20/05/2025 09:12 GMT+7

Vun bồi tình yêu sách cho bạn nhỏ Trường Sa

Đến đảo Sinh Tồn, nơi cách đất liền khoảng 200 hải lý, nhà văn Phương Huyền mang theo những cuốn sách thiếu nhi được yêu thích, trao tặng những cô cậu học trò tiểu học.

Trường Sa - Ảnh 1.

Nhà văn Phương Huyền trong buổi giao lưu đọc sách với học sinh trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đoàn công tác của TP.HCM thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) từ ngày 11 đến 17-5 có nhà văn Phương Huyền. Chị là tác giả của nhiều tác phẩm thiếu nhi được yêu mến như Kẻ hiếu kỳ, Cái tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú, Những thiên thần của người gác rừng, Nắng trong lòng phố...

Vun bồi tình yêu với sách

Tại xã đảo Sinh Tồn, nơi cách đất liền khoảng 200 hải lý, nữ nhà văn Phương Huyền mang theo những cuốn sách do chính mình viết để trao tặng học sinh tiểu học nơi đây. Ngoài mang sách, chị còn đặc biệt dành thời gian tổ chức một buổi kể chuyện, nơi các em được lắng nghe những trang văn sống động từ chính người viết nên chúng.

Trong buổi giao lưu ấy, câu chuyện Những thiên thần của người gác rừng, kể về chuyến nghỉ hè kỳ thú của bé Mi cùng hai người bạn thú nhồi bông là Mèo Cà Chua và Bọt Biển, đã mở ra một thế giới diệu kỳ. 

Nhóm khoảng 10 học sinh từ mầm non đến tiểu học chăm chú lắng nghe, rồi hồn nhiên đặt ra những câu hỏi thú vị trong nội dung tác phẩm như về rừng kẹo đủ màu, dòng sông xi rô dâu hay sở thích của bạn Mèo Cà Chua...

"Tôi thực sự xúc động khi có em nói 'Con đọc quyển này của cô rồi', thậm chí nhớ vanh vách tên nhân vật. Ở một nơi xa đất liền, điều đó khiến tôi rất bất ngờ và hạnh phúc" - nhà văn chia sẻ.

Nhà văn Phương Huyền cho biết những năm gần đây chị đều gửi sách thiếu nhi ra Trường Sa như một cách gieo những hạt mầm tri thức. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên chị đặt chân đến với Trường Sa, được đọc truyện với các em và cho các em cơ hội được nói chuyện trực tiếp với tác giả.

"Ở đất liền, trẻ em có mạng Internet, có cơ hội gặp gỡ tác giả, còn ở đảo xa sách gần như là cầu nối duy nhất đến với thế giới rộng lớn. Vì thế tôi rất mong mình có thể góp một phần nhỏ để vun bồi tình yêu sách nơi các em", nhà văn Phương Huyền nói.

Thu hẹp khoảng cách với đất liền

Năm học 2024-2025, lớp tiểu học ở xã đảo Sinh Tồn có 5 học sinh, trong đó 4 em lớp 1 và 1 em lớp 5, là con của những hộ dân đang sinh sống trên đảo. Tất cả cùng học chung một lớp. Vì vậy theo thầy Trương Hồng Lĩnh, một trong hai giáo viên tại trường, người đứng lớp phải linh hoạt và sáng tạo hơn trong cách giảng dạy để phù hợp với từng độ tuổi, trình độ trong cùng một lớp học.

Dù hoàn cảnh học tập có phần đặc biệt, thầy Lĩnh cho biết có một điểm chung giữa các em là tình yêu dành cho sách. "Ngay cả các em lớp 1, chỉ mới bắt đầu học đánh vần cũng đã cầm sách lên tập đọc từng chữ. Có những em khi chưa biết chữ, chỉ xem tranh minh họa thôi mà vẫn mê mẩn", thầy Lĩnh chia sẻ.

Thầy Phan Quang Tuấn - giáo viên Trường tiểu học Sinh Tồn - cho biết: "Ở xã đảo, sách gần như là người bạn lớn của trẻ em. Các em ít có điều kiện tiếp cận với Internet, tivi hay các hình thức giải trí khác, nên sách trở thành cánh cửa dẫn các em đến với tri thức và thế giới bên ngoài".

Để nuôi dưỡng đam mê đọc sách, thầy Tuấn cho biết nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa để học sinh được tiếp cận với sách. Hai tủ sách trong lớp tiểu học lúc nào cũng đầy ắp truyện, sách tham khảo và sách thiếu nhi. 

Các em được đọc ngay tại lớp hoặc mượn về nhà. Ngoài ra trường còn có một thư viện nhỏ với khoảng 200 đầu sách phong phú, từ sách giáo khoa đến sách văn học, truyện tranh, sách khoa học và đời sống.

Thầy Tuấn cho biết thêm khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, các thầy đã đưa thêm các tiết đọc sách vào thời khóa biểu. Thầy chọn sách theo chủ đề, để học sinh tự đọc và thảo luận. Không khí các tiết đọc sách luôn rộn ràng và say mê.

Nguồn sách được cập nhật thường xuyên nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và những tấm lòng hảo tâm. Những món quà từ Quỹ Vừ A Dính, Câu lạc bộ Vì biển đảo quê hương hay nhiều nhà hảo tâm khác luôn là niềm vui háo hức với học sinh nơi đây. 

"Chúng tôi hy vọng trong tương lai, khoảng cách về điều kiện học tập giữa học sinh vùng đảo và đất liền sẽ ngày càng được thu hẹp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ đầy đủ hơn, để các em có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận tri thức và vươn xa hơn nữa", thầy Tuấn bày tỏ.

Những phần quà không thể thiếu

Bà Hồ Thị Tuyết Hồng, đại diện Quỹ học bổng Vừ A Dính, cho biết sách là một trong những phần quà không thể thiếu của quỹ trong các chuyến đi đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Sách được phân thành nhiều loại, từ sách chuyên môn, sách văn học đến khoa học, nghệ thuật, và được lựa chọn cho phù hợp với độ tuổi mầm non, tiểu học.

"Trong những điều kiện còn khó khăn, sách là cánh cửa đưa các em đến gần hơn với thế giới rộng lớn. Vì vậy trong những chuyến hải trình ra Trường Sa, chúng tôi luôn có một mục ủng hộ sách cho các em. Nhìn những tủ sách ở đây mỗi năm mỗi nhiều hơn, chúng tôi rất xúc động", bà Hồng nói.

Mở ra những chân trời mới

Em Huỳnh Minh Trí, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Sinh Tồn, tâm sự mình đặc biệt yêu thích những cuốn sách khoa học. Với Trí, sách mở ra những chân trời mới về thiên nhiên, vũ trụ, sinh vật. Tranh thủ bất kỳ lúc nào rảnh rỗi là em lại đọc. Trong cặp sách của Trí lúc nào cũng có một cuốn Doraemon như rất nhiều trẻ em khác.

Lan tỏa văn hóa đọc ở Trường Sa - Ảnh 2.Vượt 2.000 hải lý đến thăm Trường Sa

Chuyến hải trình của đoàn đại biểu TP.HCM kết thúc ngày 17-5, khép lại 7 ngày mang theo tình cảm hậu phương đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-1/12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên