
Bác sĩ Bệnh viện K thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh minh họa: T.MẠNH
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ 1-7, trường hợp người tham gia BHYT đi khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu vẫn sẽ được quỹ BHYT chi trả.
Khám yêu cầu vẫn được hưởng bảo hiểm y tế
Cụ thể, người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được thanh toán chi phí thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng. Theo quy định trước đó, người tham gia BHYT sẽ không được chi trả BHYT khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ BHYT sẽ do người bệnh tự chi trả trực tiếp cho cơ sở y tế.
Điều này đồng nghĩa với việc người dân có quyền lựa chọn dịch vụ khám theo yêu cầu, ví dụ chọn bác sĩ, chọn phòng điều trị tốt hơn, mà vẫn được quỹ BHYT thanh toán đúng quyền lợi, chỉ cần đóng thêm phần chênh lệch ngoài mức bảo hiểm chi trả.
Đây được xem là bước tiến quan trọng, vừa đảm bảo tính chủ động cho người bệnh, vừa khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Quy định cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị y tế và đảm bảo khả năng cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng ký kết với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, các cơ sở y tế phải công khai minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải tự chi trả ngoài phạm vi quyền lợi BHYT, thông báo rõ phần chi phí chênh lệch trước cho người bệnh để tránh phát sinh khiếu nại, bức xúc sau này.
Việc cho phép khám theo yêu cầu nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT phù hợp được xem là phù hợp xu hướng phát triển dịch vụ y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thủ tục xuất trình bảo hiểm y tế rõ ràng, thuận tiện hơn
Luật cũng sửa đổi quy định về thủ tục khám chữa bệnh BHYT, có hiệu lực từ ngày 1-7, nhằm tạo thuận lợi và giảm phiền hà cho người dân.
Cụ thể, khi đi khám chữa bệnh, người có thẻ BHYT cần xuất trình một trong các giấy tờ: thẻ BHYT, hoặc mã số BHYT; trường hợp thẻ chưa có ảnh phải mang thêm giấy tờ tùy thân có ảnh (căn cước công dân, hộ chiếu, hoặc tài khoản định danh VNeID mức độ 2, giấy xác nhận của công an xã hoặc trường học nếu là học sinh, sinh viên).
Trường hợp đã tích hợp thông tin BHYT vào căn cước công dân hoặc vào VNeID mức độ 2 thì chỉ cần mang theo giấy tờ đó.
Riêng trẻ dưới 6 tuổi chỉ cần xuất trình thẻ BHYT hoặc giấy khai sinh (bản gốc, bản sao, trích lục) hoặc giấy chứng sinh.
Với trẻ sơ sinh chưa kịp làm thẻ, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án.
Đối với người đang chờ cấp lại hoặc đổi thẻ BHYT, có thể xuất trình giấy hẹn trả kết quả cấp thẻ của cơ quan bảo hiểm xã hội kèm giấy tờ tùy thân.
Một điểm đáng chú ý khác: nếu bệnh nhân hiến tạng, chưa kịp cấp lại thẻ BHYT, có thể dùng giấy ra viện kèm giấy tờ tùy thân để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.
Trường hợp cấp cứu, người bệnh vẫn phải xuất trình các giấy tờ trên trước khi kết thúc đợt điều trị.
Luật cũng quy định rõ cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội tuyệt đối không được tự đặt thêm thủ tục hành chính ngoài quy định hiện hành.
Nếu cần sao chụp thẻ BHYT hoặc giấy tờ liên quan để phục vụ công tác quản lý, bệnh viện hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội phải tự sao chụp, chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý của người bệnh hoặc người giám hộ.
Người bệnh không phải trả bất kỳ khoản phí nào cho việc sao chụp giấy tờ này.
Quy định này mở rộng quyền lợi cho người bệnh mà còn tăng tính minh bạch, giảm phiền hà, bảo vệ người dân trước nguy cơ bị thu thêm các chi phí bất hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận