TTCT - Ai cũng có một thời lang thang khắp các thư viện để tìm tri thức, nuôi hoài bão và ước mơ… 1. Những năm cuối trung học, tôi thường vào thư viện Hội Việt - Mỹ (VAA - Vietnamese American Association) ở đường Mạc Đĩnh Chi. Tôi học tiếng Anh ở đây, ghé vào thư viện cho tiện. Hội Việt - Mỹ là tổ chức văn hóa thông tin của Chính phủ Hoa Kỳ (không phải là Hội Việt Mỹ hiện nay là trường dạy tiếng Anh của tư nhân, lập lờ lấy trùng tên). Thư viện VAA lớn lắm, rộng rãi, đủ loại sách báo Việt, Anh. Tôi vào để đọc các tạp chí văn học, tuần báo, nguyệt san…, đôi khi cả tiểu thuyết, những quyển tìm không có ở các hiệu cho thuê sách bên ngoài, kể cả tiệm Cảnh Hưng lớn nhất Sài Gòn lúc đó.Trong số sách đọc ở thư viện VAA, tôi còn nhớ quyển Cuộc đời bác sĩ Arrowsmith của S. Lewis, gây ấn tượng mãi đến tận bây giờ. Martin Arrowsmith, một bác sĩ trẻ làm nghiên cứu y học, luôn luôn phải đấu tranh giữa chân lý khoa học vì lợi ích nhân loại và áp lực thương mại, danh vọng trong ngành y. Thời gian Covid đỉnh cao ở Sài Gòn, tôi biết vài bác sĩ trẻ, cỡ 40 tuổi ở tuyến đầu, nhờ thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp ở Mỹ, nên biết dùng kháng viêm corticoide liều cao ngay từ khi bão cytokine bắt đầu, hạ thấp liều xuống vào 1-2 ngày sau, thay vì phác đồ của Bộ Y tế, khi bão cytokyne tràn ngập mới dùng thì quá muộn. Nhờ đó mà các bác sĩ này cứu được nhiều mạng người. Họ đã thử vài trường hợp và thấy hiệu quả. Đứng trước bao bệnh nhân trong tình thế tuyệt vọng, họ tiếp tục làm lén, vì nếu lộ ra có thể bị tước bằng hành nghề. Khi dịch Covid nguôi đi, giải pháp tăng liều corticoid mới được Bộ Y tế Việt Nam thừa nhận.Sau dịch Covid, tôi tìm đọc lại quyển sách này trên mạng, càng đọc càng thấm thía, nhất là sau đó, thương mại dịch vụ y tế nở rộ, mọi thứ đều quy cho hậu Covid. Tôi cũng biết thêm đôi chút về tác giả Lewis. Với tác phẩm này, ông đoạt giải Pulitzer năm 1926 nhưng từ chối nhận vì cho là giải thiên vị, không công tâm. Đã hơn mười năm nay tôi không còn tin vào sự khách quan của giải Putlizer, nhưng không ngờ từ thời Lewis đã thế.Một sự kiện khác cũng thú vị ở VAA là nơi đây triển lãm mấy cục đá trên Mặt trăng do phi thuyền Apollo 15 hay 16 gì đó mang về. Đá chị Hằng không đẹp, sần sùi, nhưng bài trí trong phòng ánh sáng xanh tím dịu, đẹp lung linh. Trước đó vài năm, truyền hình trắng đen trong nước có phát lại cảnh hai phi hành gia Apollo 11 đổ bộ trên Mặt trăng, đã mê hoặc tuổi trẻ chúng tôi, mơ mộng sau này sẽ là nhà vật lý.Sau khi lấy được giấy chứng nhận Anh ngữ, tôi không còn vào thư viện VAA nữa, chẳng biết chốn cũ bây giờ thế nào…2. Vào đại học, tôi bắt đầu đến thư viện thường hơn. Vào thư viện không phải để mượn sách hay tìm tài liệu (dù có thẻ thư viện), mà vào để học. Bài vở ở trường cũng đủ ngập đầu, thi rớt sẽ đi lính, rất phiền cho cuộc đời. Thật ra thì không hẳn sợ rớt đi lính - tôi tự tin sức học của mình có thể qua, mà học vì khao khát kiến thức, mơ mộng thành… khoa học gia này nọ. Tôi tin hầu hết các bạn bên ngành khoa học đều có tâm trạng như vậy. Tuổi trẻ thường hoang tưởng trèo cao, càng cao càng té đau chỉ vài năm sau đó.Đầu niên học, tôi tìm đến thư viện Đắc Lộ ở đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng bây giờ). Thư viện này có nhiều tư liệu cũ rất quý, không mang tính hiện đại như VAA. Nhiều sách về triết học, tôn giáo, nghệ thuật cổ điển, Bulletin des Amis du vieux Hue… viết bằng những ngôn ngữ mà tôi mù tịt. Tiếng Pháp tôi còn lơ mơ, nói gì đến tiếng Bồ, tiếng Latin… Duy có bộ lưu trữ các tạp chí như Đông Dương Tạp chí, Nam Phong Tạp chí... tiếng Việt là hấp dẫn, nhưng tôi chỉ có giờ liếc qua vài số, định bụng thi xong sẽ quay lại đọc. Thư viện này cũng có nhựt báo, tạp chí văn học… toàn hàng tuyển, vì độc giả hầu hết là sinh viên và các nhà nghiên cứu.Đến rồi, tôi mới biết thư viện nơi đây chỉ là phần nhỏ của cơ sở Đắc Lộ. Ở đây còn có cư xá cho sinh viên, nhà nguyện, các lớp dạy sinh ngữ, trung tâm hướng nghiệp cho thanh niên, và cả studio để thực hiện các show truyền hình. Trung tâm do các linh mục dòng Tên điều hành. Dòng Tên từ 5-6 thế kỷ nay nổi tiếng uyên bác và cũng phóng khoáng đi trước thời đại, nên không ít lần bị Vatican "dán nhãn". Nhưng phóng khoáng lại dễ hòa đồng, nói chuyện đời, đùa giỡn thâm thúy, khôi hài đen nên giới trẻ rất thích, bất kể lương giáo. Ngay chương trình truyền hình của Đắc Lộ cũng không nói chuyện đạo, mà nhắm mục tiêu là nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe, tìm hiểu quê hương đất nước…Tu viện có ông cha Tây râu xồm, tôi lân la tán phét, xổ tiếng Anh, nhưng trời đất, ổng nói tiếng Việt sõi như người Việt, xài cả tiếng lóng như bọn trẻ. Lâu quá rồi, tôi không nhớ nổi tên ông cha dễ thương này. Sau năm 75, các cha Tây bị trục xuất về nước. Mấy ông cha Đắc Lộ mắc cái tội mê mệt Việt Nam, lại tìm cách qua Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân… giúp người Việt tị nạn. Tôi nghe nói có ông đã ở Việt Nam cả ba bốn chục năm, gắn bó với mảnh đất chiến tranh này, rồi lại phải lìa bỏ nó.Không khí trung tâm Đắc Lộ nói chung thân thiện, giới trẻ dễ làm quen với nhau, có khi rủ nhau làm công tác thiện nguyện cho những chương trình từ thiện của trung tâm. Chính vì không khí cởi mở, hòa ái nơi đây mà tôi lâm vào… thế kẹt. Đến thư viện, học thì không bao nhiêu, mà ham chơi, tán dóc thì nhiều! Qua Tết, mùa thi cận kề, liên tục bị "bể kế hoạch" gạo bài, tôi phải di tản kiếm chỗ học ở thư viện khác nhằm bớt trớn vui chơi.3. Thư viện sau đó tôi thường đến là Trung tâm Văn hóa Đức, hình như còn có tên khác là Viện Goethe, tôi không chắc. Trung tâm này nằm trên đường Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu, gần ngã tư Hai Bà Trưng.Thư viện Trung tâm Văn hóa Đức nằm trong một biệt thự hai tầng thoáng, rộng. Tầng trệt là văn phòng, tầng trên là thư viện. Sách báo nơi đây không nhiều và đa dạng, diện tích cũng nhỏ, có vẻ là phòng đọc sách hơn là thư viện. Nơi này nhỏ nên ít người lui tới, chừng năm, sáu độc giả vào đọc sách, đa số ngồi học thi như tôi. Không gian rất yên tĩnh, chẳng ai làm phiền ai.Có lần, ngồi cạnh tôi là một sinh viên trẻ, chắc hơn tôi chỉ một hai tuổi. Quanh chỗ anh toàn là sách và giấy đầy hình vẽ cấu hình không gian của phân tử. Tôi hỏi thăm, anh vừa xong chứng chỉ thâm cứu năm ngoái, đang làm luận án tiến sĩ đệ tam cấp. Chứng chỉ thâm cứu tương đương bằng cao học, còn tiến sĩ đệ tam cấp đại loại như phó tiến sĩ sau này. Hệ thống văn bằng này ảnh hưởng từ nền giáo dục Pháp, và chỉ có ở Đại học Khoa học. Quá nể đàn anh, trẻ tuổi, dáng thư sinh, đeo kiếng cận, học giỏi. Sự vì nể này cũng là động lực để tôi cắm đầu chạy nước rút.Có những chiều mưa, nhìn qua khung cửa thư viện, nhìn những giọt mưa rơi trên lá cũng thấy đôi chút bâng khuâng. Ba mươi năm sau, tôi quay lại nơi này - giờ là một bộ phận của Tổng lãnh sự quán Đức, để dự phỏng vấn xin visa. Nhân viên cơ quan không ai biết nơi đây đã từng là thư viện. Trong lòng tôi rất muốn lên lầu thăm lại chốn cũ, nhưng biết là bất khả vì vấn đề an ninh.Một tiệm sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Ảnh: CẦM PHAN Nhiều năm sau này tôi không còn vào thư viện nữa. Cách đây một năm, tôi vào Thư viện quốc gia để dự hội thảo. Bước ra ngoài thính phòng, thấy vài bạn trẻ ngồi dựa cột hành lang, chân duỗi dài, say mê đọc sách, có bạn cầm bút ghi chép… Thời buổi digital, AI tràn ngập, hình ảnh thư thả với sách vở đó thật hiếm hoi. Tôi ngắm nhìn mãi, chợt nhớ mình cũng từng có một thời thư viện hơn 50 năm trước, với đầy hoài bão và mơ mộng.■ Hồi còn học trung học tôi rất ít khi vào thư viện. "Thư viện" của tôi lúc đó là mấy tiệm hớt tóc, tạt vào để đọc báo… chùa. Chủ tiệm dễ dãi, quen mặt thằng nhóc nên cũng chẳng phiền hà. Đọc báo chủ yếu là xem truyện feuilleton đăng hằng ngày. Mỗi tiệm thường mua hai, ba đầu báo. Tôi đọc hết, vì mỗi báo có feuilleton khác nhau (trừ kiếm hiệp của Kim Dung thì báo nào cũng đăng vì quá ăn khách). Nếu rảnh, lại mò qua tiệm khác đọc báo khác.Nhựt báo ở Sài Gòn hồi đó ra buổi chiều, chứ không sáng sớm như bây giờ, khoảng bốn giờ chiều là báo đã lên sạp. Tan sở thì nhiều người bu vào sạp báo, đa số là những con nghiện feuilleton kiếm hiệp. Một thằng nhóc như tôi không có cửa để đọc báo chùa tại sạp báo, vì đó là chùa có trả phí. Chủ báo rên quá trời, vì trưa hôm sau báo bán không hết trả về kho, nhưng làm gì được nhau?Đọc feuilleton mỗi bài chỉ cỡ 1.000 chữ, đọc không quá mười phút là xong hết hai tờ báo. Xong feuilleton thì coi lan qua cả tin tức thời sự, chuyện lá cải văn nghệ sĩ... Tuổi nhỏ đâu hiểu gì nhiều về chính trị, chính em, chuyện hậu trường hấp dẫn hơn. Tôi lại cả tin. Sau này mới biết những tin giựt gân toàn là chuyện phóng đại câu khách. Tags: Thư viện sáchThư việnThư viện Đắc LộĐọc sáchHọc bài
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công tác nhân sự ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của nhiệm kỳ tới THÀNH CHUNG 18/07/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc xác định rõ phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV và đây là nội dung đặc biệt hệ trọng.
Công nghiệp TP.HCM: Quy mô mới, cần tầm nhìn mới CÔNG TRUNG 18/07/2025 Siêu đô thị TP.HCM cần tái cấu trúc không gian công nghiệp kiểu "phân vai" cho TP.HCM (cũ), Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12: Xem xét công tác cán bộ, tiếp tục cải cách, đổi mới THÀNH CHUNG 18/07/2025 Sáng 18-7, Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị.
Bão Wipha sau khi vào Biển Đông có thể mạnh cấp 11-12, khả năng cao ảnh hưởng đến nước ta CHÍ TUỆ 18/07/2025 Bão Wipha khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong ngày 22-7. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có mưa lớn.