
Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer (trái) và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (phải) tham gia Hội nghị bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hàn Quốc vào ngày 15-5 - Ảnh: REUTERS
Các nền kinh tế ASEAN đang đối diện áp lực phải đàm phán với Mỹ để có mức thuế quan thấp hơn Mỹ áp lên Trung Quốc, nhằm duy trì sự hấp dẫn của khu vực.
Nhiều khó khăn phía trước
Ngày 15-5 tại Hàn Quốc, cuộc họp cấp bộ trưởng của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) phát đi thông điệp cảnh báo xuất khẩu của khu vực này có khả năng sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay hoặc gần như không tăng, trong bối cảnh các nước phải đối phó với "bão thuế quan" từ Mỹ.
Theo báo cáo phân tích được công bố, APEC dự báo xuất khẩu của khu vực này sẽ chỉ tăng 0,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 5,7% của năm ngoái. Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực cũng bị cắt giảm, xuống còn 2,6%, từ mức 3,3% trước đó.
Ông Carlos Kuriyama, giám đốc chính sách của APEC, nhận định triển vọng xuất khẩu của khu vực bị hạ thấp là do tác động của thuế quan của Mỹ. Ông lưu ý chính phủ các quốc gia đang đàm phán, nhưng tình hình vẫn chưa trở lại được như trước tháng 4 - thời điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng hàng chục phần trăm lên nhiều nước.
Trong một tín hiệu lạc quan cho thương mại thế giới, Washington sau đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) vào cuối tuần trước đã đồng ý giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% trong 90 ngày.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định kết quả này đang gây áp lực lên nhiều nước ASEAN, khi họ phải quyết liệt đàm phán với Mỹ để đạt được thỏa thuận với mức thuế thấp hơn Trung Quốc.
Bà Joanne Lin, nghiên cứu viên cấp cao và điều phối viên của Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận xét nếu mức thuế quan sau ngày 12-8 của Bắc Kinh thấp hơn, sức hấp dẫn của một số nước ASEAN có thể bị giảm sút khi các nước này được xem là điểm đến của chiến lược chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc.
"Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Indonesia vốn đã hưởng lợi từ việc các công ty Trung Quốc di dời sản xuất trong thời kỳ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên đến đỉnh điểm", bà Lin cho biết.
Trong một khía cạnh khác, ông Thitinan Pongsudhirak, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện an ninh và nghiên cứu quốc tế của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nhận định thuế quan của ông Trump có thể sẽ khiến các nền kinh tế ASEAN phải cạnh tranh với nhau gay gắt hơn bao giờ hết khi hầu hết đều có thế mạnh xuất khẩu với cùng cơ cấu sản xuất.
Lấy ví dụ, ông Pongsudhirak cho biết Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đều sản xuất hàng điện tử, máy móc và linh kiện để bán ra nước ngoài. "Kết quả đàm phán song phương giữa Mỹ và các nước ASEAN sẽ rất quan trọng để xác định liệu các nước Đông Nam Á có thể duy trì lợi thế cạnh tranh hay có nguy cơ bị gạt ra ngoài trong bối cảnh thương mại toàn cầu được định hình lại", bà Lin nhận định.
Đối thoại vì nhau
Theo tường thuật của Hãng tin Yonhap, cuộc họp của các bộ trưởng APEC vừa qua tại Hàn Quốc nhộn nhịp với một loạt cuộc họp song phương, khi các nước thành viên cùng chia sẻ lo ngại và động lực hợp tác trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng chính sách thuế quan cứng rắn.
Tại đây, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In Kyo cũng đã thúc giục Việt Nam tích cực theo đuổi các thỏa thuận thương mại với Mỹ nhằm tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất ở Việt Nam. Trong tháng 1-2025, vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 1,25 tỉ USD, cao hơn nhiều so với con số 93,46 triệu USD ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận hồi giữa tháng 4 trong cao điểm căng thẳng thuế quan và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh việc hội nhập kinh tế hơn nữa giữa các nước ASEAN là cần thiết, trong đó có việc giải quyết các rào cản thuế quan và tăng cường hợp tác thương mại trong khu vực.
"Chúng ta nên hướng đến mục tiêu xóa bỏ 100% thuế quan trên toàn khu vực và thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN. Chúng ta nên tiếp tục giảm các rào cản phi thuế quan để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trên khắp ASEAN", ông Wong đề xuất.
Thương mại nội khối ASEAN duy trì ổn định ở mức 22%, cho thấy các quốc gia thành viên dù có thế mạnh xuất khẩu nhưng hầu hết phụ thuộc vào các thị trường ngoài khu vực.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Singapore cho rằng ASEAN cần nâng cấp hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Cùng tham dự hội nghị APEC nêu trên, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Malaysia Tengku Zafrul Aziz nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại giữa các quốc gia. Chia sẻ với Đài CNBC, Bộ trưởng Malaysia cho biết Kuala Lumpur và các nước ASEAN khác tin tưởng vào "hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ".
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, dự họp cùng các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, cũng thúc giục khu vực "cần đối thoại với Mỹ để tìm hiểu lý do tại sao chúng ta lại rơi vào tình trạng hiện nay và làm gì để giải quyết vấn đề này".
Thuế suất thấp nhất sẽ là 10%?
Theo quan sát của bà Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich, thỏa thuận mà Washington đã đạt được với Trung Quốc và Anh cho thấy mức thuế suất cơ bản 10% sẽ được duy trì.
Điều này là tín hiệu cho thấy Mỹ khó có thể giảm mức thuế suất xuống 0. Bà Elms nói thêm rằng vì các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc còn kéo dài ít nhất 90 ngày, các nước ASEAN sẽ khó xác định họ có thể đồng ý với các điều kiện nào, khi chưa biết được Mỹ - Trung sắp tới có thể đạt được mức thỏa thuận nào.
BÌNH LUẬN HAY