‘Viết tiếp giấc mơ độc lập của những người ngã xuống’

Với ba không gian "Từ chiến hào vọng mãi", "Dấu chân người lính" và "Viết tiếp bản hùng ca", người dân, du khách sẽ hiểu thêm về chặng đường ông cha ta viết nên câu chuyện hòa bình.

‘Viết tiếp giấc mơ độc lập của những người ngã xuống’ - Ảnh 1.

NGND, TS Phạm Ngọc Anh - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, từng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - chia sẻ tại bảo tàng - Ảnh: ĐỨC ANH

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức chương trình "Viết tiếp giấc mơ độc lập của những người ngã xuống".

Chương trình nhằm tri ân và tôn vinh những hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh qua các thời kỳ đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Chương trình gồm nhiều hoạt động ý nghĩa, giàu tính trải nghiệm với ba hoạt động chính: Từ chiến hào vọng mãi, Dấu chân người lính và Viết tiếp bản hùng ca.

‘Viết tiếp giấc mơ độc lập của những người ngã xuống’ - Ảnh 2.

Nhiều hiện vật được trưng bày mang đến cho du khách những câu chuyện sống động về năm tháng ông cha ta chiến đấu gian khổ để viết nên giấc mơ độc lập - Ảnh: ĐỨC ANH

Tại không gian Từ chiến hào vọng mãi, khách tham quan sẽ được xem phim tư liệu ngắn Những điều chưa kể, tái hiện chân thực hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ, các thương bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng từ chiến trường khốc liệt đến cuộc sống thời bình đầy nghị lực.

Không gian Dấu chân người lính giới thiệu những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về các anh hùng liệt sĩ từ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ đến công cuộc gìn giữ hòa bình hôm nay.

Tiêu biểu như Huân chương Quân công hạng nhì của anh hùng Bế Văn Đàn, đài bán dẫn của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, áo quân phục của liệt sĩ Lê Đình Chính, khẩu pháo 37mm của Tiểu đoàn 234 (Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân), bộ quân phục dã chiến K17 và áo phao của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, bộ dụng cụ quân y của liệt sĩ Phạm Hữu Huyên...

‘Viết tiếp giấc mơ độc lập của những người ngã xuống’ - Ảnh 3.

Không gian Viết tiếp bản hùng ca - Ảnh: ĐỨC ANH

Hình ảnh thương binh, bệnh binh "tàn nhưng không phế", cùng những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa… được giới thiệu như minh chứng sống động cho truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Nội dung được trình bày dưới dạng slide thuyết minh, tờ thông tin A5 kèm mã QR giúp người xem tìm hiểu sâu hơn.

‘Viết tiếp giấc mơ độc lập của những người ngã xuống’ - Ảnh 4.

Các cán bộ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh: ĐỨC ANH

Khách tham quan còn có dịp chiêm ngưỡng các cuốn sách, thư từ, nhật ký chiến sĩ, góc trưng bày chân dung bộ đội, các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh.

Qua đó, góp phần khắc họa hình ảnh hậu phương kiên cường, thầm lặng hy sinh, chở che những ước vọng hòa bình cùng tiền tuyến.

Không gian Viết tiếp bản hùng ca sẽ là điểm dừng lắng đọng, nơi khách tham quan có thể viết lời tri ân và dán lên cây tri ân để bày tỏ lòng biết ơn đến các anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh.

Các ca khúc cách mạng bất hủ sẽ vang lên, chạm sâu cảm xúc, nhắc nhở mỗi người về giá trị của độc lập, tự do.

Thông tin về các hoạt động của bảo tàng sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang tin điện tử Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không có điều kiện tham quan có thể tìm hiểu.

‘Viết tiếp giấc mơ độc lập của những người ngã xuống’ - Ảnh 5.Thăm làng chài thép anh dũng Vịnh Mốc yên bình buổi bình minh, mua cá tươi chỉ 10.000 đồng

Những chiếc thuyền chở đầy tôm cá cập bến, người nhặt cá, người gỡ lưới…, buổi sớm ở làng chài Vịnh Mốc hối hả, rộn rã tiếng cười.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0