
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: AFP
Ông Zelensky cảm ơn ông Trump vì hỗ trợ Ukraine
Ngày 14-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông Trump công bố kế hoạch gửi vũ khí mới cho Ukraine.
"Đó là một cuộc trò chuyện rất tốt đẹp. Tôi cảm ơn ông ấy vì đã sẵn sàng hỗ trợ Ukraine và tiếp tục hợp tác để chấm dứt sự giết chóc và thiết lập một nền hòa bình lâu dài, công bằng", ông Zelensky viết trên Telegram.
Nhà lãnh đạo Ukraine đồng thời cho biết ông Trump đã nhất trí thường xuyên trao đổi hơn và "tiếp tục phối hợp các bước đi".
Tổng thống Ukraine cũng thông báo về cuộc điện đàm tốt đẹp với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte.
Trước đó, Tổng thống Trump bày tỏ thất vọng với Tổng thống Vladimir Putin và cho biết Mỹ sẽ chuyển hàng tỉ USD vũ khí cho Ukraine. Ông cũng cảnh báo áp lệnh trừng phạt đối với các nước mua hàng xuất khẩu của Nga, nếu Matxcơva không đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày.
Điện Kremlin đáp trả phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Đức
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố binh sĩ nước này sẵn sàng tiêu diệt binh sĩ Nga nếu Matxcơva tấn công một quốc gia thành viên NATO.
Theo Hãng thông tấn Tass (Nga), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14-7 đã lên tiếng về phát biểu của ông Pistorius.
"Nước Đức đang trở nên nguy hiểm trở lại", ông Peskov nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ khó tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng Đức lại có thể đưa ra một tuyên bố như vậy.
"Nhưng đáng tiếc là ông ấy đã nói thế", ông Peskov nhấn mạnh.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov - Ảnh: REUTERS
EU dọa đáp trả thuế Mỹ, ông Trump tuyên bố sẵn sàng đàm phán
Ngày 14-7, Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Mỹ cản trở nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại và cảnh báo sẽ áp thuế trả đũa nếu Mỹ thực thi mức thuế 30% với hàng hóa EU từ ngày 1-8.
EU đang tiến gần đến khả năng đáp trả hơn sau cuộc họp các bộ trưởng tại Brussels vào ngày 14-7.
Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic tin rằng "vẫn có khả năng tiếp tục các cuộc đàm phán" nhưng bày tỏ sự thất vọng khi Washington không đạt được thỏa thuận với đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Ông cho biết EU đã nhất trí sẽ thực hiện biện pháp đối phó nếu đàm phán thất bại.
Trước đó, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani tiết lộ EU đã chuẩn bị danh sách thuế trị giá 21 tỉ euro (24,5 tỉ USD) đánh vào hàng Mỹ nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.
Cùng ngày, Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng tiếp tục thảo luận thêm với EU cũng như các đối tác khác trước thời hạn áp thuế 30%, đồng thời xác nhận phái đoàn EU sẽ sang Mỹ đàm phán.
"Họ muốn đạt được một thỏa thuận khác và chúng tôi luôn sẵn sàng đàm phán, kể cả với châu Âu. Thực tế là họ đang đến. Họ muốn trao đổi", ông chủ Nhà Trắng tiết lộ thông tin.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận cà chua với Mexico
Ngày 14-7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo rút khỏi thỏa thuận năm 2019 về việc đình chỉ điều tra chống bán phá giá với cà chua tươi nhập khẩu từ Mexico, đồng thời sẽ áp thuế 17,09% đối với phần lớn cà chua nhập khẩu từ quốc gia này.
Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế 30% với hàng nhập khẩu Mexico từ ngày 1-8, do các cuộc đàm phán thương mại song phương kéo dài nhiều tuần không đạt kết quả.
Thỏa thuận cà chua Mỹ - Mexico được ký từ năm 1996 nhằm giúp nhà sản xuất Mỹ cạnh tranh công bằng, từng được gia hạn năm 2019 để tránh điều tra chống bán phá giá và tranh chấp thuế quan. Năm ngoái, Mexico xuất khẩu 3,3 tỉ USD cà chua, phần lớn sang Mỹ.
Các bang ở Mỹ kiện ông Trump vì giữ lại 6,8 tỉ USD ngân sách cho trường học
Ngày 14-7, một liên minh gồm 24 bang (hầu hết do Đảng Dân chủ lãnh đạo) và Washington D.C đã khởi kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên một tòa án liên bang, phản đối việc chính quyền giữ lại 6,8 tỉ USD tài trợ liên bang dành cho các trường phổ thông đã được Quốc hội phê duyệt.
Các khoản ngân sách bị đóng băng bao gồm tiền hỗ trợ giáo dục cho người nhập cư và làm nông và con cái của họ, tuyển dụng và đào tạo giáo viên, chương trình dạy tiếng Anh, bồi dưỡng học thuật, cũng như các lớp ngoại khóa và chương trình hè.
Bộ Giáo dục Mỹ cho biết lý do dừng giải ngân trước thời hạn 1-7 là do chuyển giao chính quyền. Đây là vụ kiện mới nhất trong chuỗi tranh chấp giữa các bang do Đảng Dân chủ dẫn dắt và chính quyền Trump về ngân sách liên bang.
Trung Quốc: Kinh tế 6 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định
Theo TTXVN, thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 21,79 nghìn tỉ nhân dân tệ (NDT), tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 13 nghìn tỉ NDT, lần đầu tiên cán mốc này trong lịch sử; nhập khẩu đạt 8,79 nghìn tỉ NDT, dù giảm 2,7% so với năm trước nhưng mức giảm đã thu hẹp 1,1 điểm % so với 5 tháng đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất nhập khẩu ở mức 20 nghìn tỉ NDT, tạo ra mức cao mới so với cùng kỳ các năm trước.
Trong quý 2, xuất nhập khẩu tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 3,2 điểm % so với quý 1, duy trì mức tăng liên tục trong 7 quý.
Về vấn đề thương mại Trung - Mỹ, số liệu cho thấy trong nửa đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc với Mỹ đạt 2,08 nghìn tỉ NDT, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ, thương mại Trung - Mỹ đã chuyển từ tăng trưởng trong quý 1 sang giảm trong quý 2, với mức giảm lên tới 20,8%.
Gần đây, các cuộc đàm phán thương mại tại Geneva và London đã đạt được những tiến triển tích cực, giúp thương mại Trung - Mỹ có dấu hiệu phục hồi. Trong tháng 6, giá trị xuất nhập khẩu đã tăng trở lại từ mức dưới 300 tỉ NDT trong tháng 5 lên trên 350 tỉ NDT, với tỉ lệ giảm cũng đã thu hẹp đáng kể.
Nâng niu hổ Siberia

Bé hổ Siberia quý hiếm, 1 trong 4 con hổ sinh tư ở Đông Đức tháng 5 vừa qua, được tiêm mũi vắc xin đầu tiên tại một sở thú ở thành phố Magdeburg, Đức ngày 14-7 - Ảnh: REUTERS
BÌNH LUẬN HAY