03/07/2025 09:15 GMT+7

Phát hiện 'siêu Trái đất' mới gần Hệ Mặt trời

'Siêu Trái đất' mới quay rất sát ngôi sao mẹ và hoàn thành một vòng quỹ đạo chỉ trong chưa đầy 4 ngày Trái đất.

Phát hiện 'siêu Trái đất' mới gần Hệ Mặt trời - Ảnh 1.

Hành tinh TOI-1846 b có kích thước gấp đôi và khối lượng gấp 4 lần Trái đất - Ảnh: newsbytesapp.com

Một nhóm nhà khoa học quốc tế vừa phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, được xếp vào loại "siêu Trái đất", quay quanh ngôi sao lùn đỏ TOI-1846 cách chúng ta khoảng 154 năm ánh sáng.

Theo công bố mới đăng trên kho lưu trữ arXiv, hành tinh này, mang tên TOI-1846 b, có kích thước gấp đôi và khối lượng gấp hơn 4 lần Trái đất.

TOI-1846 b được xác định nhờ dữ liệu của vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh TESS của NASA, kết hợp với các quan sát bổ sung từ mặt đất. Vệ tinh TESS, phóng lên năm 2018, chuyên tìm kiếm các hành tinh bằng phương pháp "quá cảnh" - khi hành tinh đi ngang qua mặt ngôi sao, làm giảm nhẹ độ sáng của nó. 

Đến nay, TESS đã phát hiện hơn 7.600 ứng viên ngoại hành tinh, trong đó 636 trường hợp được xác nhận.

Sau khi phát hiện tín hiệu quá cảnh quanh TOI-1846, nhóm nghiên cứu do ông Abderahmane Soubkiou tại Đài quan sát Oukaimeden (Morocco) dẫn đầu đã tiến hành đo đạc quang học đa màu và quan sát phổ để khẳng định đây là một hành tinh thực sự.

Theo kết quả phân tích, TOI-1846 b có bán kính khoảng 1,79 lần Trái đất, khối lượng gấp 4,4 lần, và mật độ trung bình 4,2 g/cm³ - gợi ý nó chứa nhiều nước hoặc vật liệu nhẹ. 

Hành tinh này quay rất sát ngôi sao mẹ, chỉ cách khoảng 0,036 đơn vị thiên văn (AU), tương đương khoảng 5,4 triệu km, và hoàn thành một vòng quỹ đạo chỉ trong chưa đầy 4 ngày Trái đất. Nhiệt độ bề mặt ước tính lên đến 568 độ K (khoảng 295 độ C).

Điều đáng chú ý là TOI-1846 b nằm trong "khoảng trống bán kính" - vùng kích thước mà các hành tinh xuất hiện thưa thớt, phân cách nhóm siêu Trái đất đá và các tiểu Hải Vương tinh khí quyển dày. Vùng chuyển tiếp này thường quanh mức bán kính 1,8 lần Trái đất, và sự tồn tại của TOI-1846 b có thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và tiến hóa của các loại hành tinh.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị cần tiếp tục đo vận tốc xuyên tâm của hành tinh để xác định thành phần cấu tạo chi tiết, dự kiến sẽ sử dụng thiết bị MAROON-X. Họ cũng cho biết chỉ số khả năng nghiên cứu quang phổ khí quyển (TSM) của hành tinh là 47, thấp hơn ngưỡng khoảng 90 thường được dùng để ưu tiên các mục tiêu khảo sát chi tiết bầu khí quyển.

Ngôi sao chủ TOI-1846 là một sao lùn đỏ nhỏ bé, chỉ bằng 0,4 lần kích thước Mặt trời và có khối lượng xấp xỉ 42% khối lượng Mặt trời. Nhiệt độ bề mặt sao khoảng 3.568 độ K (3.295 độ C) và tuổi đời được ước tính khoảng 7,2 tỉ năm - già hơn nhiều so với Mặt trời của chúng ta.

Phát hiện mới này không chỉ mở rộng danh sách các siêu Trái đất gần Hệ Mặt trời mà còn góp phần làm sáng tỏ khoảng trống bí ẩn trong sự phân bố kích thước hành tinh, đồng thời mang lại cơ hội nghiên cứu thành phần và khí hậu của những thế giới xa xôi.

Phát hiện 'siêu Trái đất' mới gần Hệ Mặt trời - Ảnh 3.Có gì ở ‘siêu Trái đất’ vừa được phát hiện?

TTO - Nhiệt độ bề mặt hơn 1.700 độ C, có tuổi đời gấp đôi Mặt trời, kích thước gấp rưỡi Trái đất… TOI-561b là một trong những ngoại hành tinh đặc biệt từng được quan sát trong nhiều năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên