
Bên trong nhà trẻ tự phát của bà Hồng, nơi xảy ra vụ việc khiến bé trai 10 tháng tuổi tử vong - Ảnh: M.T.
Đại tá Lộc cho biết thêm hiện vụ việc đang được cơ quan Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục điều tra, khi nào có kết quả sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
“Quan điểm của chúng tôi là điều tra, xử lý vụ việc đến nơi đến chốn và sẽ xử lý nghiêm vụ việc, không có vùng cấm, vùng ngoại lệ; nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Lộc nói.
Xử lý nghiêm vụ việc
Trước đó, ngày 17-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm cho ông Đỗ S. (cha của bé Ch.) với nội dung tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin do đã yêu cầu Trung tâm pháp y tỉnh Tiền Giang cung cấp tài liệu nhưng chưa có kết quả.
Vụ việc xảy ra vào ngày 16-12-2024 khi ông Đỗ S. (42 tuổi) chở hai con của mình đến gửi tại điểm giữ trẻ của bà Bùi Thị Hồng (ấp 5, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), trong đó có bé trai 10 tháng tuổi tên Minh Ch..
Đến khoảng 14h cùng ngày, người nhà ông S. nhận được điện thoại từ cơ sở giữ trẻ, báo tin Minh Ch. gặp sự cố. Khi đến nơi thì thấy bé trai đã tím tái, lạnh ngắt và không còn dấu hiệu của sự sống.
Tài liệu của cơ quan điều tra cũng thể hiện, khoảng 14h ngày 16-12 bà Lê Thị Trúc M. (con dâu bà Hồng) phát hiện bé Minh Ch. bất tỉnh, kêu gọi không phản ứng nên thông báo cho phụ huynh bé biết.
Trước khi xảy ra sự việc bé Ch. tử vong, bà M. có cho bé uống sữa bột nhãn hiệu Meta… do gia đình mang đến. Mẫu sữa đã được đưa đi giám định nhưng không tìm thấy chất độc.
Tại Trung tâm y tế huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), bé Minh Ch. được xác định đã qua đời trước lúc nhập viện.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi của Trung tâm pháp y tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân tử vong của bé Minh Ch. là: suy tim cấp, suy hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn. Trong mẫu máu và phủ tạng tử thi bé Ch. có tìm thấy ethanol trong máu với hàm lượng 96,78mg/100ml và không tìm thấy chất độc khác.
Ngày 18-2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có văn bản đề nghị Trung tâm pháp y tỉnh Tiền Giang giải thích nội dung kết luận: “Trong mẫu máu và phủ tạng tử thi bé Ch. có tìm thấy ethanol trong máu với hàm lượng 96,78mg/100ml có dẫn đến suy tim cấp, suy hô hấp cấp và viêm phổi tắc nghẽn không? Nồng độ này có dẫn đến nguyên nhân tử vong của bé Ch. không hay do bệnh lý?”.
Do Trung tâm pháp y tỉnh Tiền Giang chưa cung cấp tài liệu nên ngày 17-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm cho ông Đỗ S. với nội dung tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin.

Cơ sở giữ trẻ không phép của bà Hồng phía sau cánh cổng rào sắt, hiện đã đóng cửa - Ảnh: M.T.
Vì sao trẻ lại có nồng độ cồn trong máu cao như vậy?
Dưới bài viết của Tuổi Trẻ Online với tựa đề: “Bé 10 tháng tuổi tử vong tại điểm giữ trẻ, trong máu có nồng độ cồn?”, bạn đọc My Khanh Ngo viết: “Đọc bài mà xót xa quá. Làm sao với cháu bé 10 tháng tuổi mà nồng độ cồn trong cơ thể lại cao được đến thế. Mong cơ quan chức năng điều tra làm sáng tỏ sự việc”.
Bạn đọc Madam Trần Nguyệt Thu cũng liên tưởng đến một trường hợp cũ được báo chí đăng tải cách đây không lâu: “Đứa bé 10 tháng tuổi mà trong máu có nồng độ cồn? Thật là khôi hài quá! Cách đây vài năm cũng có bé gái đi nhận giấy báo thi bị xe tông cũng ‘trong máu có nồng độ cồn’, tin được không!”.
Còn bạn đọc Tư Sài Gòn cũng có chung sự quan tâm nhưng phân tích thêm: “Nồng độ cồn trong máu người chết cao tự thân chưa nói lên được điều gì. Vì sau khi chết, glucose trong máu vẫn tiếp tục bị lên men tạo ra ethanol.
Tại Việt Nam đã từng có nhiều trường hợp nữ sinh, phụ nữ sau khi chết nồng độ cồn trong máu cao mặc dù trước đó không hề uống chất có cồn. Trên thế giới cũng vậy, và đã có nhiều bài báo, bài nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này. Các nhà khoa học Việt Nam cũng nên nghiên cứu và đưa ra thông tin để rộng đường dư luận”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận