
Một người tị nạn ở hàng rào biên giới tại bang Baja California, Mexico, giáp hai tiểu bang California và Arizona của Mỹ - Ảnh: AFP
Theo tạp chí Newsweek, mỗi người nộp đơn xin tị nạn sẽ phải trả lệ phí 100 USD, trong khi quy trình này trước đây hoàn toàn miễn phí.
Dự luật được gọi là “One Big Beautiful Bill Act”, từng đề xuất mức phí lên tới 1.000 USD cho mỗi hồ sơ xin tị nạn nhưng bản sửa đổi từ Thượng viện đã hạ xuống còn 100 USD. Tuy nhiên, khi dự luật quay lại Hạ viện, mức phí này có thể tiếp tục thay đổi.
Nếu dự luật ngân sách được Hạ viện thông qua ở dạng hiện tại, chính phủ liên bang Mỹ sẽ bắt đầu thu 100 USD cho mỗi hồ sơ xin tị nạn, tạo ra nguồn thu lớn cho chính phủ.
Riêng trong năm 2024, Mỹ đã ghi nhận gần 893.000 hồ sơ xin tị nạn, theo số liệu của chính phủ liên bang.
Ngoài lệ phí ban đầu, dự luật còn đề xuất các khoản phí mới như 100 USD mỗi năm cho hồ sơ đang chờ xét duyệt, 550 USD cho giấy phép lao động lần đầu, 250 USD cho tình trạng di dân đặc biệt dành cho trẻ vị thành niên, và 500 USD cho hồ sơ xin Quy chế Bảo vệ tạm thời (TPS) - diện bảo vệ những người có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng tại quê nhà.
Trước đây, tất cả các loại đơn này đều miễn phí hoặc có mức phí rất thấp.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện đang thu hẹp diện TPS, đã hủy bỏ tư cách tạm trú cho người Venezuela, và đang tìm cách chấm dứt TPS với người Haiti - quốc gia đang chìm trong bạo lực và bất ổn chính trị.
Nếu bị từ chối, người nộp đơn có thể mất trắng khoản phí 500 USD mà không được bảo vệ.
Các tổ chức nhân quyền chỉ trích quy định mới. Giám đốc chính sách của Hội đồng Di trú Mỹ (American Immigration Council - AIC) Nayna Gupta cho rằng dự luật này “đi ngược với mong muốn của người dân Mỹ” và tiếp tục “trừng phạt người nhập cư” thay vì cải cách hệ thống vốn đang quá tải và thiếu lối đi hợp pháp.
Mặt khác, Phó tổng thống Mỹ JD Vance, người đã bỏ lá phiếu quyết định giúp dự luật vượt qua cửa Thượng viện, lại ca ngợi dự luật là “chiến thắng lớn” vì đi kèm cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào an ninh biên giới.
Hiện dự luật ngân sách đang được Hạ viện tiếp tục xem xét, với nhiều tranh cãi xoay quanh tính nhân đạo và hợp pháp của việc thu phí người tị nạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận