.

Trong một bài viết có tiêu đề "Southern Ocean current reverses for first time, signalling risk of climate system collapse" (tạm dịch: Dòng hải lưu ở Nam Đại Dương đảo chiều lần đầu tiên, báo hiệu nguy cơ sụp đổ hệ thống khí hậu), trang bne IntelliNews đã tóm lược những phát hiện của nghiên cứu để công chúng hiểu, và sau đó bài viết này bị sao chép và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người tin rằng kết luận được mô tả một cách chính xác.

Tuy nhiên, theo lời Silvano khi trao đổi với Snopes qua Zoom, cách giật tít của bài báo đó hoàn toàn sai lệch. Mặc dù báo cáo của ông có ghi nhận một xu hướng thay đổi, nhưng không hề ghi nhận hiện tượng đảo chiều dòng hải lưu nào cả.

Không thể đưa ra kết luận chỉ với 10 năm dữ liệu

Cho đến năm 2014, theo Silvano, các nhà khoa học đã quan sát thấy hai xu hướng ở Nam Đại Dương: nước trở nên nhạt hơn, và có lẽ hơi nghịch lý, băng biển lại nhiều hơn (nước lạnh và nhạt ở bề mặt làm chậm các mô hình lưu thông truyền nhiệt đến bề mặt đại dương).

Nhưng bắt đầu từ năm 2015, xu hướng này đã đảo chiều - băng biển giảm mạnh và nước bề mặt trở nên mặn hơn. Các nhà khoa học ngay lập tức nhận thấy điều này nhưng vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra sự thay đổi đó.

"Chúng tôi đã suy nghĩ về những điều này trong một thời gian dài rồi", Silvano nói. "Và một điều mà chúng tôi bắt đầu nghĩ tới vài năm trước là 'liệu chúng ta có thể dùng vệ tinh để quan sát độ mặn từ không gian không?'".

Họ không phải là những người đầu tiên nghĩ đến điều đó - NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã có các vệ tinh theo dõi độ mặn của biển.

Tuy nhiên, có nhiều khó khăn khi sử dụng các vệ tinh này để quan sát các vùng cực. Tín hiệu vệ tinh gặp khó khăn khi đo nước lạnh hơn, và những mảng băng biển trôi nổi có thể cản trở việc đo đạc.

Nhóm của Silvano đã phát triển được các thuật toán để lọc nhiễu, và những thay đổi lớn ở Nam Đại Dương trở thành môi trường thử nghiệm tự nhiên cho họ. Khi dữ liệu từ vệ tinh thu thập xong, họ đã so sánh với dữ liệu từ các thiết bị nổi Argo - một mạng lưới thiết bị giám sát đại dương toàn cầu có thể ghi nhận độ mặn.

Quả thực, dữ liệu cho thấy nước bề mặt mặn hơn, trùng khớp với các quan sát trước đó và chứng minh rằng vệ tinh có thể được sử dụng để đo độ mặn bề mặt gần các vùng cực.

Tuy nhiên, nghiên cứu không đưa ra kết luận nào về nguyên nhân tại sao nước bề mặt ở Nam Đại Dương lại trở nên mặn hơn, liệu xu hướng này có tiếp diễn hay không, hay gợi ý rằng một dòng hải lưu ở Nam Đại Dương đã bị đảo chiều hoàn toàn.

Một trong những khía cạnh nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu là nó diễn ra trên quy mô dài hơn một đời người, kể cả khi các hành động của con người khiến Trái đất nóng lên nhanh hơn rất nhiều.

Nhóm của Silvano đã xem xét dữ liệu trong 12 năm cho nghiên cứu của họ. Ông nói rằng cần phải có dữ liệu trong "hàng trăm năm" mới có thể thực sự hiểu được các mô hình và rút ra kết luận.

Ý tưởng rằng một dòng hải lưu ở Nam Đại Dương đã hoàn toàn đảo chiều là một kết luận không thể đưa ra chỉ dựa vào 10 năm dữ liệu. Điều duy nhất bị đảo ngược trong 10 năm qua là xu hướng về băng biển và độ mặn của nước.

"Điều mà tôi thực sự đam mê là câu hỏi 'Tại sao'", Silvano nói. "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ là một báo cáo ghi nhận sự đảo chiều của độ mặn, nhưng thực ra chúng tôi vẫn chưa biết tại sao".

Dòng hải lưu gần Nam Cực 'đảo chiều' lần đầu tiên trong lịch sử? - Ảnh 4.Cảnh báo mạo danh cơ quan thuế lừa doanh nghiệp, hộ kinh doanh cập nhật thông tin

Cục Thuế khẳng định không yêu cầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp căn cước công dân hay giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế để cập nhật thông tin theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên