Mỹ - Trung hòa hoãn thương chiến

Sau hai ngày đàm phán liên tiếp (10 và 11-5), Trung Quốc và Mỹ đã ra tuyên bố chung về việc giảm mạnh thuế đối ứng áp lẫn nhau, cho thấy nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại đáng kể giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

thương chiến - Ảnh 1.

Nguồn: PBR, NHÀ TRẮNG - Dữ liệu: Ngọc Đức - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ngày 12-5, đại diện phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ (do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu) và Trung Quốc (do Phó thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu) tại Geneva (Thụy Sĩ) đã thông qua việc tạm đình chỉ các mức thuế trong vòng 90 ngày để tiến hành đàm phán.

Giảm vĩnh viễn 91% thuế quan

Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng giảm vĩnh viễn 91% thuế đối ứng đang áp lên nhau từ 125% xuống còn 34%. Với phần thuế 34% còn lại, trong 90 ngày tới, hai bên tạm đình chỉ thêm 24%.

Hết 90 ngày, nếu chưa có thêm thỏa thuận nào, mức thuế đối ứng 34% sẽ được phục hồi. Như vậy, mức thuế đối ứng Mỹ - Trung áp vào nhau sẽ chỉ còn 10% tính từ ngày 14-5 khi thỏa thuận có hiệu lực.

Tuy nhiên, chính quyền ông Trump hồi đầu nhiệm kỳ đã áp sẵn 20% thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và khoản thuế này không được thay đổi sau buổi đàm phán ngày 11-5. Do đó tổng thuế quan thực tế Washington tạm áp lên Bắc Kinh là 30%.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12-5 tại Geneva, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định: "Cả hai phái đoàn đều đồng thuận rằng không bên nào muốn tách rời nhau, và tất cả những gì xảy ra với mức thuế rất cao này tương đương với một lệnh cấm vận, điều mà không bên nào mong muốn.

Chúng tôi muốn thương mại. Chúng tôi càng muốn sự cân bằng trong thương mại. Và tôi cho rằng hai bên đều cam kết đạt được điều này".

Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc gọi tuyên bố chung là "bước đi quan trọng của cả hai bên nhằm giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn bình đẳng, từ đó đặt nền móng và tạo điều kiện để thu hẹp khoảng cách cũng như tăng cường hợp tác sâu rộng", theo Đài CNN.

Lời lẽ lạc quan và tích cực của Bắc Kinh lần này tương đối trái ngược với những tuyên bố cứng rắn trước đây.

Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang sau khi ông Trump công bố hàng loạt mức thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ, giới chức Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định sẽ chiến đấu tới cùng nhưng cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ "thể hiện thành ý" thông qua việc giảm thuế quan.

"Ly hôn văn minh"

Gần đây, Bắc Kinh đã thể hiện giọng điệu ôn hòa hơn sau khi ông Trump bày tỏ hy vọng đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn giữ quan điểm họ là bên bị tổn hại, đồng thời cam kết sẽ bảo vệ công lý và giữ vững các nguyên tắc của nước này trong suốt quá trình đàm phán thương mại với Mỹ.

Nhận định về tuyên bố chung Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo tuyên bố chung tuy giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới nhưng còn cách rất xa một thỏa thuận thương mại thật sự và chỉ mới là khởi đầu cho các vòng đàm phán tiếp theo.

Nói cách khác, một số nhà quan sát cho rằng kết quả đàm phán không làm thay đổi nhiều cục diện chung của quan hệ song phương Mỹ - Trung, vốn đang tiến gần hơn tới sự chia tách kinh tế toàn diện như một quy luật tất yếu, theo báo Washington Post.

"Đây là cách ly hôn văn minh hơn. Quá trình chia tách vẫn sẽ diễn ra. Thỏa thuận này không phải là giải pháp. Nó chỉ làm dịu tác động của sự phân tách để quá trình này diễn ra chậm và ít tốn kém hơn.

Về cơ bản, các cuộc gặp này là một nỗ lực và hy vọng sẽ thành công vì nó giúp chúng ta tránh được một cuộc suy thoái toàn cầu" - nhà kinh tế trưởng Alicia García Herrero phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) nhận định.

Trong khi đó, một số nhà phân tích lại cho rằng thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang lại ý nghĩa kinh tế và chính trị đối với cả hai bên, khởi động một quá trình dài hướng tới nhiều thỏa thuận thực chất nhằm giải quyết vấn đề thuế quan và các rào cản thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, thậm chí mở ra khả năng gặp gỡ trực tiếp giữa ông Trump và ông Tập.

Báo South China Morning Post dẫn lời Giám đốc điều hành Dan Ives tại Công ty chứng khoán Wedbush (New York, Mỹ) đánh giá thỏa thuận tạm hoãn thuế là kết quả tốt nhất có thể đạt được sau đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Ông khẳng định: "Rõ ràng đây chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình đàm phán sâu rộng và toàn diện hơn. Chúng tôi hy vọng các mức thuế này sẽ giảm đáng kể trong vài tháng tới khi các cuộc đàm phán diễn ra".

Tin vui cho hai nền kinh tế

Theo Đài CNN, cuộc chiến thuế quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.

Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý 1-2025 đã suy giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm mạnh vào tháng 4-2025 tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất của đất nước tỉ dân, vốn giảm nhanh nhất trong vòng 16 tháng qua tính đến tháng 4.

Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) Song Guoyou cho rằng thỏa thuận là một bước ngoặt lớn kể từ khi Washington khơi mào cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc kể từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, đem lại tin vui cho hai nền kinh tế.

Thị trường toàn cầu đồng loạt khởi sắc

Các thị trường tài chính trên toàn thế giới đã đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi Mỹ và Trung Quốc công bố thỏa thuận tạm thời nhằm giảm mạnh các mức thuế trả đũa lẫn nhau - một động thái được coi là bước ngoặt nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thông tin này đã ngay lập tức khiến các thị trường chứng khoán châu Á tăng mạnh. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng hơn 3%, trong khi chỉ số Hang Seng TECH bứt phá hơn 6%.

Các chỉ số chứng khoán trong nước của Trung Quốc cũng ghi nhận sự phục hồi rõ rệt: CSI 300 tăng 1,2% và Shanghai Composite tăng 0,8% ngay trước thời điểm chi tiết thỏa thuận được công bố, theo Hãng tin Reuters.

Đồng nhân dân tệ trong nước (CNY) đã tăng giá lên mức 7,2 CNY đổi 1 USD - mức cao nhất trong 6 tháng qua, trong khi đồng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài (CNH) cũng tăng hơn 0,5%.

Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 tăng 2,6%, tương tự với chỉ số Nasdaq 100 tăng vọt 3,8% - mức tăng tốt nhất trong hơn một tháng qua. Đồng USD cũng tăng thêm 0,9% so với các đồng tiền chủ chốt khác.

"Kết quả này vượt xa kỳ vọng thị trường. Trước đó chỉ cần hai bên ngồi lại đàm phán đã được xem là tín hiệu tích cực. Giờ đây cả thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ đều có lý do để tăng giá thêm" - ông William Xin, chủ tịch Quỹ đầu tư Spring Mountain Pu Jiang tại Thượng Hải, nhận định.

Tâm lý lạc quan cũng lan rộng khắp các thị trường tài chính thế giới. Nhiều thị trường chứng khoán như Tokyo, Seoul, Sydney, Đài Bắc và Wellington đều tăng điểm trong phiên đầu tuần.

Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán ở Paris và Frankfurt tăng hơn 1%, còn thị trường London cũng ghi nhận mức tăng nhẹ. Ở Mỹ, các hợp đồng tương lai chứng khoán cũng tăng hơn 1%.

Giá dầu thế giới tăng trên 2% nhờ kỳ vọng nhu cầu năng lượng sẽ phục hồi khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dịu bớt.

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala, gọi đây là "một bước tiến quan trọng" không chỉ đối với hai nước mà còn với cả thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế dễ tổn thương.

Sự xuống thang bất ngờ này đang mang lại hy vọng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp hai nước, cũng như giảm bớt rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang chịu sức ép từ chuỗi cung ứng đứt gãy và tâm lý hoang mang lan rộng.

Mỹ - Trung hòa hoãn thương chiến - Ảnh 2.Thỏa thuận thuế quan với Mỹ trong góc nhìn của Trung Quốc

Thỏa thuận thuế Mỹ - Trung đạt được tại Geneva được Trung Quốc đánh giá là bước đi tích cực, mở ra triển vọng nối lại đối thoại và giảm căng thẳng thương mại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên