16/07/2025 15:44 GMT+7

Không thể lấy phổ điểm làm căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục

Cần nhìn nhận rõ: phổ điểm chỉ là công cụ thống kê mô tả, không phải là thước đo trực tiếp của độ khó hay chất lượng đề thi.

PHỔ ĐIỂM - Ảnh 1.

Thí sinh căng thẳng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

* Tra cứu nhanh điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 TẠI ĐÂY

Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với một thay đổi quan trọng: không sử dụng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, thay vào đó là hình thức ra đề thi theo phương pháp chuyên gia.

Đây là một phương án linh hoạt trong bối cảnh chuyển tiếp chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên việc thay đổi phương thức ra đề cũng đặt ra một cảnh báo quan trọng: không thể sử dụng phổ điểm và các chỉ số thống kê cơ bản của kỳ thi này để đánh giá chất lượng dạy học hay hoạch định chính sách giáo dục.

Phổ điểm không phải thước đo chất lượng đề thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo không sử dụng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, mà chuyển sang phương pháp ra đề thủ công do chuyên gia thực hiện. Sự thay đổi này không chỉ tác động đến cách xây dựng đề thi, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cách phân tích, đánh giá chất lượng đề cũng như hiệu quả dạy học. 

Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, phổ điểm và các thông số thống kê cơ bản như điểm trung bình, trung vị tiếp tục được công bố và trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Tuy nhiên cần nhìn nhận rõ: phổ điểm chỉ là công cụ thống kê mô tả, không phải là thước đo trực tiếp của độ khó hay chất lượng đề thi.

Phổ điểm có thể giúp nhận diện một số đặc điểm tổng quan của kỳ thi, chẳng hạn kết quả thi phân bố lệch trái hay lệch phải, tập trung nhiều ở mức điểm nào, hay có nhiều đỉnh bất thường hay không.

Tuy vậy đây chỉ là những chỉ báo gián tiếp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố ngoài đề thi như mặt bằng học lực của thí sinh, mức độ ôn tập, định hướng luyện thi và cả yếu tố ngẫu nhiên trong quá trình làm bài.

Việc đánh giá độ khó, độ chuẩn xác và tính phân loại của đề thi không thể chỉ dựa vào phổ điểm. 

Muốn có kết luận khoa học, cần phân tích kỹ cấu trúc đề thi, từng câu hỏi cụ thể, mức độ đáp ứng các yêu cầu cần đạt trong chương trình, và áp dụng các chỉ số chuyên sâu như: Độ khó (difficulty index): phản ánh mức độ thử thách của từng câu hỏi; Độ phân biệt (discrimination index): đánh giá khả năng phân loại học sinh giỏi và yếu; Độ tin cậy (reliability coefficient): đo lường tính ổn định và nhất quán của toàn bài thi. 

Trong bối cảnh đề thi 2025 chưa được chuẩn hóa, việc sử dụng phổ điểm để phản ánh chất lượng đề hoặc kết luận đề dễ hay khó là thiếu cơ sở khoa học. Thay vào đó, phổ điểm năm nay nên được hiểu như một công cụ thống kê phục vụ tuyển sinh là chính, chứ chưa thể dùng để phản hồi về chất lượng dạy học hay mức độ đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phổ điểm chỉ có giá trị khi đề thi đạt chuẩn

Phổ điểm và các thông số thống kê như điểm trung bình, độ lệch chuẩn, tỉ lệ đạt điểm, phân phối điểm… là những công cụ quan trọng trong phân tích kết quả thi. Về mặt lý thuyết, chúng có thể phản ánh mức độ khó dễ của đề thi, khả năng phân loại học sinh, thậm chí là xu hướng dạy học theo thời gian.

Tuy nhiên điều kiện tiên quyết để các chỉ số này có giá trị là: đề thi phải là một công cụ đo đã được chuẩn hóa. Điều này bao gồm: có ma trận đề và đặc tả rõ ràng; các câu hỏi được kiểm định độ khó, độ phân biệt; có dữ liệu thực nghiệm từ các đợt thi thử nghiệm; có quy trình xây dựng - phản biện - nghiệm thu chặt chẽ.

Nếu đề thi chưa được chuẩn hóa, phổ điểm dù có đẹp đến đâu cũng không phản ánh đúng bản chất. Một phân bố điểm lệch trái (nhiều điểm cao) chưa chắc đề dễ, và một điểm trung bình thấp chưa chắc học sinh yếu, tất cả còn phụ thuộc vào độ tin cậy của đề thi.

Đề thi ra bằng phương pháp chuyên gia: linh hoạt nhưng không thay thế chuẩn hóa

Việc ra đề bằng phương pháp chuyên gia không phải là điều xa lạ trong giáo dục. Nó thường được áp dụng khi cần phản ứng nhanh, khi chưa có đủ thời gian xây dựng ngân hàng chuẩn, hoặc trong các kỳ thi nội bộ. Tuy nhiên phương pháp này thiếu tính khách quan và ổn định so với một hệ thống đề chuẩn hóa.

Khi ra đề theo chuyên gia: mức độ khó dễ phụ thuộc vào chủ quan người biên soạn; câu hỏi chưa qua thử nghiệm thực tế; không có dữ liệu đối sánh để điều chỉnh; phân phối độ khó và kỹ năng được thiết kế dựa trên kinh nghiệm thay vì dữ liệu.

Kết quả là phổ điểm trở thành sản phẩm của một thước đo chưa hiệu chỉnh. Việc sử dụng nó để rút ra các kết luận về năng lực học sinh, chất lượng dạy học, hoặc sự phù hợp của chương trình sẽ là một sai lệch nghiêm trọng về phương pháp.

Dữ liệu chưa tin cậy, kết luận thiếu chính xác, chính sách sẽ chưa phù hợp

Trong bối cảnh cải cách giáo dục đang ở giai đoạn bản lề, việc sử dụng dữ liệu từ các kỳ thi để đánh giá, so sánh và ra quyết định là hết sức cần thiết. Tuy nhiên điều nguy hiểm nhất là dựa vào dữ liệu chưa đáng tin để đưa ra các chính sách có tính hệ thống.

Nếu sử dụng phổ điểm kỳ thi THPT 2025 - vốn không dựa trên đề thi chuẩn hóa, để đánh giá chất lượng dạy học giữa các vùng miền; so sánh kết quả theo nhóm đối tượng học sinh; phân tích mức độ phù hợp của chương trình giáo dục mới, thì những phân tích đó thiếu cơ sở khoa học, dễ dẫn đến những hiểu sai thực trạng và đưa ra những chính sách phản tác dụng.

Không thể đánh đồng một kỳ thi tuyển sinh với một kỳ thi đánh giá hệ thống

Cần phân biệt rõ: một kỳ thi có thể đủ tốt để phục vụ xét tốt nghiệp hoặc tuyển sinh, nhưng không đủ điều kiện để trở thành công cụ đo lường chất lượng hệ thống giáo dục.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, với vai trò là kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hoàn toàn có thể đảm đương chức năng xét tốt nghiệp, sàng lọc đầu vào đại học. Tuy nhiên việc kỳ vọng vào phổ điểm để đánh giá chất lượng dạy học, hiệu quả chương trình hay trình độ học sinh cả nước là không thực tế, và không đúng về mặt phương pháp.

Đề thi chưa chuẩn hóa → dữ liệu không tin cậy → không thể dùng làm mốc cho phân tích giáo dục hay xây dựng chính sách.

Không nên lấy cảm tính tổ chức để thay thế nguyên tắc khoa học

Trong giáo dục, cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào sử dụng dữ liệu để ra quyết định, nguyên tắc "dữ liệu đáng tin cậy bắt nguồn từ công cụ đo đáng tin cậy" cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Không thể vì kỳ vọng có dữ liệu mà bỏ qua yêu cầu chuẩn hóa trong công cụ thu thập dữ liệu.

Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 bằng đề thi ra theo phương pháp chuyên gia là một phương án tổ chức có thể chấp nhận ở mức vận hành. Nhưng không nên, và không thể sử dụng kết quả của kỳ thi này để đưa ra đánh giá hệ thống hay khuyến nghị chính sách.

Khoa học đo lường không cho phép lấy một thước đo chưa chuẩn để làm mốc chuẩn. Giáo dục càng không thể xây dựng chính sách trên dữ liệu không đáng tin cậy.

Không thể lấy phổ điểm làm căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục - Ảnh 2.Phổ điểm 5 khối xét tuyển đại học A, A1, B, C, D1

Mời bạn đọc theo dõi phổ điểm 5 khối xét tuyển đại học truyền thống do Tuổi Trẻ Online phân tích từ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên