22/05/2025 15:10 GMT+7

Dùng thẻ tín dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến, cách nào để không lộ thông tin?

Đặt phòng khách sạn trực tuyến không chỉ nhanh chóng mà còn tiềm ẩn rủi ro. Mùa du lịch cao điểm đang đến gần, những 'quy tắc vàng' để bảo vệ thông tin thẻ tín dụng và đảm bảo giao dịch an toàn nhận được nhiều quan tâm.

đặt phòng - Ảnh 1.

Đặt phòng khách sạn trực tuyến ngày càng phổ biến nhưng rủi ro lộ thông tin tín dụng cũng gia tăng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi sở hữu thẻ tín dụng, số thẻ và mã CVV là 2 thứ người dùng phải bảo mật tuyệt đối nhưng khi sử dụng thẻ để đặt phòng khách sạn trên các nền tảng trực tuyến (OTA), dữ liệu thẻ đang đứng trước một thách thức lớn, tiềm ẩn rủi ro lộ thông tin cao.

"Vẫn dùng thẻ nhưng vẫn lo"

Mùa du lịch hè sắp đến, với kế hoạch đưa cả gia đình theo tour các tỉnh phía Bắc, chị Lê Thị Thanh (giáo viên ở TP.HCM) lên các nền tảng trực tuyến để đặt phòng khách sạn.

Chị Thanh kể chị suýt bị lừa đặt phòng khách sạn từ thông tin trên fanpage vì kịp thời phát hiện tên thụ hưởng của "khách sạn" không trùng tên trên mạng xã hội, nên về sau chị hay đặt phòng trên các OTA.

"Tôi sẽ có lựa chọn thanh toán tại khách sạn hoặc sử dụng tín dụng từ chính website cung cấp. Tôi hay dùng thẻ tín dụng nhưng cũng biết có trường hợp bị rò rỉ thẻ tín dụng được nhân viên khách sạn in ra giấy mà báo chí từng phản ánh. Vì thuận tiện, tôi vẫn phải dùng thẻ nhưng lo… vẫn lo" - chị Thanh nói.

Trong khi đó, chị L.N. (nhân viên truyền thông ở TP.HCM) kể lại năm trước từng thực hiện đặt phòng qua mạng, một tuần sau vào lúc nửa đêm thẻ Visa của chị lại bị trừ tiền đặt phòng tại một khách sạn khác dù chị không thực hiện giao dịch.

Khiếu nại lên các trang đặt phòng vẫn "im ỉm", ngân hàng không hỗ trợ ngăn chặn lệnh chuyển tiền… là những bất lực mà chị L.N. nhận được khi kẻ xấu thực hiện thanh toán online bằng thẻ tín dụng của chị.

Theo tìm hiểu từ các nhân viên một số khách sạn ở TP.HCM, nơi lưu trú, khách sạn ký hợp đồng bán phòng cho khách qua OTA, vì thế khách sạn cần có thông tin của khách để đảm bảo ngay cả khi khách hủy phòng.

Được biết đây là quy trình đã được nêu trước trong quy định hợp đồng, khách hàng chấp nhận khi tham gia dịch vụ qua OTA đều bắt buộc qua "luật" chung này.

Trong khi đó anh Hồ Thanh Danh, nhân viên lễ tân một khách sạn trên đường Thủ Khoa Huân (quận 1, TP.HCM), cho biết ngành du lịch, khách sạn hiện nay đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, trong đó chú trọng phương thức thanh toán.

"Trước đây tiền mặt và thẻ tín dụng là hai hình thức thanh toán chính, nhưng hiện thanh toán qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ là phổ biến nhất, đặc biệt đối với khách du lịch quốc tế", anh Danh thông tin.

Làm sao để tránh rủi ro sử dụng thẻ tín dụng khi đặt phòng qua OTA?

Ở góc độ "người trong ngành", anh Danh đánh giá ưu và khuyết điểm của thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ khi đặt phòng, anh Danh chỉ ra khi khách dùng thẻ tín dụng, an toàn cho khách hàng, cho khách sạn nhờ vào tính xác thực và khả năng truy vết; và giao dịch được xử lý rất nhanh…

Nhân viên lễ tân này cũng thừa nhận ngoài việc khách sạn phải chịu phí dịch vụ từ ngân hàng cho mỗi giao dịch, việc bảo vệ thông tin thẻ của khách hàng là một thách thức lớn. Vì thế, giải pháp tránh rủi ro, hiện nay các khách sạn nói chung đều hướng đến việc đầu tư hệ thống bảo mật tối ưu thông tin, bảo vệ khách hàng.

Ngày 22-5, Tuổi Trẻ Online trao đổi với PGS.TS Lê Thị Thúy Hằng, phó trưởng khoa tài chính - ngân hàng Trường ĐH Tài chính - Marketing, về kinh nghiệm tránh rủi ro cho người dùng thẻ tín dụng đặt phòng khách sạn trên các OTA.

Bà Hằng lưu ý một số nguyên tắc chính như cài đặt giới hạn chi tiêu trực tuyến theo ngày hoặc theo từng lần giao dịch; tạm khóa chức năng thanh toán online khi không sử dụng, các ngân hàng cho phép chủ thẻ bật hoặc tắt chức năng giao dịch trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng số.

"Đặc biệt dùng thẻ phụ chuyên cho giao dịch online. Đây là một lựa chọn thông minh là sử dụng riêng một thẻ tín dụng với hạn mức nhỏ để thực hiện các giao dịch mua sắm, đặt phòng qua mạng. Từ đó hạn chế mức thiệt hại nếu bị lộ thông tin".

Nói thêm giải pháp khác, bà Hằng chỉ ra: "Thanh toán ngay trên nền tảng OTA nếu có thể cũng là một giải pháp thay vì chọn phương thức trả tiền tại khách sạn, nên thanh toán trước qua OTA để giảm nguy cơ bị lộ thông tin thẻ cho bên thứ ba. 

Khi trả qua OTA, thông tin thẻ được lưu trữ và xử lý bởi hệ thống bảo mật của nền tảng, khách sạn không có quyền truy cập vào các chi tiết nhạy cảm như số thẻ hay mã CVV".

Ngoài ra, khách hàng cần lưu ý việc giữ lại các chứng từ và theo dõi giao dịch như email xác nhận đặt phòng, hóa đơn điện tử…; kích hoạt dịch vụ nhận thông báo qua SMS hoặc ứng dụng ngân hàng; chỉ đặt phòng trên những nền tảng đáng tin cậy…

Hay trước khi nhập thông tin thanh toán nên kiểm tra kỹ tên miền trang web, đảm bảo có giao thức bảo mật (https); cũng như kiểm tra tên đơn vị nhận tiền hiển thị trong hóa đơn hoặc trên sao kê để đảm bảo khớp với OTA hoặc khách sạn…

Cần có cơ chế phối hợp giữa các bên để bảo mật thông tin

Bà Hằng đặt ra tính bảo mật thông tin thẻ và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan như tổ chức thẻ và đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ để bảo vệ việc khi khách đặt phòng khách sạn trên các OTA.

Chẳng hạn, các tổ chức như Visa, Mastercard… đưa ra các tiêu chuẩn bảo mật bắt buộc cho các đơn vị thanh toán và các nền tảng OTA. Đây là nền tảng quan trọng để đảm bảo an toàn trong quy trình xử lý giao dịch.

Các đơn vị cổng thanh toán (Stripe, VNPAY, Payoo, Momo…) có trách nhiệm triển khai các công nghệ bảo mật hiện đại, bao gồm xác thực giao dịch 3D Secure (hệ thống xác thực thẻ), mã hóa token (OTP), hệ thống AI để phát hiện giao dịch bất thường nhằm phòng ngừa gian lận.

"Khi có dấu hiệu rủi ro hoặc sự cố, các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ để xử lý, từ việc tạm ngừng giao dịch đến hoàn tiền cho khách hàng nếu xác minh được lỗi không phải do người dùng gây ra", bà Hằng nhấn mạnh.

Khởi động Ngày không tiền mặt 2025: thúc đẩy phát triển kinh tế số

Ngày không tiền mặt năm 2025 chính thức khởi động từ hôm nay với chủ đề "Thanh toán không tiền mặt thúc đẩy kinh tế số", đánh dấu cột mốc 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021–2025.

Chương trình do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, Sở Công thương TP.HCM, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (Napas) và nhiều đơn vị tổ chức thực hiện, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức xã hội, khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại như ví điện tử, mã QR, thẻ không tiếp xúc… đồng thời góp phần xây dựng hệ sinh thái không tiền mặt bền vững tại Việt Nam.

Điểm nhấn nổi bật của chuỗi sự kiện năm nay là Lễ hội "Ting Ting Day" diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), với các hoạt động trải nghiệm công nghệ thanh toán, minigame, workshop giải pháp bảo vệ an toàn cho giao dịch số, đêm nhạc và phát động chương trình khuyến mãi toàn quốc. Chương trình dự kiến thu hút 50.000 lượt người tham dự trực tiếp, tiếp cận khoảng 50 triệu lượt xem qua các kênh online, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần sống số, tiêu dùng số trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh lễ hội chính, Ngày không tiền mặt 2025 còn có nhiều hoạt động đáng chú ý như: Gameshow "Đấu Trường Tài Chính" diễn ra từ ngày 20-5 đến 15-6 với sự tham gia của đông đảo bạn trẻ thi đấu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân; Hội thảo "Thanh toán không tiền mặt – Động lực tăng trưởng kinh tế số" diễn ra vào sáng 14-6 tại TP.HCM, với nội dung tổng kết 5 năm thực hiện đề án và thảo luận giải pháp phát triển thanh toán số trong thời gian tới.

Được khởi xướng từ năm 2019 và tổ chức liên tục trong những năm qua, Ngày Không Tiền Mặt đã trở thành hoạt động truyền thông xã hội thường niên, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

TM

Dùng thẻ tín dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến, cách nào để không lộ thông tin? - Ảnh 3.Khách sạn hủy đặt phòng, ai chịu trách nhiệm?

Nhiều khách sạn tại Trung Quốc bị tố đơn phương hủy đặt phòng dịp lễ Quốc tế Lao động 1-5, khiến người tiêu dùng bức xúc. Nền tảng Qunar tuyên bố trừng phạt nghiêm các bên vi phạm và hỗ trợ bồi thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên