TTCT - Sau 7 năm theo đuổi tỉ lệ phân luồng cứng, với nhiều hệ lụy tiêu cực, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thừa nhận sai lầm của cách phân luồng này. "Tư lệnh" ngành giáo dục thừa nhận đặt tỉ lệ phân luồng học sinh sau THCS là một sai lầm. Ảnh: NHƯ HÙNGÝ chí của nhà nướcVấn đề phân luồng ở Việt Nam được triển khai ở hai mốc: sau THCS và sau THPT và được đề cập đến từ sớm. Trong khoảng 1 thập kỷ qua, hành lang pháp lý cho việc này đã thiết lập cơ sở cho các chính sách thúc đẩy phân luồng.Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 là cơ sở pháp lý đầu tiên về việc đào tạo nghề sau THCS và sau THPT. Quyết định số 1981 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó học sinh tốt nghiệp THCS có thể học tiếp theo 4 nhánh: THPT, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, THPT theo hệ giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp.Năm 2018, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 32 quy định 2 giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1-9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10-12). Quyết định số 522 năm 2018 của Thủ tướng phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" xác định đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp (các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%). Đến năm 2025, hai tỉ lệ trên tương ứng là 40% và 30%. Tương tự năm 2020 có 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (địa phương khó khăn là 30%). Năm 2025 có 45 % học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (địa phương khó khăn là 35%)...Ý chí định hướng ấy, được hỗ trợ bởi một hành lang pháp lý đầy đủ, lại không thành công. Trước hết từ việc quản lý hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề bị phân tán, không ổn định. Trước năm 2017, Bộ GD-ĐT quản lý các trường trung cấp chuyên nghiệp và Bộ LĐ,TB&XH quản lý các trường đào tạo nghề. Năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao về Bộ LĐ,TB&XH, đến năm 2025, các cơ sở này giao trở lại cho Bộ GD-ĐT quản lý.Năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trừ cơ sở đào tạo giáo viên mầm non) được chuyển từ Bộ GD-ĐT về Bộ LĐ,TB&XH. Và năm 2025, việc quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại một lần nữa chuyển về cho Bộ GD-ĐT. Việc chia cắt và "đổi chủ quản" nhiều lần khiến hệ thống đào tạo nghề khó phát triển. Mà đây lại chính là một hệ thống cơ sở quan trọng để tác động đến việc phân luồng sau THCS và THPT.Ý chí của học sinhỞ thời điểm này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có gần 2.000 cơ sở đào tạo, trong đó có khoảng 400 trường cao đẳng nghề, hơn 400 trường trung cấp nghề và hơn 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ nhân sự đạt chuẩn, ngành nghề đào tạo có tăng lên, các trường được doanh nghiệp uy tín đặt hàng, nâng cao chất lượng… để thu hút người học.Thực tế lại cho thấy các trường nghề vẫn "đói" nguồn tuyển sinh với rất nhiều lý do. Tâm lý phổ biến của phụ huynh, học sinh là phải học xong THPT và vào được đại học, có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… mới là con đường đúng đắn, thành công. Cổ xúy cho tâm lý này là các quy định của nhà tuyển dụng lao động đặt nặng bằng cấp hơn là trình độ, tay nghề thực tế đáp ứng các vị trí công việc khác nhau.Chính sách tiền lương, các cơ sở để tính mức lương, thù lao cho người lao động ở nhiều lĩnh vực cũng có sự phân biệt giữa người có bằng cấp cao và người chỉ qua đào tạo nghề. Người có bằng đại học dù không xin được việc làm đúng nghề đào tạo vẫn có cơ hội nhảy việc hơn người không có bằng, dù thực tế họ có thể cùng đáp ứng một công việc cụ thể như nhau.Lý do thứ hai từ phía cơ sở đào tạo. Dù có những nỗ lực thay đổi nhưng nhiều cơ sở đào tạo thiếu quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ. Nhiều cơ sở dễ dãi trong tuyển sinh, đào tạo, không có trách nhiệm với sản phẩm đào tạo khi ra thị trường lao động.Mô hình "Đào tạo 9+" tại các trường cao đẳng nghề là một hướng đào tạo mới (giống như Nhật Bản), từng hy vọng hút học sinh tốt nghiệp THCS khá, giỏi. Tuy nhiên, học sinh ở những trường này muốn có bằng THPT thì phải học các môn văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nên cường độ học cao, học sinh khó hoàn thành song song việc học văn hóa và học nghề nên bỏ học giữa chừng.Trong khi đó, nhiều địa phương đặt mục tiêu phân luồng như là chỉ tiêu thi đua cho các trường. Trường học tiếp tục gây áp lực lên phụ huynh, học sinh như thuyết phục học sinh "dưới trung bình" không nộp đơn thi tuyển sinh lớp 10, không thi đại học. Các trường nghề cũng quảng bá quá lố và cả thông tin không đúng sự thật (để tuyển sinh) gây mất niềm tin cho cả phụ huynh và học sinh.Áp lực phân luồng làm cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 căng thẳng, các địa phương không mở rộng mạng lưới trường lớp THPT công lập, không bổ sung đội ngũ nhà giáo dẫn tới việc quá tải trường lớp.Để học sinh tự chọn "ngã rẽ"Khi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận việc phân luồng theo tỉ lệ quy định tại quyết định 522 năm 2018 của Thủ tướng là một cách phân chia "rất cứng nhắc, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn", ông cũng nhìn nhận phải thay đổi để hướng nghiệp thực chất, tự nguyện, nhất là việc đảm bảo cho các học sinh có nguyện vọng đều được học bậc THPT, Nhà nước đảm bảo 100% chỗ học.TS Nguyễn Tùng Lâm, phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng việc phân luồng chỉ đạt hiệu quả thực sự nếu việc tư vấn hướng nghiệp được làm tốt để phụ huynh và học sinh thấy rõ quyền lợi của mình và tự nguyện lựa chọn. Muốn tạo nên nhiều "ngã rẽ" để người học tự nguyện lựa chọn thì cần có mạng lưới cơ sở đầy đủ và tin cậy. "Mỗi học sinh đều có những điểm mạnh, yếu khác nhau chứ không phải học sinh đi học nghề là "người bị loại". Chọn học nghề phù hợp vẫn có nhiều cơ hội thành công và hạnh phúc với nghề nghiệp mình được đào tạo và làm việc", ông Tùng Lâm nói.Ông Lâm cho biết ở một số nước giáo dục nghề nghiệp hòa nhập với giáo dục phổ thông và đại học, có trường THPT công nghệ (cho học sinh học lên ĐH) và THPT nghề (cho học sinh sẽ theo đuổi một nghề cụ thể). Vậy nên giáo dục nghề nghiệp không tồn tại như một loại hình đẳng cấp thấp mà đơn thuần là một lựa chọn trong nhiều lựa chọn của người học.TS Nguyễn Thị Thu Anh, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực Việt Nam, cho rằng công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng phải bắt đầu từ nhu cầu của học sinh. Trước hết, giáo viên phải có nhận thức đầy đủ về công tác này và chú trọng tới hướng nghiệp sớm. Học sinh được trải nghiệm, tiếp cận các nguồn thông tin tin cậy, lồng ghép việc hướng nghiệp trong môn học, hoạt động trải nghiệm, dự án học tập, dự án khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, trong giáo dục STEM...TS Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội, người đầu tiên dám cam kết "hoàn trả học phí cho người học nếu họ tốt nghiệp xong không xin được việc làm đúng nghề", cho rằng: nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, làm tốt "đầu ra" để phụ huynh, học sinh hiểu học nghề là một con đường tốt chứ không phải yếu kém, không biết học gì mới đi học nghề.■ Càng thực hiện càng "bí"Khi nhìn vào số liệu của những địa phương triển khai mạnh mẽ nhất việc phân luồng trong hơn một thập kỷ qua (công bố tháng 12-2024 của Bộ GD-ĐT), ta thấy tỉ lệ phân luồng học sinh sau THCS bình quân cả nước là 17,8%, ở Hà Nội, Hải Phòng đạt dưới 12%, cả nước chỉ có 6 tỉnh đạt mức phân luồng 30% (đạt mục tiêu đề ra tại quyết định số 522 của Thủ tướng).Tỉnh hiếm hoi quyết liệt trong việc phân luồng là Vĩnh Phúc. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tiếp cấp THPT của tỉnh giảm dần, năm 2019 có khoảng 70%, đến năm 2025 thì còn trên 60%.Tại TP.HCM, học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT năm 2019 là gần 77% năm 2024 là 65%, năm 2025 thì tăng thành 79%. Hà Nội có năm giảm xuống dưới 60%, tới năm nay tăng lên 64%.Năm 2020-2021, TP Hà Nội chỉ có 15.000 học sinh chọn học nghề. Năm tiếp theo có hơn 17.000 em. Năm 2023-2024 cũng chỉ có hơn 17.000 học sinh (chiếm tỉ lệ 13,4% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS) vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.Phân luồng sau THPT trên cả nước theo số liệu năm 2023 cũng chỉ đạt gần 30%, nhưng có khác biệt khá lớn giữa các địa phương. So với con số 8-10% phân luồng sau THCS và THPT vào trước năm 2014 thì những gì đạt được hiện tại gấp hơn 2 lần, song vẫn còn xa so với mục tiêu đặt ra. Hơn nữa, con số chỉ thể hiện số lượng học sinh tốt nghiệp THCS không học lên THPT hoặc số học sinh tốt nghiệp THPT không tiếp tục học lên đại học. Không phải 100% trong số này chọn học nghề (bao gồm cả cao đẳng, trung cấp, đào tạo ngắn hạn).Ông Nguyễn Văn Mạnh, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đưa ra con số mỗi năm có khoảng 15% học sinh tốt nghiệp THCS bỏ học tiếp, không có việc làm ổn định. Chất lượng đào tạo nghề với nhóm này rất thấp, tỉ lệ có việc làm không cao. Tags: Phân luồngHọc sinh cấp 2Giáo dục nghề nghiệp
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Thủ tướng họp về Luật Đất đai, bàn việc xác định giá đất, đất có yếu tố nước ngoài NGỌC AN 10/07/2025 Sáng 10-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện nghị quyết số 18 và 1 năm thi hành Luật Đất đai năm 2024, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2024.
Bán hàng hiệu online doanh thu 'khủng' 834 tỉ đồng, bị tạm giữ vì trốn thuế 12,5 tỉ DANH TRỌNG 10/07/2025 Nguyễn Thị Thu Hường bán hàng hiệu online doanh thu hơn 834 tỉ đồng nhưng trốn thuế 12,5 tỉ đồng nên bị cảnh sát tạm giữ để điều tra.
Danh sách 6 tân phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam THÀNH CHUNG 10/07/2025 Bà Hà Thị Nga, ông Bùi Quang Huy và 4 chủ tịch các tổ chức chính trị - xã hội được hiệp thương cử làm phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
'Tôi xin nói thẳng: bánh nhà làm thì để nhà ăn thôi' NHƯ BÌNH 10/07/2025 "Tôi xin nói thẳng: bánh nhà làm thì để nhà ăn thôi" - phát biểu của bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, khiến nhiều người giật mình...