TTCT - Muốn người dân chịu sinh con thì nhà nước nên hứa hẹn cái gì? "2025 sẽ là năm đột phá! Chúng tôi triển khai chương trình giảm thuế lớn nhất châu Âu. Các bà mẹ có hai hoặc ba con sẽ được miễn thuế thu nhập suốt đời. Cả thế giới chưa có chính sách nào như vậy!" - Thủ tướng Hungary Victor Orban viết trên X ngày 23-2. Theo tuyên bố chính thức, việc miễn thuế sẽ bắt đầu với nhóm có ba con từ tháng 10-2025, và nhóm có hai con từ tháng 1-2026.Hiện tại, các bà mẹ có từ bốn con trở lên ở Hungary đã được miễn thuế thu nhập. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ hào phóng, quốc gia này vẫn không ngăn được đà suy giảm dân số: 9,9 triệu người năm 2024, so với 10,7 triệu vào năm 1980, theo dữ liệu của Macro Trends. Một tuần sau, đài Mỹ Fox Business mới đưa tin về Hungary kèm lời chú: "Cũng như Trump, nhà lãnh đạo Hungary Orban muốn nước mình có nhiều trẻ con hơn". Kế hoạch của Trump là giảm chi phí và gỡ bỏ rào cản để nhiều người có thể làm thụ tinh ống nghiệm hơn và ưu tiên rót ngân sách cho những nơi có sinh suất cao. Mà đâu chỉ Trump hay Orban. Lãnh đạo các quốc gia đang đau đầu vì tỉ suất sinh giảm cũng phải nghĩ trăm phương ngàn kế để người dân chịu đẻ - từ trợ giá xe hơi, phẫu thuật miễn phí đến trao mề đay (Kazakhstan trao huy chương vàng kèm trợ cấp trọn đời cho mẹ nào có 7 con trở lên, theo BBC).Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ dựa vào trợ cấp tài chính không thể giải quyết bài toán dài hạn. "Những phụ nữ đáng lẽ sẽ giãn thời gian sinh con trong nhiều năm lại đổ dồn sinh con cùng lúc để nhận tiền thưởng, rồi sau đó tỉ lệ sinh giảm mạnh" - Sarah Harper, giáo sư lão khoa kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu dân số cao tuổi Oxford, nói với Business Insider. Hỗ trợ tiền mặt có thể tạo ra cơn sốt sinh nở ngắn hạn, sau đó là giai đoạn sụt giảm. Các biện pháp hỗ trợ tài chính thậm chí đã sai ngay từ đầu khi dựa trên giả định chi phí nuôi con là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ sinh giảm. Thực tế, theo Poh Lin Tan, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, có cả "một tổ hợp nhiều yếu tố" khiến mọi người sinh ít con hơn: thời gian học tập kéo dài, sự thay đổi trong mô hình gia đình truyền thống và xung đột giữa việc xây dựng gia đình với phát triển sự nghiệp.Ngoài tài chính, tăng hỗ trợ thai sản cho cả người mẹ lẫn bố đứa trẻ được nhiều quốc gia, nhất là các nước Bắc Âu, lựa chọn (Na Uy cho phép nghỉ thai sản 49 tuần với lương đầy đủ, Phần Lan cấp bảy tháng nghỉ cho mỗi phụ huynh, còn Thụy Điển cho phép 240 ngày nghỉ/người). Tuy vậy, Philip N. Cohen, nhà nhân khẩu học gia đình tại Đại học Maryland, cảnh báo rằng những chính sách này có thể dẫn đến những tác động ngoài mong muốn. Trong một số trường hợp, cha mẹ không sinh thêm con mà chỉ tận dụng các chế độ nghỉ dài hạn và hệ thống chăm sóc trẻ toàn diện để giãn khoảng cách giữa các lần sinh, giúp họ hưởng lợi nhiều hơn.Nhiều chuyên gia nhất trí rằng không có công thức nào giúp duy trì mức sinh cao một cách bền vững. Trent MacNamara, giáo sư Đại học Texas A&M, cho rằng giới trẻ ngày càng xem gia đình nhỏ là tiêu chuẩn, và đây là một vòng luẩn quẩn rất khó phá vỡ. Ngay cả khi một "công thức thần kỳ" xuất hiện, theo ông, chính phủ cũng cần áp dụng thận trọng để tránh gây ra mức tăng dân số mất kiểm soát.The Economist thậm chí cho rằng các chính phủ không nên cố gắng thúc đẩy tỉ lệ sinh. Ngoài chuyện giả định sai lầm về nguyên nhân thực sự khiến tỉ suất sinh giảm, các chính sách khuyến sinh có thể tốn kém hơn so với những vấn đề mà chúng được thiết kế để giải quyết, nói cách khác là chi phí cao hơn lợi ích. "Trả tiền để người ta sinh con là không hiệu quả" - The Economist viết, và gợi ý: thay vì cố gắng đảo ngược xu hướng giảm sinh, chính phủ cần giúp xã hội thích nghi trơn tru với thực tế xã hội kiểu gì cũng già hóa.Người lạc quan hơn có thể nhìn Hàn Quốc để tiếp tục hy vọng. Lần đầu tiên kể từ năm 2015, số trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc tăng trở lại: khoảng 238.300 trẻ sinh năm 2024, tăng 8.300 trẻ so với năm 2023, theo báo cáo sơ bộ công bố ngày 27-2. Dù chưa rõ đây chỉ là biến động tạm thời hay dấu hiệu của một xu hướng dài hạn, mức tăng 3,6% này vẫn mang lại chút hy vọng cho chính phủ, vốn đã chi hàng tỉ USD và triển khai hàng loạt chính sách nghỉ thai sản và phúc lợi nhằm giải quyết "tình trạng khẩn cấp quốc gia về dân số", như cách gọi của Tổng thống Yoon Suk Yeol.Nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực ở xứ kim chi: cho phép phụ nữ mang thai làm việc ít giờ hơn và tăng thời gian nghỉ chăm con cho các ông bố (từ 10 lên 20 ngày). Ngoài ra, cha mẹ mới sinh sẽ nhận được trợ cấp hằng tháng cao hơn, từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu won (khoảng 25 - 42 triệu đồng) trong vài tháng đầu sau khi sinh. Không dựa vào "khuyến sinh bằng tiền", nhưng cũng không thể bỏ hẳn yếu tố tài chính ra khỏi phương trình. Hàn Quốc có lặp lại kỳ tích, và thành gương sáng cho nhiều nơi noi theo? Tags: Khuyến sinhTỉ suất sinhSinh conDân số
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Vệt sáng trên bầu trời Đà Nẵng, Quảng Ngãi sáng nay là do Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thiên Châu 9 CHÍ TUỆ 15/07/2025 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vệt sáng xuất hiện trên bầu trời sáng nay là do Trung Quốc đã phóng thành công tàu chở hàng vũ trụ Thiên Châu 9 từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam.
Trong bữa cơm tối tại nhà cựu chủ tịch Quốc hội, Thuận An được giới thiệu làm dự án ngàn tỉ THÂN HOÀNG 15/07/2025 Cuối năm 2021, trong một buổi ăn cơm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang (cũ) tại nhà nguyên chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Thái Hà giới thiệu chủ tịch Tập đoàn Thuận An với bí thư tỉnh nhờ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia dự án.
Các nhóm cán bộ, công chức được hưởng thêm hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng? THÀNH CHUNG 15/07/2025 Theo Bộ Nội vụ, nghị định 179/2025 đã quy định rõ người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng theo vị trí việc làm được hưởng mức hỗ trợ.
Từ giới thiệu của ông Phạm Thái Hà, Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu cầu Vĩnh Tuy 2 gần 290 tỉ THÂN HOÀNG 15/07/2025 Ông Phạm Thái Hà, khi còn là trợ lý của bí thư Thành ủy Hà Nội thời điểm năm 2020, đã giới thiệu Tập đoàn Thuận An để được tham gia thi công dự án cầu Vĩnh Tuy 2.