
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 27-5, thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, nhiều đại biểu tiếp tục có ý kiến không đồng tình bỏ án tử hình đối với một số tội danh như tham nhũng, hối lộ.
Giữ nguyên tử hình để răn đe tội phạm tham nhũng, hối lộ
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) đề nghị đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, nên giữ nguyên hình phạt tử hình để có tác dụng răn đe cao trong thu hồi tài sản.
Ông Sang dẫn chứng hai vụ án gần đây gồm vụ án AVG liên quan đến nguyên cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) với số tiền nhận hối lộ lên đến 3 triệu USD và vụ án chuyến bay giải cứu, một cán bộ của Bộ Y tế nhận hối lộ số tiền lên đến 42,6 tỉ đồng.
Cả hai vụ này có đặc điểm chung sau khi tuyên án tử hình, bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả.
"Chúng ta phải phân tích tại sao khi bị tuyên án tử hình người ta lại nộp tiền khắc phục hậu quả. Bởi vì người ta biết rằng nếu không khắc phục hậu quả thì bị tử hình. Điều đó cho thấy rõ ràng án tử hình là hiệu quả trong việc thu hồi tài sản", ông Sang phân tích.
Từ đó, ông Sang đặt vấn đề: "Nếu bỏ án tử hình đối với tội nhận hối lộ, hiệu quả thu hồi tài sản có cao hơn không? Tôi đưa ra ví dụ vừa rồi cho thấy tác dụng răn đe của hình phạt tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ".
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất trong 8 tội danh đề xuất bỏ án tử hình có 2 tội danh không nên bỏ đó là tội tham nhũng, hối lộ và vận chuyển trái phép chất ma túy.
Theo ông Hòa, dẫn thực tế xét xử thời gian qua cho thấy rất ít người phạm tội thuộc nhóm tội tham nhũng bị tuyên án tử hình. Nhưng dù không tuyên, việc duy trì hình phạt này vẫn có ý nghĩa rất lớn.
Có những vụ án, trước khi viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình thì không thấy động tĩnh gì, chỉ đến lúc thấy mức án đề nghị thì gia đình và bị cáo mới tích cực nộp lại tiền, khắc phục hậu quả để thoát án tử.
Ông Hòa phân tích: "Vừa rồi có một số vụ án đề nghị tử hình như SCB, khi đưa án tử hình thì mang tiền ra để chuộc tội nên tử hình để phòng ngừa răn đe.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước phải trừng trị thích đáng, phòng ngừa răn đe cần thiết. Ta không tử hình, nhưng nếu khắc phục hậu quả tốt sẽ giảm án, như bà Trương Mỹ Lan thất thoát ngân sách là cả triệu tỉ đồng, con số không hình dung được, nếu khắc phục được nửa số tiền đã xây dựng được tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được 50% rồi".
Theo ông Hòa: "Duy trì hình phạt tử hình để phòng ngừa, răn đe, trừng trị thích đáng đối tượng phạm tội. Tất nhiên, khi ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả thì có thể giảm xuống chung thân, 30 năm, 20 năm…".
Không thể xuê xoa với tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ bà ủng hộ việc bỏ hình phạt tử hình đối với 4/8 tội danh được đề xuất; riêng 4 tội danh tham ô, nhận hối lộ, sản xuất thuốc giả và vận chuyển trái phép chất ma túy bà rất băn khoăn.
Theo bà Lan, tình hình tội phạm trong những lĩnh vực trên gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, ngày càng phức tạp hơn. Với bối cảnh ấy, "tại sao chúng ta lại giảm án?".
Dẫn lại thuyết minh của tờ trình về việc bỏ hình phạt tử hình để đảm bảo tính nhân văn và phù hợp với xu thế chung của thế giới, đại biểu đặt vấn đề: "Nếu nhân văn với tội phạm, thân nhân của nạn nhân, của những người đã chết vì tội lỗi này sẽ cảm thấy như thế nào?".

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) - Ảnh: GIA HÂN
Theo bà Lan, khi thực hiện 1 trong 4 tội danh đã nêu, người phạm tội hầu như đều biết hết, hậu quả như thế nào, làm sẽ chịu trách nhiệm ra sao. Thế nhưng nhiều người vẫn bất chấp làm vì lợi ích của bản thân.
Từ đó, đại biểu đề nghị giữ hình phạt tử hình như là một "chốt chặn" để răn đe tội phạm, đồng thời cho người dân thấy quyết tâm của Nhà nước về việc không khoan nhượng với tội phạm, góp phần lập lại trật tự, đảm bảo xã hội an toàn.
Đặc biệt, bà Lan nói, với tư cách một người chịu trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm, cùng với hàng loạt vụ việc bị phát hiện thời gian qua, bà đề nghị bổ sung hình phạt tử hình (hiện nay cao nhất là chung thân) với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là thực phẩm chức năng và sữa giả.
"Những hành vi này ảnh hưởng đến người yếu thế trong xã hội, tác động rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người dân", bà Lan nhận định, đồng thời nhấn mạnh "không thể xuê xoa với tội phạm".
Phát biểu tiếp thu, Phó thủ tướng Nguyễn Thành Long cho biết trong quá trình đề xuất các nội dung cơ quan soạn thảo dự luật đã cân nhắc tương đối kỹ nhiều mặt, trong đó có yêu cầu giảm án tử hình, tăng hình phạt tiền và thực tiễn phòng, chống tội phạm của cơ quan tố tụng.
"Tôi nói ví dụ đề xuất bỏ án tử hình trong 8 trong tội danh. Từ năm 2024, con số chúng tôi kiểm đếm có thể lệch một vài con số, tuy nhiên có 142/193 thành viên Liên hợp quốc bỏ án tử hình trong quy định hoặc trên thực tế (có nghĩa là có quy định nhưng không áp dụng trên thực tế).
Đối với chúng ta, kỳ này đề xuất bỏ 8 tội danh là bước tiến rất dài trong quan điểm của chúng ta về chính sách hình sự đối với một số tội. Nếu như năm 1985, Bộ luật Hình sự đầu tiên của chúng ta có 44 tội danh tử hình, năm 1999 còn 29, năm 2017 còn 18. Kỳ này nếu Quốc hội cho phép trừ đi 8 sẽ còn 10.
Đây là bước tiến rất dài trong thay đổi chính sách của chúng ta về chính sách hình sự, đặc biệt đối với hình phạt nghiêm trọng nhất đó là tước bỏ quyền sống của con người", ông Long phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận