![]() |
Hai chị em bà Kim Hưng từng ở trọ trong căn nhà mục nát như thế này - Ảnh: My Lăng |
57 tuổi, mái tóc nhuốm màu sóng bạc, người phụ nữ ấy vẫn ngày ngày lặng lẽ đạp xe đi làm lấy tiền nuôi cậu em trai bị tâm thần phân liệt 25 năm nay. Hai năm trước, bà còn nuôi người em trai thứ hai bị liệt sau một tai nạn lao động. Bà là Lê Kim Hưng, người dành cuộc đời cho những đứa em.
Chỗ ướt chị nằm, chỗ ráo phần em
"Tôi muốn có cái nghề ổn định, một chỗ nương thân đàng hoàng nhưng không thể nào có được. Có khi đang làm tủi thân quá lại khóc" Bà LÊ KIM HƯNG |
Buổi tối 18-4, đến thăm phòng trọ mới của bà và người em trai bị tâm thần phân liệt ở gần bến phà An Phú Đông (Q.12, TP.HCM) đúng lúc vào bữa cơm của họ: nồi cơm nguội và một ít mắm chưng.
Phần mắm chưng ấy là thức ăn của mấy người đồng nghiệp tốt bụng ở công ty may để lại cho bà trưa nay. Thế nên chiều nay bà chỉ mất 6.000 đồng mua củ khoai mỡ và 5.000 đồng thịt xay về nấu canh. Hai chị em ăn bữa tối vẫn còn dư chút ít cho bữa sáng mai.
Đã biết bao lần, bà nhường cơm cho em trai. “Những người bạn trong công ty biết hoàn cảnh của tôi, bữa nào nhắm chừng ăn không hết họ lại chừa một ít thức ăn, một ít cơm để tôi mang về. Bữa nào có thức ăn thì mình đỡ tốn mười mấy ngàn đồng đi chợ” - bà bảo.
Căn phòng trọ hiện giờ của bà cách bến phà An Phú Đông chỉ 2km nhưng con đường nhỏ, vắng hun hút. Bà ở với người em trai bị tâm thần Lê Ngọc Thu (46 tuổi). Chỗ ngủ của hai chị em là hai mảnh chiếu đơn trải trên nền đất lạnh. Ban ngày khi bà đi làm, ông Thu đạp xe qua con hẻm ở khu nhà thuê cũ bên đường Nguyễn Văn Nghi (Q.Gò Vấp). Lúc tỉnh táo, bà con kêu gì ông Thu làm nấy. Bữa nào làm phụ hồ, sơn cửa, móc cống nghẹt... được 30.000-50.000 đồng, ông Thu cho chị 10.000-20.000 đồng đi chợ, mua gạo. Bên ấy bà vẫn còn người em gái Lê Kim Chi (48 tuổi) đang ở trọ trong căn phòng rất nhỏ, đã xuống cấp trầm trọng.
Mấy năm trước khi chia tay chồng, bà Kim Chi tìm về bên chị hai Lê Kim Hưng. Khi ấy bà Hưng còn cưu mang người em trai thứ hai Lê Thanh Hải (sinh năm 1973), từng là thợ hồ, đã có gia đình. Sau khi bị liệt nửa người, vợ dẫn con gái đi biệt tăm. Anh trở về nhà người chị nương nhờ.
“Con Tư (hàng xóm hay gọi bà Hưng như thế - người viết) hiền lành, đàng hoàng lắm, đẹp người đẹp nết mà không chịu ai, ở vậy chăm em. Ở đây ai cũng thương nó” - bà Dung, một hàng xóm lớn tuổi, không giấu được nỗi xót xa khi nhắc đến bà. Hai bên ông bà nội ngoại, bố mẹ đều mất từ lâu... Bốn chị em ở căn nhà thuê gần 50 năm.
Mấy năm trước, lúc chúng tôi xuống thăm bà, đúng một ngày sau khi toàn bộ mái ngói sụp xuống để hở ra một phần lớn nóc nhà trống toác. Thật ra căn nhà xuống cấp trầm trọng gần ba năm trước đó, chủ nhà muốn lấy lại để xây nhà mới cho thuê tiếp.
Khi đó, ông Phan Văn Tiền - chủ nhà - vừa chỉ vào những vết nứt trên tường vừa nói: “Căn nhà này xây bằng gạch lốc, tới bây giờ mục hết rồi. Tui kêu con Tư ra trước hiên nhà nằm cho an toàn. Nó không nỡ, nhường chỗ đó cho thằng em”. Bà ra sau nhà trải chiếu dưới nền ximăng, gần ngay chỗ rửa chén bát lúc nào cũng ẩm ướt nằm ngủ. Khổ nhất là những ngày mưa. Trong nhà lổn nhổn toàn thau hứng nước.
Đêm, mới nghe “sạt sạt” là tim bà lại đập tung trong lồng ngực. Bà bật phắt dậy, lầm lụi mò tìm trong bóng tối những mảnh ngói vỡ, gom lại gần đầu giường mình vì sợ nửa đêm em mình đi loanh quanh đạp trúng ngói sẽ té ngã hoặc bị thương nặng...
Lương của bà chưa đến 2 triệu đồng nhưng những căn phòng bà hỏi khi đó đã 1,5 triệu đồng. Không đủ tiền thuê nhà khác, bà năn nỉ chủ nhà cho ở lại. Mấy chị em sống trong cảnh đổ nát và mưa nắng, gió sương đó một năm ròng. Khi tìm được phòng trọ mãi bên này sông gần bến phà An Phú Đông, bà đi tìm người vợ của em trai Lê Thanh Hải và năn nỉ chăm em bà giùm một thời gian. “Nó bị liệt đưa qua phà rất khó khăn. Ở bên này tôi đi làm, chỉ có thằng Thu ở nhà. Nó không chăm thằng Hải được” - bà bảo. Mấy năm nay ngành may gặp khó khăn, bà mang cả đồ về nhà làm thêm buổi tối. Cặm cụi kẻ đường phấn lên 100 miếng đắp lai quần từ 8g tối đến 11g, 12g đêm, bà mới kiếm thêm được... 5.000 đồng.
Còn người thân để yêu thương
Lần lượt từng người em gái đi lấy chồng, bà nhìn em cười hạnh phúc trong ngày cưới mà mừng đến rơi nước mắt. Đến khi giật mình nhìn lại, chỉ còn lẻ loi mình bà trong căn nhà thuê gần 50 năm. Khi còn trẻ có những người đàn ông rất thương ngỏ lời, bà không dám gật đầu. Rồi những người ấy ra đi biệt tăm... Bà gạt nước mắt tâm sự: “Tôi sợ vì không biết người ta có chấp nhận hoàn cảnh gia đình mình hay không? Mình thương người ta, bỏ em mình ở đây thì không an tâm mà sống được”.
Đã lâu lắm rồi bà không mua gì cho riêng mình. 10 năm nay, áo quần của bà toàn đồ được cho. Cái nào rộng quá thì sửa lại mặc. Chỉ duy nhất tấm vải hàng xóm tặng người mẹ nhưng mẹ bà không chịu may, để dành cho con gái. Mẹ mất, bà mới lấy ra may. 15 năm nay bà vẫn đi làm bằng chiếc xe đạp. Có lần bánh rời cổ xe, trúng ngay hố trũng bà ngã xuống đường bất tỉnh. Người dân thương tình đưa vô nhà pha nước rửa mặt xức dầu gió mới tỉnh dậy. Lần đó bà nghỉ dưỡng bệnh rất lâu.
Bà lặng lẽ sống vì em, cho đến khi ngoảnh đầu lại tóc đã lốm đốm những sợi trắng. Nhiều lúc cùng cực quá, bà nằm ngủ mà nước mắt chảy nóng hổi. Bà vái trời: xin cho con ngủ giấc ngủ ngàn thu, không bao giờ mở mắt ra để thấy cái cảnh khổ cực này nữa. Nhưng sáng mai thức dậy, thấy mình vẫn còn mở mắt, vẫn còn sống. “Tôi không nghĩ đó là sự hi sinh mà là cái tình của chị với em, của con người với nhau. Còn người thân để thương, để chăm sóc còn đỡ hơn là côi cút một mình. Nên nếu còn sống thì phải sống cho trọn, cho thật có ích và làm những gì còn có thể làm” - bà bảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận