Quy đổi điểm xét tuyển đại học: Mỗi trường quy đổi một kiểu khiến thí sinh 'rối tung rối mù'

Không chỉ băn khoăn trước cách quy đổi điểm xét tuyển đại học giữa các phương thức năm nay, nhiều ý kiến đặt vấn đề liệu đã đủ công bằng chưa?

xét tuyển - Ảnh 1.

Phụ huynh, học sinh tham dự Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2025 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: HOÀNG THI

Năm 2025, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bảng bách phân vị và độ lệch giữa điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT, làm căn cứ để các trường đại học quy đổi giữa các phương thức xét tuyển.

Thí sinh và phụ huynh lo bị rớt oan 

Bài viết "Quy đổi điểm xét tuyển đại học: Liệu đã công bằng?" chỉ ra thực tế việc không có một công thức chung dẫn đến tình trạng mỗi trường quy đổi một kiểu, cùng một mức điểm nhưng ra các kết quả quy đổi khác nhau đáng kể, có khi chênh lệch đến gần 4 điểm trên thang 30.

Chẳng hạn, thí sinh đạt 100 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể được quy đổi thành 24,25 điểm ở Trường đại học Công nghiệp Hà Nội nhưng lại lên đến 27,75 điểm ở trường khác. 

Với điểm học bạ, nhiều trường cũng buộc phải trừ điểm mạnh tay, chẳng hạn có nơi giảm 2 điểm, vì thống kê cho thấy điểm học bạ thường cao hơn nhiều so với điểm thi thật.

Trong bối cảnh đó, nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng mình sẽ bị rớt oan chỉ vì chọn nhầm trường có cách quy đổi bất lợi.

"Rối tung rối mù cả lên!", bạn đọc Do Nhat thốt lên khi theo dõi những bảng bách phân vị và cách quy đổi chênh lệch từ 2 đến gần 4 điểm giữa các trường.

Bạn đọc Hải bày tỏ: "Ngày càng rối với cách tính điểm tuyển sinh năm nay. Phụ huynh giờ muốn tìm hiểu, tham khảo cách thức tuyển sinh từng trường để tư vấn, hướng nghiệp cho con cũng khó".

Trong khi đó, bạn đọc Phong nhớ lại sự đơn giản trước đây: "Chỉ cần một kỳ thi tốt nghiệp để tốt nghiệp, một kỳ thi riêng để xét tuyển đại học là dễ hiểu và công bằng nhất".

Từ góc độ thực tế, bạn đọc Thủy nhận xét thẳng: "Đề toán và tiếng Anh năm nay khó như vậy, không chênh học bạ mới lạ".

Còn theo bạn đọc Minh Phương, quy đổi học bạ cũng chẳng công bằng gì hơn. Nhất là khi nhiều thống kê cho thấy điểm học bạ luôn cao hơn điểm thi thực tế từ 1 đến hơn 2 điểm.

Trong khi đó, bạn đọc Thái Hòa cho rằng việc quy đổi điểm là cần thiết để có sự thống nhất, nhưng cách quy đổi cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Liệu việc đặt nặng một số môn nhất định có vô tình tạo ra áp lực học lệch và bỏ qua những năng khiếu khác của học sinh?

Tương tự, theo một số bạn đọc, không thể có sự công bằng tuyệt đối, và mỗi trường nên có quyền chủ động lựa chọn cách quy đổi phù hợp. "Nên để các trường tự do quy đổi để việc xét tuyển thuận tiện nhất cho trường. Không thể có sự công bằng tuyệt đối ở đây", bạn đọc Thanh Tùng nhìn nhận. 

Dấu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu

Từ góc nhìn khác, một số bạn đọc lại đặt câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu. 

Tài khoản sond…@gmail.com nêu rõ: "Ai kiểm chứng được tính chính xác của số liệu do các đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cung cấp? Nếu họ tự điều chỉnh có lợi cho trường mình thì sao? 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần giải thích rõ bảng bách phân vị, chứ đánh số từ 1 đến 100 mà chẳng biết đó là gì".

Một số bạn đọc cho rằng sự linh hoạt cũng cần đi kèm với hướng dẫn thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Bạn đọc Thiện Nhân kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo "lắng nghe giáo viên, học sinh, chuyên gia để đưa ra phương án tối ưu, tránh gây áp lực học lệch và thi cử trùng lặp".

"Không thể quy đổi cào bằng giữa các môn vốn có đặc thù riêng. Cần phương pháp đánh giá linh hoạt hơn, để không bỏ rơi những em có năng lực thật sự ở những môn ít được ưu tiên", bạn đọc Khả Tú bổ sung.

Bạn đọc Phan Sơn "hiến kế" Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng lại hệ thống đánh giá gọn và hiệu quả hơn. Trước hết có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay và chỉ cấp chứng nhận tốt nghiệp dựa trên việc kiểm soát chặt khâu đề thi, coi thi và chấm thi từng môn trong chương trình phổ thông.

Sau đó có thể thành lập một ban xét tuyển đại học chung, chia thành ba phân ban theo khối ngành: tự nhiên, xã hội và chuyên biệt (như y khoa). Mỗi phân ban sẽ ra đề và chấm thi riêng, cung cấp kết quả cho các trường đại học theo từng nhóm ngành.

Cách làm này theo phụ huynh sẽ giúp học sinh chỉ cần thi một đến hai lần là đủ, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và giảm áp lực cho cả gia đình. 

Đồng thời, việc sử dụng chung một hệ thống thang điểm cũng giúp đánh giá chính xác chất lượng đào tạo và phản ánh trung thực năng lực xét tuyển của từng trường.

Quy đổi điểm xét tuyển đại học: Công bằng không? - Ảnh 3.Thêm 2 trường đại học ở TP.HCM công bố quy đổi điểm xét tuyển khác biệt

Trường đại học Ngân hàng TP.HCM và Trường đại học Công Thương TP.HCM vừa công bố điểm sàn và quy đổi điểm xét tuyển đại học hệ chính quy năm 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên