Sống với con trai trên 30 tuổi độc thân, mẹ bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần

Một nghiên cứu mới từ Đại học Jaume I (Tây Ban Nha) cho thấy việc sống chung với con trai trên 30 tuổi nhưng độc thân có thể làm giảm mức độ hài lòng trong cuộc sống của các bà mẹ, khiến sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng.

độc thân - Ảnh 1.

"Anh thanh niên 30" có thể khiến tinh thần người mẹ ngày càng trở nên mệt mỏi hơn - Ảnh: AI

Kết quả được rút ra từ phân tích dữ liệu Khảo sát Tài chính hộ gia đình của Tây Ban Nha, một cuộc khảo sát nằm trong Kế hoạch Thống kê quốc gia và được tiến hành ba năm một lần và được công bố trên tạp chí Social Science & Medicine.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào nhóm cha mẹ từ 50 đến 75 tuổi, theo dõi mức độ hài lòng trong cuộc sống của họ qua thời gian và so sánh sự khác biệt giữa các giai đoạn con cái rời nhà hay quay về sống chung.

Ở các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, hơn 40% người trưởng thành trong độ tuổi 25-34 vẫn sống cùng cha mẹ, với độ tuổi trung bình rời khỏi nhà là khoảng 29,8. Ngoài yếu tố kinh tế, văn hóa gia đình truyền thống với mối liên kết bền chặt và sự phân công lao động gia đình chưa bình đẳng cũng được cho là nguyên nhân kéo dài thời gian sống chung.

Đáng chú ý, kết quả cho thấy các bà mẹ sống chung với con trên 30 tuổi báo cáo mức độ hài lòng thấp hơn đáng kể, tương đương với việc sức khỏe của họ giảm từ mức "rất tốt" xuống "tạm ổn". 

Trong khi đó, người cha không ghi nhận sự sụt giảm tương tự, điều này phản ánh thực tế rằng gánh nặng chăm sóc trong gia đình vẫn đổ dồn nhiều hơn lên vai người mẹ.

Tiến sĩ María José Gil-Moltó và tiến sĩ Arne Risa Hole từ Nhóm Kinh tế thực nghiệm và Tính toán (UJI) nhấn mạnh: "Trong bối cảnh quốc tế mà việc sống chung giữa cha mẹ và con cái trưởng thành ngày càng phổ biến sau khủng hoảng tài chính và gần đây là do chi phí sinh hoạt tăng cao, điều quan trọng là cần nhận thức được rằng sự sống chung này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ".

Từ nghiên cứu này, nhóm tác giả kiến nghị các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc đến việc tạo điều kiện tốt hơn cho thanh niên tự lập, thông qua các chính sách hỗ trợ nhà ở, việc làm và tài chính phù hợp.

Tại một quốc gia đề cao giá trị và vai trò gia đình như Việt Nam, tình trạng người trẻ, đặc biệt là nam giới trên 30 tuổi, sống chung với bố mẹ cũng không phải hiếm. Áp lực từ giá nhà tăng cao, thị trường lao động cạnh tranh và kỳ vọng xã hội về việc "an cư trước khi lập nghiệp" khiến nhiều người ngần ngại rời khỏi vòng tay gia đình.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở yếu tố kinh tế, mà còn phản ánh những thay đổi trong cấu trúc gia đình, giá trị cá nhân và sự chuyển dịch của vai trò giới trong xã hội hiện đại. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Tây Ban Nha, mà là xu hướng đang lan rộng và đặt ra nhiều câu hỏi cho chính sách nhà ở, phúc lợi và giáo dục giới trẻ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sống với con trai trên 30 tuổi độc thân dễ khiến mẹ phát cáu - Ảnh 3.Cha mẹ kiểm soát, áp lực học tập..., 22% trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần

Áp lực học tập và sự kiểm soát quá nghiêm ngặt của cha mẹ khiến trẻ lo âu, trầm cảm, cảm giác bị cô lập và cô đơn. Theo nghiên cứu, có tới gần 22% trẻ vị thành niên tại Việt Nam đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên