TTCT - Người dân muốn thấy những vấn đề, "câu chuyện", nguyện vọng, ý chí của mình hiện diện trong câu chữ, điều khoản của Hiến pháp. Người dân muốn thấy nguyện vọng, ý chí của mình trên các chính sách của nhà nước. Ảnh: Post GazetteNgày 6-5-2025, ngay sau khi được thành lập, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã công bố kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Phạm vi, quy mô sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này giới hạn ở các nội dung về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, nhưng lại tác động ngay lập tức đến gần 100 triệu người dân.Với dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và bản thuyết minh, người dân khó nhận biết quyền lợi thiết thân của mình nằm ở đâu trong khi các nội dung sửa đổi chỉ đề cập đến MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương hai cấp... Vậy nên, khi lấy ý kiến người dân thì phải "chẻ nhỏ" nội dung với những câu hỏi cụ thể. Ví dụ như lợi ích và khó khăn bỏ cấp huyện, giải pháp khắc phục bất tiện cho dân. Cần bổ sung một khoản (tại điều 2) quy định trong thời gian chờ hoàn thiện pháp luật thì các cơ quan nhà nước không làm xáo trộn cuộc sống, công việc của người dân, doanh nghiệp như không phải thay đổi giấy tờ hợp lệ, các thủ tục hành chính của cấp huyện trước đây được giao về tỉnh hay xã...Có thể tham vấn ý kiến nhân dân, chuyên gia, thể hiện cụ thể như thế nào nguyên tắc gần dân, phục vụ nhân dân trong tổ chức chính quyền địa phương để mô hình mới gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp không còn nội dung phải lấy ý kiến người dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Nên chăng cần lấy ý kiến của người dân về nội dung này.Thảo luận toàn dân là cách thức dân chủ, tạo điều kiện người dân thể hiện các quan điểm, chính kiến về toàn bộ dự thảo nói chung, cũng như đối với từng điều khoản cụ thể. Vấn đề là việc tổ chức lấy ý kiến cụ thể ở từng xã/phường, thôn, bản, trên các trang mạng, và việc tổng hợp, tiếp thu như thế nào.Rất cần cụ thể hóa khái niệm nhân dân để có thể lắng nghe tiếng nói từ các góc nhìn khác nhau của các nhóm dân cư trong xã hội, từ những người dân cụ thể, các nhóm dễ tổn thương như người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người dân ở các vùng khó khăn, cho đến các doanh nghiệp, tổ chức, các chuyên gia. Như vậy, việc lấy ý kiến của dân mới bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm... đúng như chủ trương.Tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, trưng cầu ý dân hay phúc quyết toàn dân là công đoạn không thể thiếu trong quy trình ban hành hoặc sửa đổi Hiến pháp. Ở Việt Nam, Luật Trưng cầu ý dân quy định có thể trưng cầu toàn văn hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp. Ở lần sửa Hiến pháp này, cần trưng cầu ý dân về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, với những câu hỏi cụ thể như đã đề cập ở phần trên của bài viết. Đây là cơ hội để thực hiện dân chủ trực tiếp, thể hiện chủ quyền lập hiến và biểu thị trực tiếp ý chí của nhân dân đối với Hiến pháp, cũng là động lực để người dân tự giác thực hiện các quy định do chính họ biểu quyết thông qua.Người dân không có cảm xúc với những con số "cao ngất" như hàng chục triệu người đã góp ý, hoặc 99% người đồng ý với nội dung này, nội dung kia. Có thể chỉ cần vài triệu ý kiến đã là nhiều, tỉ lệ 60 - 70% đã là cao; các ý kiến có chất lượng, đóng góp vào nội dung của dự thảo được tiếp thu, thì đã đạt yêu cầu về tính thực chất. Việc lấy ý kiến qua VNeID tưởng là một sáng kiến hay, nhưng hiện nhiều người dân còn gặp khó khăn khi thao tác trên ứng dụng này. Thời gian lấy ý kiến chỉ trong một tháng cũng đặt ra thách thức đối với chất lượng, tính thực chất của việc thu thập, tổng hợp, phân tích, phản hồi ý kiến đóng góp.Bên cạnh đó, các câu hỏi lấy ý kiến, tài liệu kèm theo phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, không thể mập mờ, hiểu nước đôi và đặc biệt nêu được những tác động đến quyền, lợi ích của các nhóm người dân khác nhau.Thực tiễn các nước và Việt Nam cho thấy, nếu sự tham gia của nhân dân vào quy trình xây dựng hoặc sửa đổi Hiến pháp được thực chất, đó sẽ là một dịp cho nhân dân thảo luận, nhận thức được vai trò của mình đối với việc nước đồng thời, việc dân tham gia sẽ làm tăng "tuổi thọ" của Hiến pháp. Bởi vì khi được tham gia ngay từ giai đoạn hình thành Hiến pháp, các chủ thể trong xã hội sẽ viện đến Hiến pháp nhiều hơn, tuân thủ Hiến pháp tốt hơn, tức là làm cho Hiến pháp có tác dụng trên thực tế, sống với đời. Hiến pháp phải là một thực thể sống, và sức sống đó được "trui rèn" qua những lần sửa đổi mang trong mình nguyện vọng, ý chí của nhân dân.■ Tags: Hiến phápNgười dânLấy ý kiếnNhân dân
Cắt hầu bao các báo, đài công ở Mỹ: Khi khái niệm "của dân" được bảo vệ... NGUYỄN VŨ 13/05/2025 1336 từ
Công an Hà Nội phá chuyên án 100 tấn thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả DANH TRỌNG 16/05/2025 Công an thành phố Hà Nội vừa phá chuyên án, bắt giữ 7 nghi phạm, thu giữ trên 100 tấn thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả trên địa bàn toàn quốc.
Nợ xấu ngân hàng tăng thêm 37.000 tỉ đồng sau 3 tháng, lũy kế vượt 10 tỉ USD BÌNH KHÁNH 16/05/2025 Tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết thời điểm cuối tháng 3 năm nay xấp xỉ 264.000 tỉ đồng, tăng hơn 37.000 tỉ đồng so với đầu năm nay.
Công an lên tiếng về thông tin bắt khẩn cấp một cán bộ cấp cao ở Trà Ôn, Vĩnh Long HOÀI THƯƠNG 16/05/2025 Những ngày qua trên mạng xã hội TikTok xuất hiện đoạn video với nội dung bắt khẩn cấp một cán bộ cấp cao có liên quan đến vụ án người đàn ông dùng súng tự chế bắn người khác rồi tự sát xảy ra tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn.
Đàm phán Nga - Ukraine kết thúc: Nga yêu cầu Ukraine từ bỏ nhiều lãnh thổ hơn NGHI VŨ 16/05/2025 Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul ngày 16-5 đã kết thúc sau khoảng 2 tiếng.