
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu và mang theo hình ảnh minh họa tổ chức giao thông tại vòng xoay đặt bên cạnh - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Lãng phí do ùn tắc giao thông trên cả nước rất lớn
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất bổ sung nội dung cần ưu tiên khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa ra các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý để các phương tiện đi lại được nhanh chóng thông suốt. Nội dung này giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nếu giao thông bị tắc nghẽn, mọi người đi xe xăng, xe điện, xe hybrid, xe sử dụng khí hóa lỏng... đều phải tiêu hao năng lượng hơn bình thường, sẽ tốn năng lượng hơn nhiều so với sử dụng xe xăng bình thường mà đi lại thông suốt.
Ông dẫn chứng theo thống kê chỉ riêng TP.HCM đã thiệt hại khoảng 6 tỉ USD/năm, và Hà Nội khoảng 1 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông.
Từ đây có thể hình dung lãng phí do ùn tắc giao thông trên cả nước rất lớn.
Lãng phí về thời gian tác hại đến sức khỏe và môi trường và trong đó có lãng phí không nhỏ về sử dụng năng lượng từ các phương tiện do ùn tắc giao thông.
Điều này đẩy chi phí logistics tăng cao, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Ông nói thêm Hà Nội từng phát động các cuộc thi để tìm kiếm ý tưởng và giải pháp giảm ùn tắc giao thông.
Ông cho rằng giải pháp ùn tắc giao thông ở các đô thị đòi hỏi giải pháp tổng thể của hạ tầng phương tiện công cộng, tổ chức phân luồng hợp lý, tăng tỉ lệ đất cho giao thông... Đây là giải pháp dành cho các cơ quan nhà nước.
Còn với tìm kiếm ý tưởng, giải pháp giảm ùn tắc giao thông trước mắt chỉ có thể áp dụng cho từng nút giao thông, từng khu vực cục bộ nhưng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia giao thông, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông nêu ví dụ tổ chức giao thông rất tốt, mang lại hiệu quả nhiều mặt trong một khu vực cụ thể - tại vòng xoay ngã sáu Phù Đổng, quận 1, TP.HCM. Cách tổ chức này có thể áp dụng hầu hết các vòng xoay bị ùn tắc ở các đô thị trên cả nước.
Dù vòng xoay này luôn đông đúc nhưng không xảy ra tắc nghẽn ngay cả vào giờ cao điểm.
Ông cho hay đã ngồi quan sát một thời gian và nhận thấy thay vì để xe cộ tự do vào - ra khỏi vòng xoay. Tại đây đã lắp đặt 4 trụ tín hiệu giao thông để điều tiết các xe từ bên ngoài vòng xoay và bên trong vòng xoay có hai vạch dừng nhường đường cho các xe.
Như vậy, thay vì để hàng trăm xe tự do di chuyển, thì các xe được chia thành 6 khối xe.
Trung tâm điều khiển có thể dễ dàng điều khiển 6 khối xe thông qua tín hiệu đèn để không xảy ra quá tải trong vòng xoay, không tắc nghẽn giao thông từ bất kỳ hướng nào, giúp hạ tầng xung quanh khu vực được sử dụng hiệu quả.
Điều này đã giúp hàng chục ngàn xe đi qua vòng xoay mỗi ngày không bị tắc, mang lại lợi ích rất lớn về thời gian, sức khỏe môi trường, năng lượng và hoạt động của trung tâm quận.
Ông Cảnh cũng mang theo bảng hình ảnh minh họa về tổ chức giao thông tại vòng xoay làm minh chứng.
Ông Cảnh nêu rõ mô hình này có thể áp dụng tại vòng xoay Dân Chủ (quận 10, TP.HCM).
Với phân tích, ví dụ trên, ông đề nghị bổ sung quy định Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tìm kiếm ý tưởng và giải pháp giảm ùn tắc giao thông.
Về quy định quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Cảnh đề nghị bổ sung một nội dung tài trợ cho cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước có ý tưởng, giải pháp giảm ùn tắc giao thông khả thi có thể triển khai tại nhiều địa phương, không trùng với các nhiệm vụ chi từ ngân sách nhà nước.
Ông nêu rõ việc quy định cụ thể quỹ tài trợ cho cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước sẽ đảm bảo các khoản chi của quỹ liên quan đến giảm ùn tắc giao thông sẽ không bị trùng lặp với những dự án đề tài của các cá nhân, tổ chức đang sử dụng ngân sách nhà nước.
Đồng thời tránh việc cá nhân, tổ chức trong cơ quan nhà nước giảm thời gian làm việc chính tại cơ quan để nghiên cứu các nhiệm vụ, các dự án chi từ quỹ này.
Đề nghị ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc với một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc với một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện.
Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng với vật liệu xây dựng đồng bộ tiêu chuẩn quốc tế; xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận.
Cùng với ứng dụng nền tảng để truy xuất nhãn năng lượng để người dân dù không phải là kỹ sư vẫn hiểu sản phẩm đang dùng tốt đến đâu; tăng cường hậu kiểm xử lý nghiêm vi phạm…
Đồng tình với đề xuất quy định mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), ông Tuấn đề nghị giao Chính phủ xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển mô hình này vì đôi bên cùng có lợi.
Bên tiết kiệm đỡ tốn tiền điện, bên đầu tư có thêm lợi nhuận. Nếu không sớm có cơ chế khuyến khích là bỏ lỡ cơ hội lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận