
Bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn còn nguyên vẹn khi chưa bị khách tham quan bẻ gãy - Ảnh: NHẬT LINH
Tuy nhiên ngày 24-5 vừa qua, một sự việc đáng tiếc đã xảy ra làm hư hỏng một phần bảo vật quốc gia này. Sự việc đang được cơ quan chức năng xử lý, trách nhiệm của cá nhân, tập thể sẽ được làm rõ.
Tôi mới tham quan điện Thái Hòa hồi tháng 3-2025, nhận thấy từ hàng rào an ninh đến nơi đặt ngai vàng đủ để người tham quan ngắm hiện vật ở cự ly vừa phải nhưng cũng không dễ dàng tiếp cận hiện vật.
Vậy mà một kẻ phá hoại đã có thể đi lại quanh hiện vật nhiều lần, thời gian không ít... Không rõ hệ thống giám sát camera an ninh hoạt động thế nào, hiện vật có được gắn hệ thống báo động - cảm biến tích hợp hay không?
Việc kiểm soát ra vào khu vực trưng bày với người không liên quan như vậy còn lỏng lẻo, nhất là nhân viên bảo vệ dù đã phát hiện dấu hiệu xâm nhập bất thường nhưng cách xử lý tình huống khẩn cấp không cương quyết và thiếu tính chuyên nghiệp.
Những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa đều biết việc bảo vệ cổ vật trưng bày tại bảo tàng, di tích là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng vì cổ vật không chỉ có giá trị về lịch sử - nghệ thuật mà còn thường xuyên đối mặt với các nguy cơ như trộm cắp, phá hủy của con người, hư hỏng do môi trường hoặc xuống cấp do bảo quản không phù hợp.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối luôn cần thiệt lập một hệ thống giải pháp đồng bộ, bao gồm kỹ thuật hiện đại, quy trình quản lý và đào tạo con người có kỹ năng phù hợp.
Còn nhớ khoảng 20 năm trước, các bảo tàng hầu như không thể trưng bày cổ vật quý giá như hiện vật vàng, hiện vật độc bản hay các tác phẩm nổi tiếng... Một số di tích quốc gia bị mất cổ vật.
Lý do quan trọng nhất là chưa có hệ thống bảo vệ an toàn cho hiện vật quý. Những năm sau này từ quan điểm "di sản văn hóa hướng đến phục vụ công cộng, cộng đồng được quyền thụ hưởng giá trị di sản của đất nước", Nhà nước và các địa phương đã đầu tư cho các bảo tàng xây dựng mới, trong đó có hệ thống trưng bày, bảo vệ hiện vật tương đối hiện đại.
Vì vậy người dân và du khách đã được tiếp cận chiêm ngưỡng nhiều cổ vật quý giá.
Sau sự cố đáng tiếc tại điện Thái Hòa, cũng có câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục trưng bày bảo vật quốc gia hay chỉ trưng bày bản phục chế để đảm bảo an toàn?
Câu trả lời từ góc độ di sản, an ninh, truyền thông và giáo dục là trưng bày bảo vật quốc gia gốc - tại di tích của nó - vẫn cần thiết nhưng phải có cơ chế kiểm soát đặc biệt.
Trưng bày bảo vật quốc gia bởi chúng có tính xác thực: công chúng đến di tích để chiêm ngưỡng hiện vật gốc - vật chứng của lịch sử. Bảo vật quốc gia là biểu hiện cụ thể của di sản văn hóa gắn với ký ức, quyền lực, sự kiện một giai đoạn, một nhân vật lịch sử.
Qua việc tham quan di tích có bảo vật quốc gia hay những cổ vật giúp lan tỏa nhận thức và cảm xúc lịch sử - một "bản năng" đặc biệt của con người mà có lẽ trí tuệ nhân tạo không thể thay thế.
Vì vậy sau sự cố này vẫn cần tiếp tục trưng bày bảo vật quốc gia nhưng phải chấn chỉnh ngay phương án bảo vệ, nâng cấp các phương thức kiểm soát chặt chẽ, có khoảng cách hợp lý giữa du khách và bảo vật trưng bày...
Nên kết hợp công nghệ số hóa - trải nghiệm sâu - mở rộng không gian ảo phục vụ du khách để du khách có thể ngắm nhìn kỹ hơn, lâu hơn bảo vật quốc gia, tránh cản trở người khác khi tham quan.
Đó là cách bảo vệ an toàn an ninh nhưng không "cất giấu di sản" khỏi cộng đồng và đời sống xã hội, thực hiện tinh thần bảo tồn sức sống và chia sẻ di sản văn hóa của UNESCO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận