
Gia đình nhỏ yêu thương của Nhật Thuận - Ảnh: TRÚC QUYÊN
"TP.HCM là quê hương thứ hai của tôi. Điều này rất nhiều người đã nói, nhưng càng ngày tôi càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa câu nói ấy. Từ một thanh niên 18 tuổi xa quê vào đây học, chưa hình dung sau này mình sẽ như thế nào, nhờ thành phố này mà tôi có nhiều thứ, từ cơ hội làm ăn đến tổ ấm gia đình...", Nguyễn Đức Nhật Thuận (34 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ sau 16 năm học tập và khởi nghiệp tại miền đất hứa.
Hòa vào nhịp sống thành phố
Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn xuất khẩu mà miền trong gọi là bánh canh, nói về TP.HCM với từ bao dung. Anh cảm giác được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê như anh lập nghiệp và anh rất biết ơn điều đó.
Bên trong quán Cà Mèn của Thuận trên đường Hoa Sứ (quận Phú Nhuận), tầng dưới nhân viên tất bật phục vụ món cháo bột, bánh ướt, miến lươn xào... cho khách ăn trưa, tầng trên là văn phòng Công ty Cà Mèn.
Thuận chân chất trò chuyện với chúng tôi về những gì đã qua và dự định tương lai với ánh mắt sáng ngời, giọng Quảng Trị đặc sệt bên bức tường treo những bức ảnh, những câu thơ, sự kiện lịch sử của quê hương đất lửa.
Năm 2009, cậu thanh niên gầy rộc từ miền nông thôn xa xôi vào Nam học ngành xuất nhập khẩu tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. Lúc ấy Thuận cảm nhận một thành phố lạ lẫm của những con đường nhộn nhịp, ký túc xá mỗi phòng 24 bạn, của cảm giác xa quê, của những món ăn khác hương vị quê nhà.
Người dân thành phố thân thiện, nhịp sống năng động, Thuận nhanh chóng thích ứng, đi làm thêm, hè năm nhất còn phụ anh trai làm công trình.
Người sống xa quê mới hiểu cảm giác thèm món ăn quê hương. Ý nghĩ mang đặc sản quê hương vào Nam dần khơi lên trong Thuận khi dạo phố thấy nhiều quán ăn đa dạng nhưng rất hiếm món Quảng Trị. "Tôi ấp ủ ra trường sẽ mở quán ăn bán các món quê, cho vơi nỗi nhớ hương vị thân thuộc và quảng bá Quảng Trị nhiều hơn", anh nói.
Tốt nghiệp năm 2013 và làm việc cho một công ty về logistics mà anh đã thực tập trước đó, với thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, Thuận có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, giấc mơ năm nào vẫn thôi thúc.
Năm 2015, Thuận nghỉ việc, mở quán nhỏ Cà Mèn với 5 bộ bàn ghế nhựa ở quận Tân Phú ngay chỗ mình thuê trọ để bán bánh ướt với nguyên liệu từ quê gửi vào. Đó là món bánh ướt mỏng nhưng dẻo, cầm không dính tay, không dầu mỡ, không hàn the. Cách chế biến không cầu kỳ, gồm bánh ướt, thịt luộc, rau sống cắt nhỏ ăn kèm.
"Bánh bán trong ngày, dư qua ngày là bỏ. Có những ngày bỏ nhiều, tối ngủ tôi nằm suy nghĩ không biết mình chọn con đường này có đúng không. Nhưng động lực sâu xa để vững bước có lẽ chính là mình yêu quê, càng yêu hơn khi trong những cuộc chuyện trò, anh em đồng hương hay nhắc thèm món quê", anh bộc bạch.
Mấy tháng sau, quán vắng khách, Thuận nghĩ đến chuyện chuyển qua nơi mới. Năm 2016, cùng với vài người bạn cùng quê, người chuyên ngành quản trị, marketing... hỗ trợ cho nhau, anh dời quán Cà Mèn qua Phú Nhuận. Ngoài bánh ướt quán còn có cháo bột, miến lươn, bún lòng xào nghệ... Và sang năm 2017, quán đã có được ba chi nhánh.

Các sản phẩm Cà Mèn làm tại TP.HCM được xuất bán ở siêu thị châu Âu - Ảnh: NVCC
Những mối giao tình
Năm 2018, do phát triển nhanh nên việc kinh doanh của Thuận lại gặp khó, chỉ còn một quán. Anh kể: "Vợ chồng tôi trả lương thưởng cho nhân viên xong chỉ còn 500.000 đồng trong túi, càng thấm nỗi vất vả trong khởi nghiệp. Chưa kể những khoản nợ, có lúc phải đi cầm cả laptop để xoay xở. Nhưng chúng tôi tiếp tục cố gắng".
Mọi thứ dần ổn định trở lại thì dịch COVID-19 ập đến. Trải qua khó khăn thời điểm 2018 nên dù dịch không kinh doanh được, Thuận vẫn hóm hỉnh kể: "Tôi đã có độ lì rồi nên không lo lắng lắm. Chúng tôi xoay qua phục vụ cộng đồng bằng bếp yêu thương Cà Mèn.
Từ tháng 7 đến tháng 11-2021, mỗi ngày chúng tôi nấu 700 - 800 phần cơm cho bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Cứ 2-3h sáng dậy nấu, 10h xe của bệnh viện và các chiến sĩ đến nhận.
Có những ngày tiêm vắc xin về bị sốt nhưng không nghỉ vì sợ bà con những khu đó chờ cơm của mình".
Chính trong thời điểm này, Thuận càng cảm nhận tinh thần chia ngọt sẻ bùi của người dân TP.HCM trong khó khăn, đau thương. Biết bao người đã mở lòng, san sẻ với nhau. Thành phố trong đại dịch rất đau thương nhưng vẫn vô cùng dễ thương.
Sau một tuần nấu, Thuận không còn kinh phí mà nhóm ngại nhận ủng hộ, nhưng sau đó mọi người biết đến và góp vào.
Thời gian giãn cách đó, nhiều người hỏi anh các món đặc sản của quán có bán theo dạng đóng gói không, và anh quyết định dấn vào con đường này. Anh và các bạn tập trung nghiên cứu sản phẩm trong căn phòng trọ chỉ chừng 15m2.
Nửa cuối năm 2022, họ bắt đầu tung sản phẩm cháo bột đóng gói và gặt hái trái ngọt là những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên.
Đến nay, công ty và quán ăn, nhà xưởng của Thuận tạo việc làm cho người cùng quê và các bạn trẻ tại TP.HCM với hơn 50 nhân sự. Việc xuất khẩu mở rộng hơn 10 nước như Mỹ, Úc, Canada..., không chỉ Việt kiều mà người bản địa cũng ưa chuộng. Mỗi năm công ty xuất khoảng 10-15 container.
Thành phố tạo cơ hội cho những ai biết cố gắng
Tạm ngơi câu chuyện khởi nghiệp, Thuận dành nhiều cảm xúc nói về TP.HCM. Với anh, thành phố sôi động, có rất nhiều cơ hội trao cho những ai biết cố gắng.
Anh tâm sự: "Nhiều khi không phải thân thích ruột thịt, nhưng những cô chú, bạn bè trong thành phố luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho mình. Cô chú chủ nhà mùa dịch COVID-19 giảm tiền thuê, trước nay không tăng giá. Bây giờ mỗi khi gửi tiền nhà, cô chú hay hỏi cần hỗ trợ hay giảm tiền thuê không con?".
Từ một anh chàng quê tỉnh hồi trước còn nhiều lúng túng, rồi hòa vào nhịp khởi nghiệp của thành phố trẻ, Thuận tham gia các chương trình giao lưu, sinh hoạt cộng đồng khởi nghiệp, dự triển lãm quốc tế, từ đó học hỏi, kết nối nhiều mối quan hệ.
"Nhịp sống TP.HCM dường như giúp mỗi người cởi mở hơn, không e ngại với việc thay đổi, làm ăn. Vùng đất này cho mình những đức tính như sự hào sảng, cho đi...", Thuận nói.
Trong khả năng của mình, từ ngày đầu khởi nghiệp, anh và những cộng sự vào dịp rằm mỗi tháng thường tổ chức nấu 200-300 phần cơm tặng bà con khó khăn. Đây cũng là một việc nhỏ để anh đền đáp ân tình của mảnh đất thân thương.
Quen với cuộc sống nơi đây, Thuận chia sẻ đi đâu vài ngày là cảm thấy nhớ. Tên ở nhà của con gái 6 tuổi là Mèn, khi gọi mang âm hưởng thương hiệu Cà Mèn, vừa là câu "Mèn ơi" quen thuộc của người miền Nam.
Hành trình 10 năm tương đối dài nhưng Thuận tâm sự còn phải nỗ lực nhiều sau "cột mốc nhỏ xíu" này. Anh ấp ủ mở chuỗi quán và nhiều dự tính sẽ vươn xa như thành phố đang đổi thay, phát triển từng ngày.
Người đồng hành và hậu phương vững chắc nhất của Thuận là vợ anh - chị Trịnh Thị Thu Sương. Làm công ty bên ngoài nhưng tối về chị qua quán phụ giúp, kể cả dọn dẹp, rửa chén.
Ai cũng nói Thuận may mắn khi ở bên Sương vì chị hiểu anh, hiểu Cà Mèn nhất, luôn đưa ra những lời khuyên để điều chỉnh tốt hơn, cùng nghiên cứu sản phẩm, cải thiện cung cách phục vụ. Chị làm ở lĩnh vực triển lãm công nghiệp, có góc nhìn để anh tham khảo.
Nói về người bạn đời, chị Sương chia sẻ: "Chưa bao giờ hai đứa giận nhau quá hai ngày trong 8 năm qua. Chúng tôi luôn thấy may mắn vì có gia đình lớn ở quê ủng hộ, có Cà Mèn, có vợ, có chồng và bé Mèn để dù cuộc sống có mệt mỏi ra sao cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn".
*************
15 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền cùng lòng quyết tâm thay đổi cuộc đời.
>> Kỳ tới: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận