Những người mãi mãi tuổi 17, đôi mươi

Câu chuyện về những người trẻ đã hiến dâng tuổi đôi mươi cho Tổ quốc.

đôi mươi - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tháng 7 mưa rả rích.

Bên kia màn hình điện thoại, mẹ tôi chăm chú nhìn lên tivi xem một video đã cũ, buông ra hai tiếng "Trẻ quá!" như bỏ rơi hai hòn đá xuống ao sâu, tiếng vang lạnh lẽo khô khốc bật ra rồi im lặng bao trùm.

Điện thoại vẫn còn trong cuộc gọi, nhưng mẹ không nói gì nữa, mắt dõi theo bước chân đi điều lệnh của các chú bộ đội diễu binh diễu hành, như không hề nhận biết được đang trong cuộc nói chuyện với tôi.

Tôi rón rén bấm vào hình chiếc điện thoại màu đỏ dừng cuộc gọi. Tôi muốn để mẹ yên trong chuyến tàu trở về ký ức, trong nỗi hoài niệm thương nhớ khôn nguôi về em trai của bà. 

Một chiến sĩ giải phóng quân mà xương thịt đã hơn nửa thế kỷ qua, hòa lẫn đâu đó, nơi ngọn cỏ lá cây, mảnh đất con sông của đất nước này.

"Trẻ quá!", không phải lần đầu tôi nghe mẹ nói câu này. Mẹ luôn kết thúc câu chuyện về cậu bằng hai từ mang dư âm của một tiếng tặc lưỡi đó mỗi khi có dịp. Rồi hệt như có ai, tức thì treo vào lưng mẹ một hòn đá ngàn cân. Bà chìm vào một vùng thương nhớ nặng trĩu, có khi còn là nước mắt chảy quanh.

Tôi biết mẹ đang nói các chú bộ đội mẹ xem trên tivi, những trẻ tráng rạng rỡ, quân phục sáng rực, thẳng thớm tinh tơm. Những trẻ tráng thời nào cũng được yêu mến bởi tác phong đĩnh đạc, thân thiện, phong thái "gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao". Những trẻ tráng gánh non sông trên vai mình.

Hơn cả, tôi biết mẹ đang nói đến em trai mẹ, chú bộ đội không cao như vậy, không tráng kiện khôi ngô như vậy. Chú bộ đội của gần nửa thế kỷ trước!

Chú bộ đội ruột rà của mẹ, 17 tuổi ra chiến trường, thùng thình trong bộ quân phục xanh màu lá. Bộ quân phục mẹ chỉ kịp nhìn thấy cậu mặc một lần. Bộ quân phục của lính chiến thời binh lửa, gần như không kịp giặt hết ướt rồi khô hết khô rồi ướt. Bộ quân phục theo cậu tôi về với đất.

Tháng 7, ngày giỗ cậu. Vẫn mưa rả rích.

Năm nào trong ngày giỗ cậu, không mẹ thì các cậu, các dì cứ hay lẩm nhẩm khấn: "Cậu thanh thản hén! Các cháu cậu lớn lên, bình an học hành tử tế, chứ không như chị em mình thời đó!". Rồi những người tóc trắng ấy, lúc thì chảy nước mắt, lúc khóe miệng không rõ mếu hay cười.

Lần nào tôi cũng cố hình dung trong lòng mẹ và các cậu dì đang diễn ra điều gì? Mỗi năm đôi lần, ngồi trước khối đá vuông nho nhỏ ghi tên em trai anh trai mình, bên trong không có hài cốt, chỉ là sương khói hư vô, họ nghĩ gì? Họ đau nhiều lắm phải không?

Tôi chưa bao giờ trả lời được, cũng không đong đo tính toán được. Có phép tính nào tính nổi những mất mát và hy sinh? Nhất là hy sinh khi người ta còn chưa kịp sống một đời?

Tôi chỉ biết cậu qua tình thương và ký ức của mẹ. Nhưng bất cứ khi nào nghe một khúc quân hành, thấy một bộ quân phục xanh màu lá, tôi chợt có cảm giác ngực trái nhói lên như thể cảm thấy cậu mình đang ở đó. Cảm thấy rất rõ giọng sũng nước và hai tiếng "trẻ quá" vang bên tai như tiếng vạc sành kêu sương mỗi sớm mai.

Tháng 7 tôi về. Nghĩa trang liệt sĩ sau cơn mưa, những hàng cây đại xanh mướt, đứng trang nghiêm trong không gian yên ắng.

Không có mẹ, tôi vẫn ngồi thật lâu, nơi có rất nhiều những khối vuông nhỏ nhắn y hệt nhau, như ngày còn sống các cậu, các chú, các bác, các ông mặc cùng một màu áo xanh vậy.

Tôi sẽ bắt chước mẹ đốt cả một bó nhang, cắm lên tất cả các mộ xung quanh thật nhiều nhất có thể. 

Tôi sẽ bắt chước mẹ ngồi thật lâu, nhìn khói bay lên rồi tan vào vùng không gian mênh mông rộng lớn trang nghiêm im ắng ấy để nhớ cậu tôi. Nhớ đến những người mãi mãi tuổi 17, đôi mươi.

Mãi mãi tuổi 17, đôi mươi - Ảnh 2.Người thương binh thành bác sĩ giúp đời

Buổi chiều ở Nha Trang, những cựu chiến binh và thương binh chiến trường Campuchia ngồi ôn ký ức buồn vui.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên