
Tân Giáo hoàng Leo XIV (69 tuổi) xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng vào chiều 8-5 (theo giờ Rome) - Ảnh: AFP
Tân Giáo hoàng Leo XIV tên thật là Robert Francis Prevost, sinh ngày 14-9-1955 tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, miền trung tây nước Mỹ.
Vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội đã khiến toàn thế giới kinh ngạc khi có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng lưu loát bằng cả tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha. Với bề dày mục vụ quốc tế, Ngài thông thạo tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, có thể đọc tiếng Latin và tiếng Đức.
Từ toán học đến thần học
Sau khi hoàn thành chương trình học ở tiểu chủng viện Dòng Thánh Augustine (OSA), vào tháng 9-1977, cậu thiếu niên Prevost chính thức gia nhập Dòng Tu này để thực hiện ước mơ trở thành một tu sĩ.
Cùng năm 1977, Ngài nhận bằng cử nhân khoa học chuyên ngành toán học tại Đại học Villanova ở bang Pennsylvania. Một năm sau khi Tuyên khấn Trọng thể vào tháng 8-1981, Tu huynh Prevost được Liên hiệp Thần học Công giáo ở Chicago (CTU) trao bằng thạc sĩ thần học.
Hàng chục ngàn người ở Quảng trường Thánh Peter vỡ òa khi giáo hội có tân Giáo hoàng
Trong khoảng thời gian này, Ngài vẫn thỉnh thoảng dạy thay các giáo viên vật lý ở trường trung học St. Rita of Cascia và dạy thêm toán ngoài giờ.
Sau khi được truyền chức linh mục vào ngày 19-6-1982 ở thủ đô Rome (Ý), tân linh mục Prevost tiếp tục nhận bằng cử nhân giáo luật (Luật Giáo hội) vào năm 1984, bằng tiến sĩ giáo luật vào năm 1987 tại Ý.
Ngài đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong Dòng Augustine như Bề trên Giám tỉnh Dòng Augustine tại Chicago và Bề trên Tổng quyền Dòng Augustine toàn cầu hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2001 đến 2012.
Năm 2023, Đức Giáo hoàng Francis bổ nhiệm linh mục Prevost làm Tổng trưởng Bộ Giám mục, một vị trí quan trọng trong Giáo triều Rome, bởi đây là nơi chịu trách nhiệm đánh giá và đề xuất các ứng viên giám mục trên toàn thế giới.
Cùng năm 2023, Đức Giáo hoàng Francis phong Ngài làm Hồng y đẳng phó tế. Ngày 6-2 vừa qua, Đức Giáo hoàng Francis tiếp tục vinh thăng Ngài lên Hồng y Giám mục của Giáo phận ngoại ô Albano, thuộc tỉnh Rome.
Tình cảm sâu nặng với vùng Nam Mỹ

Tân Giáo hoàng Leo XIV khi được Giáo hoàng Francis tấn phong Hồng y đẳng phó tế - Ảnh: AFP
Những năm 1980, 1990, Ngài gia nhập sứ vụ tại thành phố Trujillo, Peru và được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc các chương trình đào tạo chung cho tập sinh Dòng Augustine, quản lý chủng viện Dòng Augustine.
Sau nhiều năm phục vụ, Ngài dần gắn bó sâu sắc với đất nước Nam Mỹ này và nhập quốc tịch Peru, thể hiện tình cảm đặc biệt đối với khu vực Mỹ Latin.
Ngày 12-12-2014, linh mục Prevost được tấn phong Giám quản Tông tòa Chiclayo, miền tây bắc Peru và tiếp tục được tấn phong Giám mục Giáo phận Chiclayo vào tháng 9-2015.
Giám quản Tông tòa là người quản lý một khu vực tương đương giáo phận nhưng khu vực chưa được công nhận là giáo phận, hoặc giáo phận hiện chưa có giám mục (tức giai đoạn Sede vacante hay “Trống tòa”).
Trả lời tờ Telegraph ngay sau khi công bố tân Giáo hoàng, linh mục Dòng Tên người Mỹ Thomas Reese cho biết tân Giáo hoàng Leo XIV đã từng dành rất nhiều năm hoạt động ở Peru, nhập quốc tịch Peru và có tình cảm đặc biệt đối với khu vực Mỹ Latin.
“Ngài không chỉ là một người Mỹ mà còn là một Giáo hoàng của toàn châu Mỹ. Ngài được biết đến là một người mục tử chiên lành, luôn lắng nghe mọi người. Tôi nghĩ Ngài sẽ tiếp nối Đức Giáo hoàng Francis”, linh mục Reese nói thêm.
Một người Mỹ “ít chất Mỹ”
Theo tờ tạp chí Time, phóng viên Iacopo Scaramuzzi của tờ báo Ý La Repubblica đã gọi tân Giáo hoàng Leo XIV là “người Mỹ thiểu số trong số những người Mỹ” nhằm ám chỉ Ngài là một người Mỹ nhưng lại có phong cách không giống với hình ảnh điển hình của những người dân “xứ sở cờ hoa”.
Một tín hữu có mặt ở Quảng trường Thánh Peter chiều 8-5 cho biết tân Giáo hoàng đã sinh sống và hoạt động mục vụ tại Peru trong nhiều thập kỷ đã khiến Ngài mang đậm tinh thần Mỹ Latin, trở thành một trong những Hồng y người Mỹ nhưng “ít mang chất Mỹ” nhất.
Tờ New York Times nhận định Leo XIV là người có trái tim mục tử với người nghèo, người di cư và những ai đang ở bên lề xã hội. Điều này khiến Ngài được kỳ vọng sẽ trở thành vị Giáo hoàng của lòng thương xót và hiệp thông.
Tân Giáo hoàng Leo XIV bước vào sứ vụ giữa thời điểm thế giới đầy biến động, chiến tranh, khủng hoảng môi trường, làn sóng di dân và sự suy giảm đức tin.
Thế nhưng với bề dày kinh nghiệm mục vụ quốc tế và lối sống đơn sơ, Ngài mang theo kỳ vọng sẽ đưa Giáo hội đến gần hơn với thế giới đang khao khát hy vọng và hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận