TTCT - Ngày 11-1-2016 vừa qua, phim Con trai của Saul (tựa đề tiếng Anh: Son of Saul) của nhóm làm phim trẻ Hungary vừa lập một kỳ tích lịch sử: trở thành phim Hungary đầu tiên đoạt giải Golden Globe (Quả cầu vàng) tại Hollywood. Géza Röhrig trong vai chính của phim Con trai của Saul Bộ phim do nhóm làm phim trẻ Hungary (đạo diễn: Nemes Jeles László, kịch bản: Nemes Jeles László và Clara Royer, âm nhạc: Melis László, quay phim: Erdély Mátyás) thực hiện. Trong lễ trao giải, đạo diễn Nemes Jeles László đã bày tỏ lời tri ân Quỹ điện ảnh dân tộc Hungary, đơn vị đã tài trợ khoảng 1,1 triệu USD để làm phim này. Tuy được tài trợ nhưng Con trai của Saul vẫn là phim có chi phí thấp nhất (1,5 triệu USD) trong năm phim lọt vào danh sách tranh cử cuối cùng của giải Quả cầu vàng. Kể từ khi trình chiếu, đây là phim nước ngoài được xem nhiều nhất ở Mỹ. Nhận Quả cầu vàng, đạo diễn Nemes Jeles László (38 tuổi) nói: “Trong những năm vừa qua, Holocaust (nạn diệt chủng hàng loạt người Do Thái) đã trở thành một khái niệm trừu tượng, nhưng đối với tôi đó là gương mặt con người, và chúng ta không bao giờ được quên gương mặt con người ấy”. Anh còn nói thêm: “Holocaust đã cho thấy trong một xã hội văn minh, sự tàn bạo có thể tha hóa đến mức nào, con người có thể biến thành quỷ dữ như thế nào. Nguy cơ này thường trực ở mọi thời đại, nếu chúng ta không cảnh giác nó có thể tái diễn trong tương lai. Tôi muốn cảnh báo khán giả rằng điều đó có thể xảy ra với bất cứ ai, ai cũng có thể rơi vào tình cảnh này”. Từ tháng 3-2011, đạo diễn Nemes Jeles László đã ở Paris năm tháng trong chương trình học bổng Residence của Quỹ điện ảnh (Cinéfondation), được sự giúp đỡ của nữ nhà văn Pháp Clara Royer, anh đã phát triển và hoàn thiện ý tưởng phim và hoàn thành kịch bản bộ phim nói về Holocaust dưới một giác độ hoàn toàn khác lạ so với các phim trước đây về đề tài này. Chính cách nhìn mới lạ đã làm nên sự độc đáo và thành công của bộ phim. Trong vòng 70 năm sau Holocaust, đã có rất nhiều phim về đề tài này, nhưng Con trai của Saul cuốn hút người xem nhờ cách thể hiện chưa từng có, nó biến khán giả trở thành người dự phần của câu chuyện, không phải là do những gì nó mô tả mà là cách thức nó mô tả và nói về đề tài này, và điều này không thể hiểu được chừng nào chúng ta chưa xem phim mà chỉ đọc hay nghe tóm tắt câu chuyện. Nhiều khán giả Mỹ sau khi xem phim này đã thật sự bàng hoàng, thậm chí bị sốc, và có cái nhìn chân thực hơn về sự thảm khốc của Holocaust. Bộ phim miêu tả một ngày rưỡi (7 đến 8-10-1944) trong trại tập trung Auschwitz-Birkenau của nhân vật chính Saul Ausländer, một tù nhân người Do Thái Hungary, thành viên của đội Sonderkommando (có nhiệm vụ đốt các xác chết tù nhân và tiêu hủy tro cốt của họ). Đó là những người bị tách biệt hoàn toàn khỏi các tù nhân khác, và chính họ cũng có thể bị hủy diệt bất cứ lúc nào. Một hôm, trong đống thi thể trẻ em, Saul nhận ra cậu con trai yêu quý của anh. Anh đã thử làm một việc bất khả: cứu thi thể con trai khỏi bị thiêu cháy. Anh đã liên hệ với một tù nhân khác trong đội, cùng nhau tìm cách chôn cậu con trai và đọc Kaddish (kinh cầu) trước mộ con mình theo đúng truyền thống của người Do Thái. Trong khi các Sonderkommando nổi loạn, đập phá lò thiêu, Saul không tham gia và chỉ tìm cách thực hiện kế hoạch của mình, chôn cất cậu con trai tử tế, đứa con mà khi còn sống anh không có điều kiện chăm lo cho nó. Ngoài nhóm làm phim và các diễn viên chính Hungary, phim có sự tham gia của nhiều diễn viên quốc tế từ các nước Đức, Ba Lan, Mỹ và Israel. Bộ phim được quay trong 30 ngày tại Budapest. Dựa trên các bức ảnh cũ và các nghiên cứu sử học, các nhà làm phim đã tái hiện địa ngục trần gian khét tiếng: trại tập trung Auschvitz-Birkenau. Giới chuyên môn điện ảnh Hungary đánh giá cao thành công này và hi vọng giải thưởng Quả cầu vàng là một bước ngoặt lớn thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Hungary, và sau giải thưởng cao quý này, giới làm phim, các nhà đầu tư sản xuất phim ảnh quốc tế, khán giả trên thế giới sẽ chú ý nhiều hơn nữa tới các phim Hungary và các nhà làm phim trẻ đầy tài năng của điện ảnh nước này. Nhóm làm phim và đông đảo khán giả yêu điện ảnh Hungary hi vọng Con trai của Saul sẽ lọt vào số năm phim cuối cùng tranh cử, thậm chí giật giải Oscar 2016 sắp tới.■ Bên cạnh nhiều giải thưởng khác, đặc biệt là giải dành cho phim nước ngoài hay nhất trong năm 2014 của National Board of Review of Motion Pictures, giải phim đầu tay hay nhất của Hiệp hội Các nhà phê bình phim New York, giải phim nước ngoài hay nhất của Hiệp hội Các nhà phê bình phim Los Angeles, Con trai của Saul đã được vinh danh với giải thưởng lớn (Grand Prix) của ban giám khảo và ba giải thưởng khác của Liên hoan phim Cannes 2015. Nhóm làm phim Con trai của Saul, đứng giữa là đạo diễn Nemes Jeles László Tags: Con trai của SaulPhim Hungary đầu tiên đoạt giải Cầu VàngPhim hungaryNemes Jeles László
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Chuẩn bị, bổ sung quân số tham gia diễu binh, diễu hành dịp 80 năm Quốc khánh NAM TRẦN 12/05/2025 Bộ Tổng tham mưu đã làm việc với các cơ quan, đơn vị về đề án tổ chức lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.
Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc lãng phí nghiêm trọng, phức tạp THÀNH CHUNG 12/05/2025 Theo hướng dẫn, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Sau bữa sáng ở nhà bí thư Thành ủy Hà Nội, Tập đoàn Thuận An trúng thầu dự án cầu Vĩnh Tuy 2 THÂN HOÀNG 12/05/2025 Năm 2020, chủ tịch Tập đoàn Thuận An gặp giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội trong bữa ăn sáng tại nhà bí thư thành ủy, sau đó được tạo điều kiện để trúng gói thầu ở dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An AN VI 12/05/2025 'Cảm ơn nghĩa tình, sự tận tụy của báo Tuổi Trẻ, bố tôi và gia đình cảm nhận được tình người ấm áp giữa thành phố đông đúc, xa lạ'.