Hai kế hoạch hòa bình cho Ukraine

TƯỜNG ANH 18/05/2025 07:03 GMT+7

TTCT - Hai bên trong cuộc chiến Ukraine đều có những toan tính riêng khi cuộc hòa đàm đã bắt đầu.

Những cuộc chạy đua ráo riết đã diễn ra trong tuần kỷ niệm 80 năm kết thúc Thế chiến II. Trong khi một số nguyên thủ châu Âu tề tựu về Kiev để đưa ra kế hoạch hòa bình 22 điểm thì tại thủ đô Nga, Tổng thống Vladimir Putin cùng đại diện gần 30 quốc gia tham gia lễ duyệt binh, ký kết các thỏa thuận hợp tác và kết thúc bằng một cuộc họp báo với kế hoạch hòa bình Ukraine rạng sáng 11-5.

N - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Người đứng đầu các nước Pháp, Anh, Đức, Ba Lan đã đến Kiev ngày 10-5 để tham gia các cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo ông Zelensky, cuộc họp này cũng có sự tham gia trực tuyến của hơn 30 quốc gia.

Kế hoạch hòa bình hay "tối hậu thư"

Kết quả, theo đài NBC, Hoa Kỳ, châu Âu và Ukraine đã xây dựng một kế hoạch 22 điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Ukraine. 

Nhưng nội dung cụ thể của kế hoạch không được thông báo chi tiết, mà chỉ có hai thông tin rò rỉ: (1) Nga phải ký một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày kể từ thứ hai 12-5, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và việc gia tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine; (2) Hoa Kỳ không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Nhiều hãng tin cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu thực chất đã đưa ra tối hậu thư cho Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò chính trong giám sát lệnh ngừng bắn 30 ngày, nhưng với sự tham gia của tất cả các đối tác trong "liên minh tự nguyện". 

Thủ tướng Anh Keir Starmer nói sẽ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine nếu Putin từ chối ngừng bắn, trong khi Macron loại trừ khả năng ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trong thời gian ngừng bắn. Nghĩa là trong tháng ngừng bắn, Kiev vẫn sẽ tiếp tục được cung cấp vũ khí.

Theo Axios, Zelensky và các nhà lãnh đạo châu Âu đã nói với Trump rằng nếu đạt được ngừng bắn, Ukraine sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Nga. Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định tuyên bố của các nhà lãnh đạo châu Âu mang tính "đối đầu". 

Dễ hiểu vì sao Kremlin có nhiều nghi ngại trước đề nghị ngừng bắn 30 ngày này. Matxcơva cho rằng thời hạn ngừng bắn sẽ giúp quân đội Ukraine khôi phục sức mạnh sau nhiều tháng thất bại, đồng thời có thể nhận được một lượng lớn vũ khí từ phương Tây và tái trang bị. 

Quân đội Anh, Pháp và các nước NATO khác sẽ được triển khai tại các địa điểm chiến lược ở Odessa, Kiev và các thành phố lớn khác. Zelensky sẽ tăng cường đáng kể quyền lực và lực lượng chủ chiến ở châu Âu sẽ chuẩn bị tốt hơn trong vòng một tháng cho giai đoạn mới đẫm máu hơn của cuộc chiến, bao gồm đẩy nhanh hơn nữa việc thành lập một tòa án xét xử giới lãnh đạo Nga.

Cổng thông tin Ukraine Strana.news viết: "Yêu cầu ngừng bắn từ ngày 12-5... về hình thức giống như "một đề nghị được đưa ra để từ chối". Cùng lúc, châu Âu đang khởi động tiến trình thành lập tòa án đặc biệt xét xử tội ác chiến tranh ở Ukraine, cho thấy ngay cả trong trường hợp ngừng bắn, cuộc đối đầu của châu Âu với Nga vẫn sẽ tiếp tục".

Không để đối phương chờ đợi lâu, rạng sáng 11-5, Tổng thống Putin đã phản pháo trong một cuộc họp báo nhân kết thúc các sự kiện mừng kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng. 

Không phản hồi đề nghị của Kiev, ông Putin nhắc nhân kỷ niệm ngày chiến thắng, Nga đã tuyên bố ngừng bắn 3 ngày và thông báo với các nước phương Tây rằng lệnh ngừng bắn có thể được gia hạn nếu Ukraine tuân thủ. 

Nhưng ngày thứ hai của lệnh ngừng bắn được công bố đơn phương đó, Ukraine đã tấn công lãnh thổ Nga. "Đã có 5 nỗ lực tấn công vào biên giới quốc gia Nga và 36 cuộc tấn công theo các hướng khác", ông Putin kể tội.

Ông khẳng định Nga chưa bao giờ từ chối tham gia đối thoại với Ukraine, kể cả vào năm 2022, khi Kiev làm gián đoạn cuộc đối thoại tại Istanbul. Putin đề nghị Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào vào ngày 15-5 cũng tại Istanbul. 

Ông nhắc lại Nga quan tâm đến việc loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và đạt được thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình bền vững lâu dài, chứ không phải một cuộc ngưng bắn "để Ukraine lợi dụng nhằm tái vũ trang và đào chiến hào".

Triển vọng chấm dứt chiến tranh?

Ngày 11-5, trên Social Truth, ông Trump yêu cầu Ukraine nên "ngay lập tức" đồng ý với các cuộc đàm phán do Putin đề xuất. Yêu cầu của ông có lẽ là một trong những lý do khiến Tổng thống Zelensky tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Điện Kremlin tại Istanbul vào thứ năm 15-5.

Hiện vẫn chưa rõ ông Putin có đồng ý gặp người mà Kremlin không ít lần gọi là "tổng thống quá hạn" không. Về phía Ukraine, cũng có những câu hỏi hoàn toàn mang tính hình thức. Đó là sắc lệnh của chính Zelensky ban hành ngày 30-9-2022, cấm các cuộc đàm phán cá nhân với Putin.

Thế nên trước mắt, triển vọng hòa bình vẫn còn xa vời, bởi nó phụ thuộc vào ý định thực sự của Kiev (và các đồng minh châu Âu) lẫn Matxcơva. Strana.news phân tích: Nếu cả hai bên đều muốn chiến tranh kết thúc thì các tối hậu thư và sự từ chối hiện tại chỉ là nỗ lực nhằm giành thế chủ động trong các cuộc hòa đàm để cuối cùng, hai bên sẽ đồng ý ngừng bắn.

Nếu ít nhất một trong hai bên (hoặc cả hai) không muốn chiến tranh kết thúc thì mọi thứ đang diễn ra chỉ là trò chơi của những người gìn giữ hòa bình. 

Vì cả Kiev và Matxcơva đều muốn tránh cơn thịnh nộ của Trump khi trực tiếp từ chối hòa bình, cũng như phải tính đến nhu cầu ngày càng tăng trong xã hội họ muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt, nên hai bên đang thực hiện nhiều động thái khác nhau để chứng tỏ "chúng tôi ủng hộ hòa bình", nhưng theo cách mà đối phương chắc chắn sẽ từ chối.

Thành phần đàm phán

Một vướng mắc hiện nay là thành phần đàm phán, khi Ukraine muốn đàm phán ở cấp cao nhất: trực tiếp Zelensky - Putin, còn Nga không mặn mà với ý tưởng này. 

Thư ký báo chí tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết sau tuyên bố của Putin, Nga sẽ tham gia đàm phán ở cấp độ "thích hợp". Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào về thành phần của phái đoàn Nga, mặc dù các nguồn tin Nga 13-5 nói sẽ có Ngoại trưởng Sergei Lavrov và trợ lý tổng thống Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov.

Phía Nga cũng nói Putin không có kế hoạch tới Istanbul, nhưng lưu ý nếu có thỏa thuận gặp Trump, người trong một bài viết trên mạng xã hội đã nói "sẽ tới Istanbul", quyết định chuẩn bị cho chuyến đi của Putin có thể được Kremlin đưa ra bất cứ lúc nào. 

CNN lại xác nhận rằng sự hiện diện của Trump tại cuộc đàm phán ở Istanbul vẫn là một câu hỏi mở, phần lớn phụ thuộc vào sự tham gia của Putin. Trước mắt, theo CNN, ông Trump cử Ngoại trưởng Marco Rubio cùng hai đại diện đặc biệt là Steve Witkoff và Keith Kellogg tới Istanbul để quan sát đàm phán. 

Ukraine thì đưa tin Zelensky sẽ không gặp bất kỳ đại diện nào của Nga tại Istanbul trừ Putin. Kiev nói với họ, một cuộc họp song phương ở cấp độ thấp hơn là vô nghĩa.■

Theo ông Kellogg trả lời Fox News, Washington hình dung như sau về các giai đoạn hòa đàm dự kiến:

(1) Ngừng bắn tạm thời 30 ngày;

(2) Thảo luận về vấn đề lãnh thổ, gồm Lugansk, Donetsk, Zaporozhye, Kherson và Crimea. Hoa Kỳ đề xuất lấy kiểm soát trên thực địa là điểm khởi đầu cho đàm phán;

(3) Vấn đề quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhye;

(4) Ý tưởng về một "lực lượng ổn định" - cụ thể là các đơn vị Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đóng quân ở phía tây sông Dnieper, ngoài vùng giao tranh trực tiếp. Mục đích là để giám sát ngừng bắn với sự tham gia của bên thứ ba;

(5) Các lệnh trừng phạt với Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận