Lấy muỗi trị muỗi

TRỌNG NHÂN 09/07/2025 14:48 GMT+7

TTCT - Muỗi, sinh vật từng khiến loài người ám ảnh suốt bao thế kỷ, giờ đây đang được sử dụng như một công cụ cứu rỗi thiên nhiên.

trị muỗi - Ảnh 1.

Ống chứa đầy muỗi nuôi trong phòng thí nghiệm vừa được drone thả xuống Maui. Ảnh: ADAM KNOX/AMERICAN BIRD CONSERVANCY

Chiến lược "lấy muỗi trị muỗi" đang lan rộng từ Mỹ đến châu Á, châu Phi, nơi biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang buộc các nhà khoa học phải nghĩ khác, làm khác và hành động táo bạo hơn bao giờ hết.

Đuổi muỗi cứu chim

Một buổi sáng trên rừng rậm Maui, Hawaii (Mỹ), chiếc drone dài gần 2m lặng lẽ lướt qua tán cây, chuẩn bị thả xuống những viên nang sinh học chứa hàng ngàn con muỗi sống. Không phải muỗi độc, không phải vũ khí sinh học tấn công loài người, mà là một chiến dịch khoa học đầy kỳ công: thả muỗi để cứu chim quý.

Theo trang Vox, ở Hawaii, những mối đe dọa bệnh tật ảnh hưởng tới chim nặng nề hơn với người. Nhiều loài chim bản địa đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Điển hình, nhóm honeycreeper (chim hút mật Hawaii) từng có hơn 50 loài, giờ chỉ còn 17. 

Nhiều cá thể như kiwikiu (Pseudonestor xanthophrys, chim mỏ vẹt Maui) hay 'akikiki (Oreomystis bairdi, chim hút mật Kauai) cũng gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Thủ phạm tận diệt các loài chim này là một loài nhỏ bé nhưng hung hiểm: avian malaria, loài muỗi truyền sốt rét chim.

Trước nay, muỗi không phải loài bản địa tại xứ đảo Hawaii. Vào thế kỷ 19, những con muỗi đầu tiên đến đảo trên những con tàu săn cá voi rồi âm thầm sinh sôi, mang theo ký sinh trùng gây sốt rét. Điều đau lòng là những loài chim bản địa Hawaii chưa từng tiếp xúc với mầm bệnh này trước đây, nên không có cơ chế miễn dịch. Hệ quả là toàn bộ hệ chim rừng dần sụp đổ.

Các nhà nghiên cứu đã mô tả tình hình hiện tại như một "băng chuyền tuyệt chủng". Chim di cư lên vùng cao hơn để tránh muỗi. Tưởng đâu sẽ thoát, nhưng không. Khi khí hậu ấm lên, muỗi lại tiến dần lên những cao độ lớn hơn. Rốt cuộc, lũ chim không lối thoát.

Để ngăn kịch bản tuyệt diệt, các nhà khoa học đã nghĩ đến một giải pháp không ai ngờ: thả muỗi đực mang Wolbachia, một chủng vi khuẩn không gây hại cho người hay động vật nhưng khiến trứng muỗi không nở khi muỗi đực giao phối với muỗi cái tự nhiên. Giới chuyên môn tính toán: nếu kiên trì triển khai sách lược này, quần thể muỗi rừng sẽ suy giảm, từ đó cắt đứt vòng lây bệnh.

trị muỗi - Ảnh 2.

Vậy là một chiến dịch mang tên "Birds, Not Mosquitoes" do một liên minh bảo tồn khởi xướng năm 2023, từ đó đến nay đã thả hơn 40 triệu muỗi đực trên đảo Maui và Kauai, phần lớn được thả từ trực thăng. Hiện nay, drone đang được thử nghiệm, không cần phi công, có thể hoạt động linh hoạt và chính xác.

Adam Knox, kỹ sư phụ trách triển khai thiết bị bay không người lái trong chiến dịch, nhận định: "Drone an toàn hơn, rẻ hơn, dễ điều khiển và có thể tiếp cận những khu vực rừng sâu mà trực thăng khó hạ cánh". Dù mỗi drone chỉ mang được khoảng 23.000 con muỗi mỗi lần bay, so với 250.000 con của trực thăng, song ưu thế linh hoạt đã khiến nó có thể trở thành giải pháp dài hạn.

Theo chuyên gia về sốt rét chim Marm Kilpatrick, Đại học California (Mỹ), đây là lựa chọn khả thi nhất hiện tại. Ông lưu ý rằng điều khiến phương pháp dùng Wolbachia trở nên nổi bật là vì nó không chỉ can thiệp vào quần thể muỗi theo cách tự nhiên và có mục tiêu, mà còn hầu như không gây tác động phụ lên các loài khác trong hệ sinh thái. "Chúng tôi chưa thấy một biện pháp nào vừa chính xác, vừa ít rủi ro sinh thái như vậy" - ông nói thêm.

Mời bà con đón muỗi vào nhà

Trước khi được áp dụng để cứu chim, phương pháp "lấy muỗi trị muỗi" đã được áp dụng thành công tại nhiều nơi trên thế giới để kiểm soát các dịch bệnh truyền qua muỗi như sốt xuất huyết ở người.

Tại Singapore, chính phủ đã đầu tư 1,45 triệu USD trong vòng 4 năm để thực hiện Project Wolbachia, một trong những chương trình thả muỗi quy mô nhất thế giới. Tại các cơ sở nghiên cứu, muỗi đực được phân loại bằng công nghệ AI với độ chính xác gần như tuyệt đối, đảm bảo không có muỗi cái (loài truyền bệnh) bị thả nhầm.

Theo Bloomberg, các thí điểm được thực hiện tại nhiều khu dân cư, trong đó nổi bật là tại Yishun và Tampines, nơi ghi nhận giảm 80 - 90% số lượng muỗi Aedes aegypti, loài chính gây sốt xuất huyết tại thành phố này. 

Mục tiêu đến năm 2026 là mở rộng phủ sóng ra 50% tổng số hộ dân Singapore. Đặc biệt, để thuyết phục công chúng chấp nhận chuyện nghe trái khoáy là "đón muỗi vào nhà", nhà chức trách đã tổ chức các buổi giới thiệu nơi cư dân có thể "giao lưu" với muỗi Wolbachia. Nhiều người đã thò tay vào ống muỗi để thử và xác nhận rằng: đúng, chúng không cắn thật.

trị muỗi - Ảnh 3.

Muỗi biến đổi gene trong phòng thí nghiệm, dành để thả ở Djibouti. Ảnh: AFP-JIJI

Ở bên kia bán cầu, Brazil đã xây dựng một trung tâm sản xuất muỗi quy mô khổng lồ tại Curitiba, có thể nuôi và phân phối 100 triệu trứng muỗi Wolbachia mỗi tuần. Thành phố Niterói, nơi triển khai thử nghiệm từ sớm, đã ghi nhận tỉ lệ mắc sốt xuất huyết thấp nhất trong 20 năm, với chỉ 370 ca trên 100.000 dân năm 2024, so với 1.785 ca ở thành phố lớn hơn lân cận là Rio de Janeiro.

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học ở Quảng Đông đã vận hành một nhà máy được mệnh danh là "siêu thị muỗi", với công suất nuôi 20 triệu muỗi Wolbachia mỗi tuần, phục vụ các chương trình kiểm soát dịch bệnh như sốt xuất huyết và Zika ở miền nam Trung Quốc. 

Đây được xem là một bước tiến lớn của y tế cộng đồng Trung Quốc, khi chuyển từ phương pháp diệt muỗi truyền thống sang hướng tiếp cận sinh học hiện đại.

Thách thức: không phải chuyện muỗi

Chiến lược "lấy muỗi trị muỗi" liên tục được chứng minh có hiệu quả, song vẫn còn nhiều rào cản, thách thức.

Ở Indonesia, một nghiên cứu được công bố trên New England Journal of Medicine cho thấy chương trình Wolbachia tại thành phố Yogyakarta giúp giảm 77% số ca sốt xuất huyết và giảm 86% tỉ lệ nhập viện do bệnh này. Indonesia mở rộng chương trình sang Jakarta, với sự hỗ trợ từ tổ chức phi lợi nhuận World Mosquito Program (WMP). 

Nhưng rồi dự án có thời gian phải tạm dừng sau khi lan truyền trên mạng những tin đồn sai sự thật cho rằng muỗi Wolbachia... có thể truyền "gene LGBT".

Sự hiểu lầm vô căn cứ này đã gây hoang mang cho một bộ phận công chúng và đặt ra bài toán truyền thông khó khăn cho đội ngũ khoa học. Theo bác sĩ Riris Andono Ahmad (Đại học Gadjah Mada), việc "phá vỡ hình ảnh truyền thống là phải tiêu diệt muỗi" để thay bằng tư duy "phát tán muỗi có lợi" là một thách thức văn hóa không nhỏ.

Tại California (Mỹ), công ty công nghệ sinh học Oxitec (Anh) lên kế hoạch thả muỗi biến đổi gene, nhưng vấp phải phản đối từ một số nhóm môi trường. Mặc dù Bộ Nông nghiệp Mỹ không đưa ra kết luận chính thức, Oxitec buộc phải rút hồ sơ xin phép vào năm 2023 do sức ép dư luận và lo ngại thiếu hành lang pháp lý rõ ràng về tác động sinh thái lâu dài.

Oxitec vốn là công ty tiên phong trong công nghệ chỉnh sửa gene muỗi. Họ đã phát triển giống muỗi đực mang gene khiến muỗi cái không thể sống đến tuổi trưởng thành, từ đó làm suy giảm quần thể muỗi truyền bệnh. 

Công nghệ này đã được triển khai tại Brazil, nơi mà các cộng đồng địa phương thậm chí chủ động yêu cầu được tiếp cận công nghệ sau khi ghi nhận hiệu quả rõ rệt trong việc giảm số ca bệnh.

trị muỗi - Ảnh 4.

Nhìn chung, các chuyên gia vẫn liên tục nhấn mạnh rằng: đây không phải là một giải pháp "mặc định thành công". Công nghệ Wolbachia đòi hỏi sự tinh chỉnh phù hợp từng địa phương, bởi hiệu quả phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm, chu kỳ sinh sản của muỗi bản địa, mật độ dân cư, thói quen sinh hoạt của người dân, đặc biệt là mức độ giao thoa giữa các vùng lân cận. 

Ví dụ, nếu một khu vực áp dụng thả muỗi nhưng lại nằm cạnh vùng không kiểm soát muỗi hoang, hiệu quả sẽ suy giảm đáng kể do muỗi hoang có thể nhanh chóng tái xâm nhập.

Một trở ngại lớn khác là vòng đời ngắn của muỗi Wolbachia, chỉ từ 2-3 tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc phải thả liên tục, mỗi tuần, mỗi tháng, kéo dài nhiều năm mới duy trì được tỉ lệ muỗi có lợi trong tự nhiên. Rõ ràng ngốn một khoản chi phí vận hành khổng lồ.

Ở những quốc gia như Singapore, nơi chính phủ đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và có thể triển khai AI để tự động phân loại muỗi đực - cái, chuyện duy trì chương trình khả thi. Nhưng ở các nước đang phát triển, chỉ riêng việc duy trì hệ thống nuôi, phân loại và vận chuyển muỗi mỗi ngày cũng là một thách thức lớn về tài chính và nhân lực.

Nỗi sợ muỗi mạnh lên

Điều gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn. Câu nói được cho là của nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche này cũng đúng với muỗi. Nhiều quốc gia ghi nhận sự mạnh lên đáng kể của một số loài muỗi sau khi sống sót qua những chiến dịch tiêu diệt của con người.

Đó cũng là một trong những nỗi lo của giáo sư Natalie Kofler (Trung tâm đạo đức sinh học, Trường Y Harvard) khi nói về phương pháp "lấy muỗi trị muỗi" Wolbachia. Ông cảnh báo một mối lo sinh thái hiển hiện: "Chúng ta đang can thiệp vào hệ sinh thái bằng một lực rất mạnh, có chủ đích, nhưng vẫn là can thiệp. Nếu bạn triệt tiêu một loài muỗi, có thể một loài khác, nguy hiểm hơn sẽ thế chỗ".

Giáo sư Natalie Kofler dẫn chứng: kịch bản trên từng xảy ra ở châu Phi, nơi sau khi tiêu diệt một số loài muỗi truyền bệnh chính, những loài muỗi trước đây ít phổ biến lại gia tăng và thay thế chỗ trống sinh thái, đôi khi mang theo mầm bệnh mới mà các hệ thống kiểm soát cũ không nhận diện được.

Ngoài ra, một số nhà khoa học cũng đặt câu hỏi về tính bền vững lâu dài của kỹ thuật Wolbachia: Liệu vi khuẩn này có thể tiến hóa, hoặc bị muỗi hoang học cách vượt qua? Liệu có cần các thế hệ muỗi Wolbachia mới, mạnh hơn, thích nghi tốt hơn trong tương lai? Những câu hỏi này vẫn đang được nghiên cứu để trả lời.

Năm 2012, Djibouti (Đông Phi) gần như đã loại bỏ bệnh sốt rét, với chỉ 27 trường hợp được phát hiện trong năm đó. Thế nhưng trong những năm tiếp theo, số ca mắc và tử vong đã tăng theo cấp số nhân, đạt 73.000 trường hợp vào năm 2020. Sự gia tăng đáng kể này được thúc đẩy bởi sự xuất hiện và lây lan của loài muỗi Anopheles stephensi - một loài xâm lấn mạnh mẽ phát triển mạnh trong môi trường đô thị, được coi là một trong những mối đe dọa lớn đối với việc loại bỏ bệnh sốt rét ở châu Phi cận Sahara.

Những loài muỗi này đốt vào ban ngày, tránh các biện pháp can thiệp như màn ngủ và khó kiểm soát vì chúng đã phát triển khả năng kháng thuốc trừ sâu hóa học. Khi tiếp tục lây lan, Anopheles stephensi được dự đoán sẽ đe dọa hơn 100 triệu người sống ở các thành phố trên khắp châu Phi.

Trước tình hình đó, Chính phủ Djibouti cũng tìm đến "vũ khí" muỗi, thông qua quan hệ đối tác công tư với tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe cộng đồng Association Mutualis và Oxitec Ltd, nhà phát triển các giải pháp sinh học, để kiểm soát các loài gây hại truyền bệnh và đe dọa an ninh lương thực.

Sau khi xem xét, Chính phủ Djibouti chính thức phê duyệt và nhập khẩu "muỗi thân thiện không cắn" của Oxitec - tức muỗi đực Anopheles stephensi biến đổi gene - vào tháng 12-2023. Loại "muỗi thân thiện" này mang một gene tự giới hạn giúp ngăn chặn con cái sống sót trong quá trình sinh sản, vì thế quần thể muỗi sẽ chỉ còn muỗi đực, không đốt và không truyền bệnh.

Đợt thả thí điểm đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 5-2024, trên cơ sở nghiên cứu chi tiết về sự phân bố, số lượng và hành vi của Anopheles stephensi ở các thị trấn và khu phố ở Djibouti, cùng với sự tham gia sâu rộng của cộng đồng địa phương và các bên liên quan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận