TTCT - Bất chấp chính sách và kỳ vọng của chính quyền Bắc Kinh, các gói kích thích cho đến nay vẫn được coi là thiếu hiệu quả. Mua rau củ tại một phiên chợ ngoài trời ở Bắc Kinh. Ảnh: ReutersĐầu tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), tức ngân hàng trung ương nước này, đã nới lỏng chính sách tiền tệ một lần nữa bằng cách cắt giảm lãi suất chuẩn vốn đã thấp nay chỉ còn 1,4%, và giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Các biện pháp này dự kiến sẽ bổ sung thêm khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (139,5 tỉ USD) vào nền kinh tế. Đây là động thái mới nhất trong một loạt chính sách của chính phủ Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế đang trì trệ.Thật khó hiểu, vì nếu nền kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển tốt như chính quyền khẳng định thì tại sao lại cần các biện pháp kích thích liên tục như vậy? Bỏ qua những diễn ngôn tươi sáng về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2025, một loạt thông báo về chính sách tài khóa và tiền tệ đã được Bắc Kinh đưa ra kể từ tháng 9-2024 đến nay như những liệu pháp cho cố tật "tăng trưởng chậm". Các liều thuốc cũng tương đối "nặng đô".Hàng loạt gói kích thíchNgày 26-9-2024, giới lãnh đạo Trung Quốc cam kết triển khai "chi tiêu tài chính cần thiết" để thúc đẩy tăng trưởng, theo một cuộc họp của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế. Ngày 8-11, Chính phủ Trung Quốc công bố gói 10.000 tỉ tệ (1,39 ngàn tỉ USD) để giảm bớt căng thẳng tài chính của các chính quyền địa phương và ổn định tăng trưởng. Ngày 17-12, Reuters đưa tin Bắc Kinh sẽ nhắm mục tiêu thâm hụt ngân sách là 4% GDP vào năm 2025, trong khi vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%. Rồi một ngày trước Giáng sinh năm ngoái, cũng Reuters đưa tin nhà chức trách Bắc Kinh đồng ý phát hành 3.000 tỉ tệ (409 tỉ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt vào năm 2025, đây là số công khố phiếu hằng năm cao nhất từng được ghi nhận.Đầu năm nay, đến lượt một gói kích thích mới dành cho người tiêu dùng cá nhân, khi hàng triệu công chức khắp Trung Quốc được tăng lương bất ngờ. Cú hích này bơm thanh khoản từ khoảng 12 đến 20 tỉ USD vào nền kinh tế.Thông điệp là rất rõ ràng: Nhà nước hy vọng người dân tiêu dùng nhiều hơn. Tại cuộc họp lưỡng hội vào đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng Lý Cường đã đề cập từ "tiêu dùng" 31 lần trong báo cáo (so với 21 lần năm ngoái). Ông Lý cam kết mở rộng các biện pháp kích thích tài chính để hỗ trợ tiêu dùng và giảm bớt tác động của cuộc thương chiến leo thang với Mỹ.Tuy nhiên, bất chấp chính sách và kỳ vọng của chính phủ Bắc Kinh, các gói kích thích cho đến nay vẫn được coi là thiếu hiệu quả.Vào giữa tháng 6-2025, hãng tin CNBC (Mỹ) dẫn các chuyên gia nói ít có dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc sẽ sớm tăng trở lại, chủ yếu do sự không chắc chắn về thu nhập trong tương lai, sở thích thay đổi và thiếu mạng lưới an sinh xã hội.Đã 4 tháng liên tiếp giá tiêu dùng giảm ở nước này, và niềm tin của người tiêu dùng đang dao động gần mức thấp lịch sử. Không khả quan hơn nhiều so với các năm trước, thị trường bất động sản vẫn đang vật lộn để phục hồi.Ảnh: ReutersDân chúng vẫn tiết kiệmHành vi của người dân Trung Quốc đã không phản ánh kỳ vọng của các chính sách kích cầu. Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, viết trên tờ Financial Times ngày 30-4 rằng vấn đề của Trung Quốc là tiết kiệm quá mức, chứ không phải dư thừa năng lực sản xuất. Giáo sư Pettis lập luận rằng tỉ lệ tiết kiệm trong nước cao mang tính cấu trúc là kết quả của chiến lược phát triển thúc đẩy sản xuất để xuất khẩu đã kéo dài nhiều thập kỷ ở Trung Quốc. Tăng trưởng thu nhập hộ gia đình từ lâu đã tụt hậu so với tăng trưởng năng suất, khiến người Trung Quốc không thể tiêu thụ phần lớn những gì họ sản xuất ra. Điều này làm tình trạng dư thừa sản xuất thêm trầm trọng. Bắc Kinh xuất khẩu hàng hóa dư thừa so với nhu cầu sang nước ngoài, và lại gây thêm căng thẳng thương mại.Tỉ lệ tiết kiệm cao ở Trung Quốc cũng xuất phát từ yếu tố nhân khẩu học. Trong những năm 2000 và 2010, một bộ phận lớn lực lượng lao động trẻ tích lũy của cải khi nền kinh tế bùng nổ. Các cải cách nhà ở trong những thập kỷ qua đã khuyến khích người lao động tiết kiệm để mua nhà và sở hữu bất động sản. Tỉ lệ tiết kiệm cao đi ngược mong muốn thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, do đó, là vấn đề có tính hệ thống.Số liệu thống kê cũng cho thấy các hộ gia đình Trung Quốc từ lâu đã duy trì tỉ lệ tiết kiệm vào loại cao nhất thế giới. Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỉ lệ này luôn cao hơn các nền kinh tế lớn khác kể từ khi có dữ liệu toàn diện vào năm 2000. Báo cáo Khảo sát người gửi tiền đô thị quý 1-2024 do PBC công bố cho thấy tỉ lệ người tiêu dùng thích tiết kiệm nhiều hơn thay vì chi tiêu nhiều hơn lên tới 61,8%. Ngay cả khi các hộ gia đình sẵn sàng chi tiêu thì lựa chọn hàng đầu vẫn là giáo dục và chăm sóc sức khỏe, thực chất là những khoản đầu tư cho con cái và tương lai, chứ không phải là tiêu dùng đúng nghĩa.Trung Quốc từ xa xưa đã là một quốc gia của những người tiết kiệm. Trong một nghiên cứu của hai giáo sư Shang-Jin Wei và Xiaobo Zhang tại Trường Kinh doanh Columbia, các tác giả cũng cho rằng tỉ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao của Trung Quốc là không có đối thủ trong các nền kinh tế lớn. Thống kê này phản ánh sự mất cân bằng của nền kinh tế khi Trung Quốc đang gặp thách thức trong duy trì xuất khẩu và mở rộng thị trường nước ngoài. Bằng cách giảm tỉ lệ tiết kiệm, Trung Quốc có thể đạt được tăng trưởng cân bằng hơn với tỉ trọng đáng kể hơn từ tiêu dùng trong nước.Ảnh: ReutersGiữa năm ngoái, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đã có bài kể về một người đàn ông 58 tuổi tên là Li Zhong tham dự Triển lãm xe RV (dạng có toa kéo nhà) ở Thượng Hải, với ước mơ mua một chiếc và đi khắp đất nước cùng vợ. Nhưng ý định đã bị hoãn lại. "Chúng tôi đang chờ thêm vài năm nữa để xem mọi thứ, tình hình tài chính có ổn hơn không", người đàn ông sắp nghỉ hưu cho biết. Các quyết định mua sắm lớn bị tạm hoãn lại này là khá điển hình với nhiều người lớn tuổi như ông khắp Trung Quốc, vì họ thấy mình có tình hình tài chính tệ hơn dự kiến khi nghỉ hưu.Hệ thống an sinhNgoài việc tăng trưởng thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở Trung Quốc vẫn tương đối chậm, tâm lý người tiêu dùng cũng đang bị kìm hãm do thiếu tin tưởng vào hệ thống lương hưu và an sinh phúc lợi. Quyết định cắt giảm chi tiêu và không mong chờ quá nhiều vào lương hưu thể hiện từ sự thiếu tự tin vào mạng lưới an sinh vốn còn yếu. Tiến sĩ Lưu Tông Viên, nghiên cứu viên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), nói trên trang web của Trường Kinh doanh Cheung Kong (CKGSB) vào cuối tháng 5: "Gánh nặng tài chính do hệ thống an sinh xã hội và hưu trí thiếu thốn của Trung Quốc đang gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Bắc Kinh vì nó không chỉ gây nguy hiểm cho triển vọng tăng trưởng kinh tế, mà còn tác động đến sự gắn kết xã hội lâu dài".Hệ thống lương hưu của Trung Quốc được phân cấp cao, với hầu hết trách nhiệm quản lý thuộc về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khả năng trang trải chi phí lương hưu của chính quyền địa phương hiện bị thách thức nghiêm trọng vì họ cũng đang vật lộn với thu nhập giảm và các khoản nợ khổng lồ.Theo số liệu của Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc được CKGSB dẫn lại, tính đến cuối tháng 3-2025, cả Trung Quốc có 1,07 tỉ người tham gia hệ thống lương hưu, bao gồm 536 triệu người tham gia chế độ bắt buộc và 535 triệu người tham gia chế độ tự nguyện. Có sự khác biệt trong khoản chi trả giữa cư dân ở các thành phố cấp 1 như Thượng Hải và những người ở vùng nông thôn và làm việc không chính thức.Bất bình đẳng thu nhập phản ánh trong bản chất của hệ thống lương hưu có tác động dây chuyền đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế hộ gia đình, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và tích lũy của cải. Theo tiến sĩ Lưu, các hộ gia đình có lương hưu an toàn có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào chất lượng cuộc sống, trong khi những hộ gia đình có lương hưu kém an toàn hơn có thể ưu tiên tiết kiệm, điều sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.Mặc dù việc mở rộng lương hưu cơ bản của Trung Quốc cho khoảng 3/4 dân số đã được các tổ chức như Ngân hàng Thế giới ca ngợi, hệ thống này vẫn còn xa mới hoàn hảo. Nỗi lo về chi phí chăm sóc sức khỏe, giáo dục và lương hưu trong tương lai khiến người dân phản ứng bằng cách tiết kiệm nhiều hơn. Mà không có tiêu dùng thì khó có tăng trưởng.■ Đến năm 2040, ước tính có 402 triệu người, hoặc 28% dân số Trung Quốc, sẽ trên 60 tuổi. Lúc đó, dân số Mỹ dự kiến sẽ là 379 triệu, tức chỉ 15 năm nữa, dân số trong độ tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt toàn bộ dân số Mỹ. Tags: Ngân hàng Nhân dân Trung QuốcFinancial TimesDân số Trung QuốcWall street journalMỹ
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước nào làm ăn với Nga DUY LINH 14/07/2025 Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước giao thương cùng Nga nếu Matxcơva không đạt thỏa thuận ngừng bắn Ukraine trong 50 ngày.
Khởi tố 18 bị can ở Cục An toàn thực phẩm nhận hối lộ hơn 75 tỉ đồng để cấp khống giấy tờ DANH TRỌNG 14/07/2025 Tối 14-7, Bộ Công an cho biết văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Giám đốc Công an Hà Nội: Ở thủ đô sẽ không có cảnh sát giao thông ngoài phố, thay thế bằng camera AI PHẠM TUẤN 14/07/2025 Giám đốc Công an Hà Nội cho biết dự kiến đến 18-12, khi lắp đủ camera AI, giao thông Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông nữa.
Cách cựu trợ lý của cựu chủ tịch Quốc hội 'tác động' cho Tập đoàn Thuận An THÂN HOÀNG 14/07/2025 Ông Phạm Thái Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu trợ lý của nguyên chủ tịch Quốc hội, bị viện kiểm sát truy tố với cáo buộc nhận 750 triệu đồng sau khi có tác động giúp Tập đoàn Thuận An trúng thầu.