Khi UNESCO không còn phù hợp với lợi ích Mỹ

Chính quyền ông Trump thông báo rút Mỹ khỏi UNESCO vào cuối năm 2026, lý do tổ chức này thúc đẩy "các vấn đề xã hội và văn hóa gây chia rẽ" cũng như thiên kiến chống Israel.

UNESCO - Ảnh 1.

Quốc kỳ Mỹ tung bay bên ngoài trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp - Ảnh: Reuters

Ngày 22-7, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thông báo nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vào cuối năm 2026.

Quyết định này không chỉ tái khẳng định chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà Tổng thống Trump liên tục thúc đẩy mà còn cho thấy sự hoài nghi ngày càng lớn của Washington đối với các thể chế đa phương quốc tế.

Lý do rút khỏi UNESCO

Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Washington đã thông báo quyết định rút lui cho Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay và việc này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 31-12-2026.

"UNESCO đang thúc đẩy các vấn đề văn hóa và xã hội gây chia rẽ, đồng thời tập trung quá mức vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) - một chương trình nghị sự toàn cầu mang tính ý thức hệ, đi ngược lại với chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của chúng tôi", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết.

Bà Bruce cũng nêu rõ việc UNESCO công nhận Palestine là thành viên đầy đủ vào năm 2011 "là điều hết sức gây tranh cãi, đi ngược với chính sách của Mỹ và góp phần lan rộng các luận điểm chống Israel".

Trong lần rút lui đầu tiên khỏi UNESCO vào năm 2018, Tổng thống Trump cũng viện dẫn thành kiến chống Israel làm lý do chính.

Mối quan hệ giữa chính quyền Washington và UNESCO vốn đã trở nên phức tạp trong nhiều thập kỷ qua.

Là thành viên sáng lập từ năm 1945, Mỹ từng rút khỏi tổ chức này vào năm 1984 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, cho rằng UNESCO khi ấy quản lý tài chính yếu kém và thiên kiến chống Mỹ thời Chiến tranh lạnh.

Sau đó Mỹ tái gia nhập năm 2003 dưới thời Tổng thống George W. Bush nhưng lại dừng tài trợ vào năm 2011 sau khi UNESCO công nhận Palestine là thành viên chính thức dưới thời Tổng thống Barack Obama. Vào thời điểm này, Mỹ đóng góp khoảng 70 triệu USD mỗi năm, chiếm 22% ngân sách của UNESCO.

Năm 2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa Mỹ trở lại UNESCO và cam kết chi trả hơn 600 triệu USD tiền đóng góp còn nợ.

Quyết định này chủ yếu xuất phát từ lo ngại rằng khoảng trống do Mỹ để lại đang tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu về công nghệ, giáo dục và trí tuệ nhân tạo.

Phản ứng quốc tế

Trước quyết định từ phía chính quyền Washington, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định bà lấy làm "rất tiếc" nhưng tổ chức đã chuẩn bị trước cho tình huống này, theo tạp chí Forbes.

"Những năm gần đây chúng tôi đã thực hiện cải cách sâu rộng và đa dạng hóa nguồn tài trợ - bà nói - Nhờ những nỗ lực từ năm 2018, tỉ trọng đóng góp của Mỹ đã giảm xuống còn 8% trong ngân sách của tổ chức - so với con số 40% ở một số tổ chức Liên hợp quốc khác - trong khi ngân sách tổng thể của UNESCO vẫn tăng đều".

Bà Azoulay cũng bác bỏ cáo buộc về tổ chức này có thiên kiến chống Israel, cho rằng lập luận của chính quyền Trump "đi ngược lại với thực tế về những nỗ lực của UNESCO, đặc biệt trong giáo dục về thảm họa diệt chủng Holocaust và chống bài Do Thái".

Phản ứng của quốc tế cho thấy sự chia rẽ trong cách nhìn nhận quyết định này. Ngoại trưởng Israel Gideon Sa'ar hoan nghênh động thái của Mỹ, gọi đây là "bước đi cần thiết để bảo vệ công lý và quyền được đối xử công bằng của Israel trong hệ thống Liên hợp quốc".

Ngược lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng chỉ trích, tái khẳng định "sự ủng hộ không lay chuyển" đối với UNESCO và nhấn mạnh vai trò của tổ chức này trong việc bảo vệ khoa học, đại dương, giáo dục và di sản văn hóa.

Theo tạp chí Time, sự rút lui mới nhất Mỹ khỏi UNESCO là một đòn giáng mạnh vào thể chế này, tiếp tục nối dài chuỗi những nỗ lực của ông Trump trong nhiệm kỳ mới nhằm rút Mỹ khỏi hàng loạt tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC), cắt tài trợ của Cơ quan Cứu trợ Palestine (UNRWA) và giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Dù chỉ là một trong gần 200 thành viên của UNESCO, Mỹ vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng cả về tài chính lẫn tính biểu tượng.

Về dài hạn, việc rút khỏi các tổ chức như UNESCO cũng đặt ra câu hỏi lớn về khả năng lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực "mềm" như giáo dục, văn hóa và trí tuệ nhân tạo - những chủ đề mà Trung Quốc và nhiều nước khác đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng, theo Time.

Sự vắng mặt của Mỹ trong các thể chế này có thể tạo ra những khoảng trống địa chính trị mà các đối thủ chiến lược sẵn sàng lấp đầy.

UNESCO và vai trò toàn cầu

UNESCO được thành lập sau Thế chiến 2 nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác quốc tế. Hiện nay UNESCO có 194 quốc gia là thành viên chính thức cùng với 12 thành viên liên kết.

Tổ chức này nổi tiếng nhất với Chương trình Di sản thế giới UNESCO, chuyên công nhận và bảo tồn các địa danh lịch sử tại 170 quốc gia. Mỹ hiện có 26 di sản thế giới được UNESCO công nhận, theo tạp chí Time.

Khi UNESCO không còn phù hợp với lợi ích Mỹ - Ảnh 2.Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO một lần nữa

Mỹ cho rằng UNESCO thúc đẩy các vấn đề gây chia rẽ và tập trung vào chương trình nghị sự đi ngược với chính sách Nước Mỹ trên hết của ông Trump.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên