TTCT - Chưa bao giờ quá trình hình thành các cơ chế an ninh đa phương chính thức của Mỹ tại châu Á lại diễn ra mạnh mẽ như dưới thời chính quyền Joe Biden, và những đồn đoán về một khối quân sự mới lại đang rộ lên... Ảnh: The Week Từ đầu nhiệm kỳ của ông Biden, Mỹ đã nâng cấp đối thoại an ninh bốn bên Quad với ba đối tác Nhật Bản, Úc và Ấn Độ lên thành hội nghị thượng đỉnh định kỳ. Rồi tháng 9-2021 là Hiệp ước AUKUS Úc, Anh, Mỹ về sản xuất tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Úc. Tháng 6-2022, NATO, mà ai cũng biết là một với Mỹ, ra mắt tài liệu Khái niệm chiến lược mới trong đó nêu đích danh Trung Quốc là "ưu tiên chiến lược cao". Vì mục tiêu đó, khối quân sự này bắt đầu mời lãnh đạo các nước Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tới dự những hội nghị thượng đỉnh thường niên của họ.Tháng 8-2023, ông Biden đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đồng thời ở Trại David, địa điểm thân mật với các đồng minh đặc biệt được Mỹ coi như "người trong nhà". Thượng đỉnh ba bên đó đã cho ra đời cam kết về "tham vấn lẫn nhau trong trường hợp xảy ra những vấn đề khẩn cấp về an ninh", thứ ngôn ngữ thường chỉ được dùng trong các hiệp ước phòng thủ tập thể.Không phải vô cớ mà sau hội nghị, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phải ra sức bác bỏ những đồn thổi về ý định của Mỹ phát triển từ quan hệ đồng minh ba bên này lên thành "một NATO mới ở Thái Bình Dương". Washington có thể chưa có ý định đeo đuổi một khối quân sự châu Á ngay lúc này, nhưng với tình hình địa chính trị và an ninh khu vực hiện giờ, "lựa chọn chưa bao giờ là rõ ràng như vậy suốt bảy thập kỷ qua", Foreign Policy bình luận vào tháng 9-2023.Về vấn đề này có hai góc độ cần nhìn nhận.Thứ nhất là mạng lưới các đồng minh của Mỹ trong khu vực được xây dựng sau Thế chiến II. Washington có các hiệp ước phòng thủ song phương với Nhật Bản và Philippines, hiệp ước tương hỗ về an ninh ANZUS với Úc và New Zealand, và các thỏa thuận an ninh khác với Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan (từ 1979 thay thế bằng đạo luật quan hệ với Đài Loan, sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc). (Cũng có thể kể thêm khối quân sự yểu mệnh SEATO mà Mỹ dùng để tập hợp đồng minh, theo đúng mô hình NATO, phục vụ cuộc chiến của họ ở Việt Nam. Khối này lặng lẽ giải tán vào năm 1977 sau khi cuộc chiến thống nhất đất nước của Việt Nam thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975).Góc độ thứ hai là cách tổ chức của NATO. Nhóm quân sự này thiết lập rất rõ phạm vi địa lý ngay từ trong tên gọi: khu vực Bắc Đại Tây Dương. Họ cũng sẽ cần sự nhất trí chính trị của tất cả 32 thành viên nếu muốn đưa thêm vào các đối tác châu Á. Những khó khăn trầy vi tróc vẩy để kết nạp hai quốc gia thành viên mới nhất, vốn rất "đủ tư cách", Phần Lan và Thụy Điển cho thấy sự nhất trí đó khó đạt được ra sao."Khi tôi còn là tổng tư lệnh NATO, thuyết phục được 28 thành viên nhất trí về những kế hoạch triển khai quân tương đối khiêm tốn thôi ở Afghanistan hay Iraq đã là vô cùng khó khăn - cựu tổng tư lệnh NATO và cựu đô đốc hải quân Mỹ James Stavridis viết trên Bloomberg 8-4 - Bổ sung các đối tác châu Á có thể khiến những người kế nhiệm của tôi phát điên". Nhưng ngay cả như vậy, ông Stavridis vẫn tin rằng "có những lý do nghiêm túc" cần cân nhắc việc này, bao gồm sức mạnh kinh tế của các đối tác châu Á (mà ông nhắc tên cả Úc và Singapore) và "các giá trị chung" theo tuyên ngôn của NATO.Tuy nhiên, có một điều mà ông không nhắc tới, đó là phản ứng chắc chắn sẽ không dễ chịu chút nào từ Trung Quốc, Triều Tiên hay Nga, nếu như kế hoạch "NATO châu Á" này thực sự được triển khai.■ Tags: Châu ÁMỹTổng thống hàn quốcNatoĐịa chính trị
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước nào làm ăn với Nga DUY LINH 14/07/2025 Ông Trump dọa áp thuế 100% với nước giao thương cùng Nga nếu Matxcơva không đạt thỏa thuận ngừng bắn Ukraine trong 50 ngày.
Khởi tố 18 bị can ở Cục An toàn thực phẩm nhận hối lộ hơn 75 tỉ đồng để cấp khống giấy tờ DANH TRỌNG 14/07/2025 Tối 14-7, Bộ Công an cho biết văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Giám đốc Công an Hà Nội: Ở thủ đô sẽ không có cảnh sát giao thông ngoài phố, thay thế bằng camera AI PHẠM TUẤN 14/07/2025 Giám đốc Công an Hà Nội cho biết dự kiến đến 18-12, khi lắp đủ camera AI, giao thông Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông nữa.
Cách cựu trợ lý của cựu chủ tịch Quốc hội 'tác động' cho Tập đoàn Thuận An THÂN HOÀNG 14/07/2025 Ông Phạm Thái Hà, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu trợ lý của nguyên chủ tịch Quốc hội, bị viện kiểm sát truy tố với cáo buộc nhận 750 triệu đồng sau khi có tác động giúp Tập đoàn Thuận An trúng thầu.