
Với phương án thuế suất 20%, tổng số tiền phải nộp cho cơ quan thuế của nhà đầu tư có lãi sẽ lớn hơn tương đối so với hiện hành - Ảnh: HÀ QUÂN
Không có cách tính thuế thu nhập chuyển nhượng chứng khoán nào “ưu việt” cho tất cả. Với cách thu thuế hiện hành - thuế suất 0,1% nhân với tổng giá trị bán chứng khoán - những nhà đầu tư có lãi sẽ có lợi hơn và ngược lại...
Khác nhau giữa thuế hiện hành và đề xuất mới
Theo luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán chịu thuế suất 0,1% trên tổng giá trị giao dịch bán, không phân biệt lãi hay lỗ.
Chẳng hạn, nhà đầu tư bán cổ phiếu ABC lãi 10%, tổng giá trị bán ra 2 tỉ đồng, thì thuế thu nhập cá nhân phải nộp khoảng 2 triệu đồng. Ngược lại, nếu nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phiếu này nhưng lỗ 10%, tức tổng giá trị bán ra chỉ còn 1,8 tỉ đồng, thì thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 1,8 triệu đồng.
Trong khi đó, theo dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân cư trú chuyển nhượng chứng khoán sẽ chịu thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế.
Khoản thu nhập tính thuế này được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các chi phí hợp lý liên quan trong kỳ tính thuế theo năm. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan, số thuế sẽ bằng 0,1% nhân với giá bán chứng khoán, tính theo từng lần giao dịch.
Như vậy, có thể hiểu sẽ chỉ thu thuế thu nhập cá nhân khi có lãi, đúng với logic thuế thu nhập cá nhân là thuế trên "thu nhập"; nếu lỗ thì không phát sinh nghĩa vụ thuế.
Thuế suất 20% sẽ được "đánh" trên phần lãi ròng. Ví dụ, nhà đầu tư bán cổ phiếu XYZ lãi 10%, vốn 10 tỉ đồng, lãi 1 tỉ đồng, thì mức thuế phải nộp khoảng 200 triệu đồng. Ngược lại, nếu bán cổ phiếu XYZ lỗ 10%, sẽ không phải nộp thuế.
Một chuyên gia tài chính - chứng khoán cho biết dù phương án 2 "có vẻ hợp lý" hơn về nguyên tắc (chỉ đánh thuế khi có thu nhập), nhưng qua ví dụ nêu trên có thể thấy, số thuế phải nộp với thuế suất 20% trên lãi ròng cao hơn nhiều so với mức 0,1% hiện hành.
Chưa kể, cách tính thuế dựa trên lãi sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi quyết toán chi tiết giá vốn và chi phí, thay vì khấu trừ trực tiếp như hiện nay.
Các nước khác thu thuế thế nào?
Để tăng tính thuyết phục với đề xuất phương án thu thuế mới, Bộ Tài chính dẫn chứng ở Nhật Bản. Ở nước này, thu nhập thu được từ việc bán một số chứng khoán cụ thể (bao gồm cổ phiếu, vốn chủ sở hữu trong công ty, trái phiếu chứng quyền…) được đánh thuế tách biệt với các nguồn thu nhập khác với tỉ lệ cố định là 20,315%.
Tại Trung Quốc, áp dụng thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán không niêm yết, xác định bằng doanh thu trừ đi chi phí liên quan.
Theo tìm hiểu của người viết, ở Mỹ thuế chuyển nhượng chứng khoán là thuế thu nhập vốn, chỉ tính trên phần lãi ròng, nhưng mức thuế phụ thuộc vào thời gian nắm giữ và thu nhập của cá nhân.
Đặc biệt, Mỹ cho phép bù trừ lỗ (capital loss deduction). Nếu bán cổ phiếu lỗ, có thể dùng khoản lỗ đó để giảm trừ lãi từ các giao dịch khác hoặc khấu trừ vào thu nhập chịu thuế (tối đa 3.000 USD/năm; phần lỗ còn lại chuyển sang năm tiếp theo).
Thuế suất mà Mỹ áp dụng cũng được tính theo thời gian, ngắn hạn (Short-term capital gains) và dài hạn (Long-term capital gains).
Trong đó ngắn hạn áp dụng cho chứng khoán nắm giữ dưới 1 năm. Theo đó thuế suất = thuế suất thu nhập thông thường (ordinary income tax rate), từ 10 - 37% tùy mức thu nhập của cá nhân.
Còn dài hạn áp dụng cho chứng khoán nắm giữ từ 1 năm trở lên. Thuế suất ưu đãi hơn: 0%, 15%, hoặc 20%, tùy thu nhập của cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận