Chiến lược kinh tế ba bước của ông Trump

HỒ QUỐC TUẤN 18/05/2025 07:00 GMT+7

TTCT - Kế hoạch kinh tế chi tiết của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được công bố qua bài viết của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent trong một bài viết trên báo The Wall Street Journal mới đây, bao gồm ba bước.

T - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Ngày 4-5 vừa qua, ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tấm hình ăn mặc như hiệp sĩ Jedi theo chủ đề kỷ niệm bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao, tờ Wall Street Journal đăng bài viết của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent: "Ba bước đi đến tăng trưởng kinh tế của ông Trump".

Trong bài viết, ông Bessent nêu ra ba trụ cột chính sách kinh tế của chính quyền Trump: tái đàm phán thương mại toàn cầu (với thuế quan là "công cụ chiến lược"), cắt giảm thuế và giảm quy định quản lý nhà nước. 

Và mục tiêu của ông Trump là thúc đẩy "tái công nghiệp hóa" và sản xuất kinh doanh trong nước, đảm bảo thịnh vượng đồng đều cho cả giới chủ và người lao động, cũng như tăng cường an ninh quốc gia.

Thuế quan là công cụ chiến lược

Trong tầm nhìn này của ông Trump, thuế quan đóng vai trò thiết yếu. Đầu tiên, áp thuế cao buộc các nước phải ngồi vào bàn đàm phán thương mại, nhằm cân bằng cán cân thương mại và mở rộng thị trường cho hàng Mỹ. 

Thứ hai, thuế quan sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đưa sản xuất trở lại Mỹ, khắc phục sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài. Cuối cùng, thuế quan tạo nguồn thu lớn để giúp cân bằng ngân sách, tạo điều kiện cho chính sách giảm thuế trong nước.

Nhưng trong bộ ba này, giới phân tích đánh giá cao chính sách giảm thuế nội địa và quy định quản lý hơn chính sách thuế quan nhiều. Ông Bessent thì nhận định giới chuyên gia kinh tế không nhìn thấy rằng chính sách thuế quan là bộ phận không thể tách rời của động cơ kinh tế ba thành phần đã nêu.

Nhận định này cho thấy thuế quan không chỉ là "đòn gió", mà là một phần thiết yếu của chính sách kinh tế kiểu Trump. Những mức thuế suất trên 40% có thể là màn "làm giá" của ông Trump, nhưng mức tối thiểu mà ông có thể chấp nhận với các nước khi thương lượng nhiều khả năng sẽ không thấp. Vì vậy, những ai kỳ vọng quá cao vào đàm phán thương mại có thể sẽ vỡ mộng.

Nhìn vào bộ ba chính sách này thì mang sản xuất về Mỹ là một quyết tâm chính trị, tức nước Mỹ đã thật sự quay lại với chủ nghĩa bảo hộ và từ bỏ thương mại tự do. 

Trong bài viết trên WSJ, ông Bessent chỉ ra rằng thương mại tự do lên ngôi từ đầu những năm 2000, kèm theo sự trỗi dậy của Trung Quốc sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.

Ông Bessent dẫn nghiên cứu "Cú sốc Trung Quốc" nổi tiếng xuất bản năm 2016 về tác động thiên lệch của tự do hóa thương mại: 3,7 triệu người Mỹ mất việc làm và sản xuất chuyển sang Trung Quốc chiếm 59,3% tổng số việc làm sản xuất đã mất đi tại Mỹ. Phần lớn những người lao động này rơi vào tình trạng thất nghiệp dài hạn.

Ông phủ nhận luận điểm cho rằng thương mại tự do đã mang đến thịnh vượng cho nước Mỹ, ví dụ làm hàng hóa trở nên rẻ đi. Theo ông, nước Mỹ đã bị chia rẽ do toàn cầu hóa (một số giàu lên và một số nghèo đi nhanh chóng), và các chính trị gia thời trước đã nhắm mắt làm ngơ về việc này cho đến khi ông Trump xuất hiện.

Không giống chính sách thuế quan, đây là hai mục tiêu chính sách của ông Trump được hoan nghênh hơn. 

Theo Bessent, chính quyền Trump muốn "vĩnh viễn hóa Đạo luật cắt giảm thuế và tạo việc làm 2017" thông qua các ưu tiên thuế mới: không đánh thuế tiền tip, làm thêm giờ và bảo hiểm xã hội, ưu đãi nhà máy mới ở Mỹ và hỗ trợ mua xe, giảm thuế cho xe sản xuất trong nước. 

Các chính sách này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ và người lao động của Mỹ. Giới tài phiệt tài chính, năng lượng và công nghệ thì trông chờ nhiều nhất vào chính sách cắt giảm các quy định "giám sát quá chặt" các lĩnh vực AI, bán dẫn, sản xuất điện, tài chính...

Đời không như là mơ

Bài viết của bộ trưởng tài chính Mỹ dễ gây hưng phấn, nhưng lại bỏ qua một số luận điểm và giả định ngầm.

Về chuyện thuế quan và thương mại, có ba giả định ngầm trong lý luận của ông Bessent. Đầu tiên là các nước khác sẽ không trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Thứ hai, việc áp thuế sẽ nhanh chóng làm hồi sinh ngành sản xuất nội địa. Và thứ ba, cũng là quan trọng nhất, người tiêu dùng Mỹ sẽ chấp nhận giá hàng hóa cao hơn đổi lấy việc gia tăng sản xuất trong nước.

Theo phân tích của nhiều nhà kinh tế, đưa sản xuất quay lại Mỹ là không hề đơn giản, và lực cản đầu tiên là dân Mỹ sẽ không chấp nhận xài hàng hóa sản xuất ở Mỹ với chi phí cao hơn. Chi phí cao hơn đáng kể là đương nhiên vì tiền lương, điều kiện lao động và nhiều loại chi phí sản xuất ở Mỹ đều cao hơn so với Trung Quốc, Việt Nam hay Pakistan.

Về chuyện giảm thuế, ông Trump hy vọng qua đó kích thích đầu tư và tiêu dùng ở mức đủ lớn, đồng thời thu thuế quan được đáng kể để bù đắp thất thu ngân sách. Đây là điều không chắc chắn.

Ngoài ra, một giả định quan trọng của chính quyền ông Trump là sau khi được giảm thuế, doanh nghiệp sẽ tái đầu tư vào sản xuất và tuyển dụng nhiều hơn thay vì tích lũy lợi nhuận. 

Kết quả của việc giảm thuế 2017 là một bức tranh phức tạp, có vẻ cũng có ích cho người lao động, nhưng phần lớn lợi ích vẫn rơi vào tay giới chủ doanh nghiệp, nhiều người tích lũy lợi nhuận, thậm chí đem mua lại tài sản của mình với giá cao, thay vì đầu tư sản xuất thêm.

Nếu đúng như dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế của Mỹ do ảnh hưởng của thuế qua sẽ sụt đi gần 1 điểm phần trăm cho 2 năm 2025-2026. Điều này sẽ gây sức ép lên nguồn thu thuế nội địa và ngân sách. 

Chính quyền Mỹ khi đó sẽ phải tìm kiếm nguồn thu thay thế và cắt giảm chi tiêu chính phủ, điều có thể tác động tiêu cực lên tiêu dùng nói chung. Ngoài ra, thuế quan có thể không tạo ra nguồn thu lớn như mong đợi. Kết quả là thâm hụt ngân sách tăng lên, gây khó cho chính sách giảm thuế nội địa.

Các nước cũng sẽ không chơi ván cờ đàm phán thương mại như cách ông Trump mong muốn. Như vậy, tác động của việc mang sản xuất về Mỹ có thể cũng không đáng kể. Trên hết, như đã nói, trở ngại lớn nhất là dân Mỹ sẽ không muốn mua hàng hóa giá cao hơn. Toàn bộ những tính toán của chính quyền Trump vì vậy sẽ vấp phải vô số thách thức trong thời gian tới.■

Không nói đâu xa, tham vọng 3-3-3 của ông Bessent nêu ra hồi đầu năm: 3% tăng trưởng GDP, 3% thâm hụt ngân sách/GDP và tăng thêm sản lượng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày nhiều khả năng không đạt được. Chính tờ WSJ cũng đăng bài dự đoán 3-3-3 sẽ sớm trở thành 2-4-0, thậm chí 2-6-0.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận