11/05/2025 10:26 GMT+7

Sớm công bố thủ tục lên tỉnh, về phường

Từ ngày 1-7, nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện cũng sẽ kết thúc.

bỏ cấp huyện - Ảnh 1.

Người dân tham khảo thông tin hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: HỮU HẠNH

Thời điểm bỏ cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang cận kề, vì thế cần sớm công bố các thủ tục hành chính (TTHC) trước đây do quận huyện thực hiện, thủ tục nào giao lên tỉnh và thủ tục nào đưa xuống phường để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện.

Bỏ cấp huyện, "chia" thủ tục

Tính đến ngày 9-5-2025, quận Bình Tân đang có 296 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận giải quyết. Trong đó có 176 thủ tục trực tuyến một phần và toàn trình trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP.

Trong số các TTHC, quận này thực hiện liên thông giữa các cơ quan liên quan, các cấp mang lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp như: liên thông về đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; liên thông về trao đổi thông tin theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; liên thông về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu;

Liên thông điện tử cấp chứng nhận số nhà; liên thông về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, trợ cấp người có công...

Theo Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu, các TTHC được bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC quận thực hiện theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Từ đầu năm 2025 đến nay, quận đã tiếp nhận 10.231 hồ sơ.

Trong đó hồ sơ tập trung vào một số TTHC mà người dân, doanh nghiệp thực hiện nhiều như lĩnh vực hộ kinh doanh (4.777 hồ sơ), lĩnh vực cấp phép xây dựng (2.198 hồ sơ), lĩnh vực chứng thực (2.045 hồ sơ), lĩnh vực quy hoạch (345 hồ sơ), lĩnh vực hộ tịch (268 hồ sơ)...

Tương tự tại quận 1, từ đầu năm 2025 đến nay, quận này tiếp nhận giải quyết 13.507 hồ sơ hành chính các loại.

Trong đó, bộ phận một cửa của quận tiếp nhận giải quyết nhiều thủ tục được người dân và doanh nghiệp thực hiện nhiều như đăng ký thành lập, tạm ngưng, chấm dứt, thay đổi nội dung hoạt động, cấp lại chứng nhận hộ kinh doanh (hơn 2.000 hồ sơ); cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (563 hồ sơ); thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch (139 hồ sơ)...

Như vậy, thời gian tới khi không còn cấp huyện thì với 296 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp này sẽ phải tính toán để "chia" cho chính quyền cấp xã và TP.HCM thực hiện.

bỏ cấp huyện - Ảnh 2.

Bỏ cấp huyện người dân làm thủ hành chính công trực tuyến. Trong ảnh: người dân quét mã QR tải ứng dụng “thủ tục trực tuyến” tại Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

90/99 nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về phường, xã

Dự kiến việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cũng như sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đang diễn ra sẽ không tổ chức chính quyền cấp huyện.

Theo dự kiến sẽ chuyển gần như tuyệt đối nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới, đồng thời tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp tỉnh xuống cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong 99 nhiệm vụ của cấp huyện, có tới 90 nhiệm vụ sẽ được chuyển xuống cấp xã. Điều này đồng nghĩa với việc khối lượng công việc của cấp xã, phường sẽ tăng đáng kể.

Mặt khác, trong từng loại hình đô thị, nông thôn, đặc khu sẽ tiếp tục được phân loại với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp năng lực của từng loại hình.

Trong đó, đặc khu ngoài chức năng nhiệm vụ của cấp xã còn bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn mang tính đặc thù của đặc khu cùng các cơ chế chính sách của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành riêng cho khu vực này.

Còn tại tờ trình gửi Chính phủ về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, Bộ Nội vụ nêu rõ chính quyền các xã, phường mới được tổ chức đủ HĐND và UBND.

Trong đó, HĐND cấp xã thành lập 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. Bên cạnh đó, HĐND cấp xã gồm chủ tịch, 1 phó chủ tịch; trưởng ban và 1 phó trưởng ban Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội; các đại biểu HĐND của cấp xã. 

UBND cấp xã gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch và ủy viên. Biên chế cấp huyện hiện nay sẽ chuyển để bố trí biên chế cho cấp xã mới. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của cấp huyện hiện nay nghiên cứu để cơ bản bố trí làm nòng cốt tại các cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.

Trong khi đó, theo dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cấp xã sẽ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã...

bỏ cấp huyện - Ảnh 3.

Dự kiến trụ sở phường Sài Gòn (TP.HCM) đặt tại số 45-47 Lê Duẩn - Ảnh: TỰ TRUNG

Sẵn sàng triển khai trung tâm hành chính công

Bên cạnh việc chờ Chính phủ phân định thẩm quyền giải quyết các TTHC khi chính quyền chỉ còn 2 cấp thì các địa phương tại TP.HCM cũng chủ động tính toán về phương án bố trí trụ sở, nhân sự, cơ sở vật chất (máy móc, công nghệ) để bảo đảm việc giải quyết TTHC được trơn tru.

Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho hay UBND quận chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát, thống kê lại các hồ sơ giải quyết TTHC cũng như các công việc còn tồn đọng. 

Từ đó có phương án giải quyết kịp thời các hồ sơ trên cơ sở kế thừa công tác sắp xếp các cơ quan chuyên môn trước đây. Về nhân sự thì UBND quận cũng đang rà soát, về cơ bản sẽ phân bổ đủ nguồn lực để tiếp nhận và giải quyết các TTHC sau sắp xếp. Đồng thời tiếp nhận công việc tại bộ phận trung tâm hành chính công dự kiến theo chủ trương cấp trên...

Còn ông Lê Tiến Sĩ, chánh văn phòng UBND quận 1, cũng cho hay nhằm đảm bảo tính liên tục trong công tác phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND quận 1 sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ công trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP.HCM.

"Các đơn vị hành chính mới sẽ cử đầu mối phối hợp Trung tâm chuyển đổi số TP, Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND TP thực hiện cập nhật, tiếp nhận toàn bộ hồ sơ đang được xử lý bởi đơn vị cũ theo phân công nhiệm vụ của đơn vị.

Đồng thời thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục thực hiện đăng ký hồ sơ và thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Ngoài ra sẽ bố trí đầu mối hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp khi người dân có nhu cầu đến trực tiếp...", ông Sĩ chia sẻ về giải pháp.

Đảm bảo bộ máy hoạt động ngay

Phát biểu tại thảo luận tổ về dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi ngày 7-5, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói điều ông quan tâm là phải quy định rất chi tiết, rõ ràng về điều khoản chuyển tiếp khi sắp xếp lại tỉnh/thành, xã/phường.

Việc này nhằm đảm bảo bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt, không gián đoạn bất cứ một giây phút nào. Điều này nhằm đảm bảo mọi quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển giao giữa chính quyền xã mới với chính quyền xã trước sắp xếp...

Ông đề nghị các ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ để rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm từ 0h ngày 1-7 các đơn vị hành chính mới hoạt động ngay lập tức, không để xảy ra khoảng trống pháp lý hoặc gián đoạn dịch vụ công.

Đề xuất UBND cấp xã cấp sổ đỏ

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai theo mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh, xã).

Một trong những đề xuất nổi bật là bộ đề xuất giao UBND cấp xã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) - công việc hiện nay do UBND cấp huyện đảm nhiệm. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, thuận lợi hơn trong hoàn thiện thủ tục đất đai.

Dự thảo cũng quy định rút ngắn quy trình giải quyết thủ tục khi chuyển một số thẩm quyền từ cấp huyện về cấp xã như giao đất ở cho cá nhân, cấp giấy chứng nhận lần đầu, một số bước đăng ký đất đai... Qua đó, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của chính quyền cơ sở.

UBND cấp xã cũng được đề xuất không cần xác nhận thêm điều kiện như sự phù hợp quy hoạch, tình trạng tranh chấp hay thời gian sử dụng đất ổn định trong một số thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Đây là những nội dung mà cấp xã đã thực hiện và được pháp luật công nhận. Bộ đề xuất làm rõ thẩm quyền của HĐND, UBND, chủ tịch UBND cấp xã và cơ quan chuyên môn cấp xã trong quản lý đất đai - chuyển giao một số nhiệm vụ vốn do cấp huyện đảm nhiệm...

bỏ cấp huyện - Ảnh 4.

Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND huyện Nhà Bè, TP.HCM. Nơi đây là trụ sở dự kiến xã Nhà Bè mới sau khi sắp xếp - Ảnh: TỰ TRUNG

* Đại biểu NGUYỄN MINH HOÀNG (TP.HCM):

Có cơ chế để cấp xã làm được việc, làm đúng, làm nhanh

Chủ trương giao hầu hết các thủ tục hành chính từ cấp huyện xuống cấp xã sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy để chủ trương này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, cần xác định rõ ràng thẩm quyền của cấp xã trong giải quyết các thủ tục được giao; đồng thời bố trí đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có đủ năng lực, phẩm chất và điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Nói cách khác, việc đang trao thêm quyền cho cấp cơ sở là cần thiết. Nhưng đi kèm với tăng quyền phải là tăng năng lực, phải có cơ chế phù hợp để bảo đảm cấp xã không chỉ gánh việc mà còn làm được việc, làm đúng, làm nhanh, làm vì dân vì doanh nghiệp.

Do vậy quy định pháp lý phải cụ thể về những thủ tục nào được chuyển, thẩm quyền ra sao, trách nhiệm thế nào trong từng tình huống pháp lý để tránh sự thiếu rõ ràng, sự thống nhất giữa các địa phương. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc giải quyết không đúng thẩm quyền, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc bố trí đội ngũ cán bộ công chức cấp xã như thế nào về số lượng, đảm bảo chất lượng trước yêu cầu mới cũng là thách thức lớn.

Nếu giao thêm quyền nhưng không đầu tư đúng mức cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ, chuẩn hóa trình độ, tăng cường công cụ làm việc và cải thiện điều kiện công tác sẽ khiến bộ máy cấp xã khó đáp ứng yêu cầu đặt ra, phụng sự tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Ở đây, việc bố trí đội ngũ cấp xã phải có đủ cán bộ chuyên môn sâu về pháp lý, địa chính, tài nguyên, xây dựng, công nghệ thông tin... Việc áp dụng chuyển đổi số, liên thông giải quyết các thủ tục trong nội bộ cấp xã và giữa cấp xã với cấp cao hơn cũng phải được tính toán, quy định kỹ lưỡng.

Mặt khác sau khi Quốc hội thông qua các luật, Chính phủ và các bộ ngành cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn rõ ràng danh mục các thủ tục hành chính được chuyển về cấp xã, cùng với đó là cơ chế giám sát kiểm tra trách nhiệm thực hiện.

Cùng với đó, ban hành tiêu chuẩn năng lực, khung năng lực vị trí việc làm đối với công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ mới, đồng thời có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng thường xuyên.

Đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ chính phủ điện tử và chuyển đổi số ở cấp xã để nâng cao năng suất, minh bạch và hiệu quả giải quyết thủ tục.

* Đại biểu TẠ THỊ YÊN (phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu):

Phân định rõ trách nhiệm giải quyết thủ tục

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện) sẽ tạo ra những thay đổi rất rõ trong công tác quản lý, quản trị ở địa phương. Trong đó, đầu tiên là sự thay đổi trong cách điều hành. Khi không còn cấp trung gian, việc điều hành chỉ đạo sẽ nhanh và linh hoạt hơn.

Các quyết định, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã sẽ nhanh chóng hơn, không bị chậm trễ hay "nghẽn" ở khâu trung gian, giảm được tình trạng "qua nhiều cửa" như trước. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh cần phản ứng nhanh với các tình huống thực tế ở cơ sở. Cùng với đó, trách nhiệm sẽ được phân định rõ hơn.

Trước đây, có những việc giữa cấp huyện và xã còn "vênh nhau" hoặc còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nay chỉ còn 2 cấp, buộc cấp tỉnh phải phân quyền phân cấp rõ ràng cho xã, và xã cũng phải chủ động hơn, chịu trách nhiệm trực tiếp trước dân. Công tác tổ chức bộ máy, biên chế cũng thay đổi.

Việc tinh giản sẽ đi kèm với sắp xếp lại cán bộ, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ, tránh dàn trải. Những người có năng lực sẽ được trao cơ hội, còn những vị trí không cần thiết sẽ được cắt giảm, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, công tác quản lý ngân sách và đầu tư công cũng sẽ rõ ràng và hiệu quả hơn khi quy trình rút gọn, trách nhiệm được xác định cụ thể.

Hiện Quốc hội đang cho ý kiến về dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, tôi cho rằng cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, chủ tịch UBND các cấp trong dự luật để bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Đồng thời phân định một cách hợp lý thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã để thực hiện mục tiêu chính quyền cấp xã tập trung tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn.

Đối với việc thành lập phòng chuyên môn của UBND cấp xã cần căn cứ vào yêu cầu, khối lượng công việc, số biên chế tối thiểu để được thành lập tổ chức (cấp phòng) và số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa. Việc này để tránh tình trạng chia cắt về tổ chức và bộ máy, số lượng lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức trực tiếp thừa hành.

bỏ cấp huyện - Ảnh 5.

Chuyên viên phường Bình Hưng Hòa A (TP.HCM) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến - Ảnh: HỮU HẠNH

Không gián đoạn giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp

Bảo đảm sự thông suốt, liên tục, không gián đoạn việc giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp là chủ trương quan trọng, xuyên suốt liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được quy định cụ thể trong nghị quyết 190 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng.

Hoàn thành rà soát phân cấp trước 10-6

Ngày 4-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành công văn số 500 chỉ đạo đến bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương về việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thành việc rà soát đối với 346 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp huyện.

Từ đó chủ động ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện việc cắt giảm, phân định thẩm quyền giải quyết TTHC của chính quyền cấp huyện, hoàn thành trước ngày 10-6-2025. Trường hợp phải xây dựng nghị định của Chính phủ, khẩn trương gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 10-5, trình Chính phủ trước ngày 30-5. Kịp thời công bố, công khai TTHC ngay sau khi sửa đổi quy định để làm cơ sở cho các địa phương công bố danh mục TTHC áp dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Đối với UBND các tỉnh thành, Thủ tướng chỉ đạo phải công bố, công khai, tổ chức thực hiện TTHC trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Nhiều thủ tục cần thiết cho dân doanh

Theo phụ lục kèm theo công văn số 500 của Thủ tướng, hiện nay chính quyền cấp huyện cả nước đang giải quyết 346 TTHC trên rất nhiều lĩnh vực, thuộc quyền quản lý của nhiều bộ ngành.

Cụ thể: Bộ Nội vụ (58 TTHC), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (55), Bộ Giáo dục và Đào tạo (48), Bộ Tài chính (37), Bộ Xây dựng (36), Bộ Tư pháp (33), Bộ Y tế (25), Bộ Công Thương (21), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (11), Bộ Dân tộc và Tôn giáo (10), Thanh tra Chính phủ (9), Bộ Công an (2), Bộ Quốc phòng (1).

Đáng chú ý trong 346 TTHC cấp huyện đang giải quyết trên có nhiều nhóm thủ tục thiết thân với người dân và doanh nghiệp với số lượng nhu cầu và hồ sơ giải quyết hằng ngày cao. Điển hình như:

- Nhóm thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh gồm: đăng ký thành lập, tạm ngừng, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh; đăng ký thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đăng ký chuyển đổi tổ hợp tác; đăng ký hoạt động chi nhánh, giải thể, chấm dứt hoạt động chi nhánh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...

- Nhóm thủ tục liên quan lĩnh vực đất đai, xây dựng: cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân, cho dự án; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; gia hạn sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng nhà; cung cấp thông tin quy hoạch; công nhận ban quản trị nhà chung cư...

- Nhóm thủ tục liên quan lĩnh vực hộ tịch, tư pháp: đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử có yếu tố nước ngoài; thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch; xác nhận tình trạng hôn nhân, thông tin hộ tịch; thủ tục chứng thực chữ ký...

Bên cạnh đó, cấp huyện cũng đang giải quyết nhiều thủ tục quan trọng như giải quyết các chế độ cho người có công, xét tuyển sinh, ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lần đầu, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại...

Tại TP.HCM, ngày 7-5 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận huyện, thành phố Thủ Đức ở TP.HCM phải thường xuyên theo dõi việc công bố TTHC của bộ, ngành; kịp thời tham mưu chủ tịch UBND TP để thực hiện việc công bố danh mục TTHC, phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC và phê duyệt danh mục TTHC đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Sớm công bố thủ tục lên tỉnh, về phường - Ảnh 6.Địa chỉ trụ sở 102 phường, xã mới của TP.HCM sau sáp nhập

TP.HCM sẽ sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn thành 102 phường, xã. Dưới đây là trụ sở làm việc dự kiến của các đơn vị mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên