TTCT - Nhà sản xuất tự công bố chất lượng sản phẩm, hậu kiểm yếu, Nhà nước chưa quản lý nổi các kênh phân phối, quảng cáo, người tiêu dùng có ít tiền khi giá cả của các sản phẩm có tên tuổi quá cao… Tất cả đều là đất sống cho hàng giả Người tiêu dùng hoang mang giữa một "rừng" các loại sữa. Trong ảnh: tại một cửa hàng sữa trước cổng bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Chí Tuệ Nhà sản xuất tự công bố chất lượng sản phẩm, hậu kiểm yếu, Nhà nước chưa quản lý nổi các kênh phân phối, quảng cáo, người tiêu dùng có ít tiền khi giá cả của các sản phẩm có tên tuổi quá cao… Tất cả đều là đất sống cho hàng giả, hàng kém chất lượng. Sản xuất sữa giả, thuốc giả... là giết người hàng loạtThời gian qua, có thể ghi nhận dồn dập các cảnh báo, thông tin về phát hiện sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả…Ai cũng thấy đây không phải chuyện ngày một ngày hai, mà là hậu quả tích tụ nhiều năm, thỉnh thoảng bùng phát, dậy sóng truyền thông, rồi lại tiếp tục… Chúng ta không nên chỉ dừng ở việc tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm, mà cần một giải pháp, kể cả trước mắt và lâu dài, để giải quyết vấn nạn này.Trước tiên phải thấy rằng: hàng giả len lỏi mọi nơi và ngày càng phát triển với việc bán hàng qua mạng, hoặc thói quen người tiêu dùng muốn rẻ bất chấp, mua bán không hóa đơn chứng từ. Tác hại thì quá rõ ràng: hàng giả không bảo đảm chất lượng gây hại cho người dùng, thất thu thuế, bóp chết hàng thật và những người sản xuất tử tế. Đặc biệt, làm sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả có thể coi là loại tội ác giết người hàng loạt.Hàng giả luôn là vấn nạn trên thế giới, nhưng việc kiểm soát và ngăn chặn hàng giả có vẻ chưa đạt hiệu quả, đặc biệt ở các nước nghèo, đang phát triển. Việt Nam có đặc điểm chung là sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, làm hàng giả dễ trà trộn, tham nhũng tiếp tay cho hàng giả qua mặt cơ quan chức năng, người dân thu nhập thấp sẵn sàng tiêu thụ hàng rẻ, hàng nhập lậu trong đó càng dễ trà trộn hàng giả.Xin tập trung nói về thực phẩm. Ở đây là thực phẩm bao gói sẵn, nhất là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe (sữa bổ sung, thực phẩm chức năng) vốn đắt tiền (lợi nhuận lớn) và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dùng. Cho nên chúng luôn là mục tiêu quan trọng của cả người làm hàng giả lẫn cơ quan quản lý.Mỗi năm có hàng trăm ngàn sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn được đăng ký tự công bố hoặc công bố (đối với các thực phẩm bảo vệ sức khỏe) rồi đưa ra thị trường. Tất cả đều là trên giấy tờ, đa số hồ sơ đều "vở sạch chữ đẹp". Thực phẩm chức năng phải được sản xuất ở cơ sở đạt GMP (thực hành tốt sản xuất). Việc hậu kiểm thanh tra do cơ quan chuyên ngành địa phương đảm nhiệm. Nhưng lúc nào làm? Lực lượng chức năng bao nhiêu? Cơ quan nào làm trong ba ngành (y tế, công thương, nông nghiệp)?Ở đây xin chia sẻ kinh nghiệm của TP.HCM: Sở An toàn thực phẩm thống nhất lực lượng cả ba ngành, chúng tôi tự xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra. Tuy có hơn 200 thanh tra viên bố trí trên địa bàn nhưng vẫn quá tải trước nhiệm vụ hậu kiểm 296.000 hồ sơ sản phẩm (kể cả sữa và thực phẩm chức năng), ngoài ra còn rất nhiều nhiệm vụ khác. Ngoài hạn chế về nhân lực, còn nhiều rào cản, khó khăn về quyền hạn thanh kiểm tra, kinh phí lấy mẫu và năng lực kiểm nghiệm. Ở các tỉnh thành khác cũng là những khó khăn ấy, có thể số sản phẩm đăng ký ít hơn, nhưng lực lượng quản lý rất mỏng, lại chia 3 ngành, càng mỏng hơn nữa.Nguy cơ từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùngĐã có những ý kiến cho rằng không nên cho doanh nghiệp tự công bố sản phẩm mà phải để cơ quan chức năng duyệt hồ sơ ngay từ đầu. Nhưng theo tôi, dù tự công bố hay cơ quan chức năng công bố cũng chỉ là trên giấy tờ, chất lượng sản phẩm vẫn sẽ không bảo đảm nếu chúng ta không làm tốt khâu "hậu kiểm".Muốn làm tốt hậu kiểm, cần thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra, tăng cường nguồn nhân lực, quyền hạn xử lý, chi phí kiểm định. Có những ý kiến đề nghị tăng mức xử phạt hành chính, nhưng mức phạt hiện nay cũng không phải là thấp, vấn đề là làm sao phát hiện để xử phạt. Ví dụ trong đợt kiểm tra tập trung vừa qua, Sở An toàn thực phẩm đã đề xuất UBND TP.HCM xử phạt hành chính 3 tỉ đồng với một công ty vì hành vi sử dụng nguyên liệu quá hạn để sản xuất phụ gia. Cần chuyển hình sự và xử kịch khung với những vi phạm nghiêm trọng. Chúng ta nên có những biện pháp bắt buộc nộp phạt vi phạm hành chính, tránh tình trạng chủ cơ sở chây ì, bỏ trốn rồi lại lập cơ sở khác, như chưa hề có gì xảy ra.Tôi nhớ đến vụ sữa nhiễm độc melamine ở Trung Quốc năm 2008 và cách mà Chính phủ Trung quốc đã xử lý quyết liệt như thế nào (các án tử hình, chung thân, phá sản doanh nghiệp, thu hồi sản phẩm, siết chặt kiểm tra chất lượng, đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng…). Đây là một bài học đắt giá, nếu chúng ta không muốn đi vào vết xe đổ. Thực tế cho thấy một bộ phận thanh tra chuyên ngành đã phần nào nhát tay, ít phát hiện sai phạm, không phải ngẫu nhiên mà gần đây các vụ việc phát hiện hàng giả (sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả) đều do công an tiến hành.Việc kinh doanh, phân phối sản phẩm cũng có nhiều vấn đề. Qua thông tin từ cơ quan điều tra, hàng trăm loại sữa giả ở phía Bắc hầu như được phân phối nhỏ, bán qua mạng, bán tại các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, vùng xa. Âu cũng đúng quy luật, vì sản phẩm mới, chưa có tên tuổi thì rất khó vào hệ thống siêu thị hiện đại hoặc các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc chuỗi có thương hiệu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa hệ thống phân phối lớn hoặc các sản phẩm có thương hiệu là mặc nhiên an toàn. Bản thân các chuỗi phân phối vẫn phải duy trì hệ thống quản lý chất lượng, các nhà sản xuất phải tự bảo đảm chất lượng như đã công bố… Tất cả vẫn phải đương đầu với nguy cơ giả mạo hàng có thương hiệu và hậu quả to lớn nếu không phát hiện và xử lý kịp thời. Chính vì vậy, các hệ thống phân phối hiện đại đã phải đầu tư nhiều vào công tác quản lý chất lượng và phối hợp chặt với cơ quan chức năng.Trong khi đó, nguy cơ hiện hữu rất lớn ở việc mua bán qua mạng, cùng sự lạm dụng người nổi tiếng để quảng cáo, hoặc mua bán kiểu hàng xách tay, qua giới thiệu, bán hàng đa cấp. Việc quản lý các đối tượng này không đơn giản, không dễ để bắt quả tang hay truy cứu trách nhiệm, trong khi lợi nhuận bất chính là rất lớn. Luật pháp chúng ta hầu như chưa có những chế tài cụ thể cho các hành vi phạm khi kinh doanh trên mạng, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh bất hợp pháp, cho nên chúng như cỏ dại, ngày càng sinh sôi nảy nở, là đất hứa cho hàng giả, hàng kém chất lượng. Cần phải bổ sung ngay các nội dung này trong luật. Ví dụ như về quảng cáo: cơ sở cần chứng minh chất lượng sản phẩm quảng cáo với cơ quan chức năng để được cấp chứng nhận quảng cáo, các đơn vị quảng cáo (báo, đài, người nổi tiếng…) căn cứ giấy chứng nhận này để thực hiện.Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng văn hóa quảng cáo cho cộng đồng để những quảng cáo kiểu Sơn Đông mãi võ không còn tác dụng.Trong cuộc chiến với hàng giả, hàng kém chất lượng, còn một nhân tố vô cùng quan trọng là người tiêu dùng. Khi xem thông tin về sữa giả, thực phẩm chức năng giả, chúng ta có tự hỏi: liệu mình có mua trúng đồ giả? Làm thế nào để tránh mua phải hàng giả? Lỡ mua rồi, xài rồi thì phải làm sao? Trong một số ít trường hợp biết giả mà vẫn mua vì hàng rẻ, bắt mắt, đa số các trường hợp là bị lừa mua vì tin quảng cáo, phó mặc may rủi khi mua qua mạng… Tôi chỉ xin có một lời khuyên: xin hãy thận trọng tìm hiểu, chí ít hãy mua hàng ở những cơ sở hợp pháp, uy tín, có hóa đơn và bảo đảm hậu mãi. Nếu có vấn đề nghi ngờ, hãy mạnh dạn khiếu nại với cơ quan chức năng. Tôi ước mong sẽ có những điều khoản pháp luật quy định về quyền được bồi thường của người tiêu dùng khi vô tình tiêu thụ phải thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả. Tôi cũng mong sự chênh lệch giá cả giữa những sản phẩm của cùng một mặt hàng - sản phẩm của nhãn hàng có thương hiệu và nhãn hàng không tên tuổi - được rút ngắn nhờ cắt giảm chi phí không cần thiết (quảng cáo tiếp thị, chiết khấu…) để người thu nhập thấp có nhiều lựa chọn.Có thể nói, với thực trạng hiện nay của thị trường, cơ sở pháp lý, cơ quan quản lý và ý thức cộng đồng thì hàng giả (nhất là sữa giả, thực phẩm chức năng giả) trước mắt vẫn là vấn nạn lớn. Việc giải quyết tận gốc là yêu cầu chính đáng của xã hội, đòi hỏi phải có thời gian, và một bộ máy quản lý đang rất cần thay đổi.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Chống buôn lậu, hàng giả Tiếp theo Tags: hàng giảHàng kém chất lượngSữa giả, thuốc giảSản phẩm thực phẩm
Cắt hầu bao các báo, đài công ở Mỹ: Khi khái niệm "của dân" được bảo vệ... NGUYỄN VŨ 13/05/2025 1336 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm kể tội 'ông đấu thầu' THÀNH CHUNG 17/05/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ với đấu thầu thuốc như đấu giá thì người bệnh Việt Nam không có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ trên thế giới.
Đề xuất xây dựng khẩn cấp để sớm mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây TUẤN PHÙNG 17/05/2025 Nếu thực hiện dự án theo hình thức công trình xây dựng khẩn cấp và áp dụng một số cơ chế đặc thù, sẽ cơ bản hoàn thành mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong năm 2026.
Thủ tướng: Mở chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại NGỌC AN 17/05/2025 Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06, chủ trì phiên họp lần thứ hai ngày 17-5.
Điều kiện của Nga để ông Putin gặp ông Zelensky THANH HIỀN 17/05/2025 Điện Kremlin nói Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nếu hai bên đạt được một số thỏa thuận nhất định.