TTCT - Một phát hiện mới vừa mở ra cách tiếp cận toàn diện hơn khi nghiên cứu về tác động của phản ứng viêm với quá trình lão hóa. Ảnh: incitehealth.comMôi trường sống và lối sống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại mà còn tác động đến cách chúng ta già đi thông qua phản ứng viêm."Viêm - lão - bệnh"Viêm là một phản ứng miễn dịch tự nhiên thiết yếu để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, chấn thương hoặc các yếu tố bên ngoài khác. Lúc này, các tế bào miễn dịch tiết ra cytokine - một protein quan trọng hoạt động như chất "truyền tin" giữa các tế bào, điều chỉnh phản ứng viêm, kiểm soát sự phát triển, hoạt động của các tế bào miễn dịch và tế bào máu. Chúng có thể kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tế bào, điều chỉnh quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis) và ảnh hưởng đến di căn của tế bào ung thư.Viêm cấp tính xảy ra trong thời gian ngắn là cần thiết để chữa lành nhiễm trùng, nhưng tiếp xúc lâu dài với tình trạng viêm - phát sinh từ một loạt tác nhân gây bệnh bên ngoài hoặc bên trong cơ thể (như rối loạn chuyển hóa, béo phì, căng thẳng mãn tính…) khiến hệ miễn dịch bị "quá tải", dần dần làm suy yếu các cơ quan và hệ thống.Trong nhiều năm, viêm mãn tính ở mức độ thấp được biết đến như một dấu hiệu đặc trưng, là động lực chính gây ra quá trình lão hóa, tăng dần theo tuổi tác và âm thầm thúc đẩy các bệnh lý liên quan đến tuổi già. Điển hình, tình trạng viêm thúc đẩy các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch bằng cách liên tục làm tăng các yếu tố gây viêm như CRP và IL-6, gây tổn thương mạch máu và lắng đọng lipid hay trong bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson, các tế bào thần kinh bị tổn thương do tình trạng viêm kích hoạt giải phóng các cytokine như TNF-α.Một bài đánh giá Xu hướng nghiên cứu toàn cầu về tình trạng viêm nhiễm từ năm 2005 - 2024 đăng trên PubMed Central hồi tháng 4-2024 cho thấy trong 2 thập kỷ qua, khối lượng tài liệu đã tăng lên đáng kể, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà nghiên cứu về tình trạng viêm như một cơ chế chính trong quá trình lão hóa.Câu hỏi đặt ra là liệu tác động của tình trạng viêm có liên quan trực tiếp đến lão hóa hay không, có liên quan đến lối sống hoặc môi trường sống và có giống nhau ở tất cả các quần thể người hay không? Hỏi vậy là bởi cách chúng ta hiểu về tình trạng viêm và sức khỏe lão hóa "hầu như hoàn toàn dựa trên nghiên cứu ở các quốc gia có thu nhập cao như Hoa Kỳ" - Thomas McDade, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Northwestern (Mỹ), nói với tờ The New York Times.Vì lẽ đó, một nghiên cứu được đăng trên trang Nature Aging hồi tháng 6-2025 gây chú ý khi so sánh tình trạng viêm nhiễm giữa các nhóm dân số toàn cầu, cho thấy khác biệt giữa xã hội đô thị hóa và các cộng đồng bản địa.Một cách tiếp cận mớiCác nhà nghiên cứu đã so sánh các mẫu máu của khoảng 2.800 người lớn trong độ tuổi từ 18 - 95 và phân tích dữ liệu của 19 cytokine (các phân tử gây viêm) từ bốn nhóm dân số: hai nhóm đến từ xã hội công nghiệp hiện đại ở Ý và Singapore với hai nhóm dân số bản địa, có lối sống truyền thống gồm người Tsimane ở Amazon của Bolivia và người Orang Asli ở bán đảo Malaysia.Kết quả cho thấy trong các nhóm công nghiệp hóa có mô hình viêm nhất quán tăng theo tuổi, nghĩa là khi cơ thể lão hóa thì dấu hiệu viêm trong máu tăng lên và có liên quan đến các bệnh mãn tính theo tuổi tác như đột quỵ, bệnh tim mạch và ung thư. Ngược lại, trong hai nhóm phi công nghiệp hóa, các tác giả nhận thấy mức độ viêm nhiễm cao nhưng không tăng theo tuổi tác và không dẫn đến các bệnh mãn tính đang phổ biến trong xã hội công nghiệp hóa. Trên thực tế, những người bản địa như người Tsimane có tỉ lệ mắc các bệnh như bệnh tim, tiểu đường và chứng mất trí rất thấp, ngay cả khi người bản địa trẻ tuổi có hồ sơ sức khỏe tương tự với người lớn tuổi trong nền công nghiệp hóa thì cũng không dẫn đến hậu quả bệnh lý tương tự.Lý giải về điều này, các tác giả cho rằng mức độ viêm nhiễm cao ở nhóm phi công nghiệp chủ yếu là do nhiễm trùng, bởi lối sống và chế độ ăn uống có thể đã tiếp xúc với một số vi khuẩn nhất định trong nước, thực phẩm, đất và động vật nuôi sớm hơn, từ đó tăng cường phản ứng miễn dịch về sau chứ không phải do tuổi tác. Khoảng 66% người Tsimane bị ít nhất một lần nhiễm ký sinh trùng đường ruột hay hơn 70% người Orang Asli bị nhiễm trùng phổ biến.Trong nhóm này, mức độ viêm cao hơn có thể là phản ứng bình thường, lành mạnh với môi trường xung quanh, chứ không phải là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang suy yếu theo tuổi tác. Ngược lại, những người sống trong môi trường công nghiệp, đô thị hóa thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều chất ô nhiễm và độc tố đều có thể gây viêm. "Điều này cho thấy các tế bào miễn dịch được kích hoạt theo những cách khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh" - Aurelia Santoro, phó giáo sư tại Đại học Bologna (Ý), nói với The New York Times. Những phát hiện mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét các yếu tố văn hóa, môi trường và lối sống khi nghiên cứu quá trình lão hóa và thách thức trong chẩn đoán và điều trị các mô hình viêm hiện có. "Có vẻ như tình trạng viêm nhiễm và có lẽ cả các cơ chế lão hóa có thể phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh. Một mặt, điều đó là thách thức vì sẽ không có câu trả lời chung cho các câu hỏi khoa học. Mặt khác, nó có triển vọng, có nghĩa là chúng ta có thể can thiệp và thay đổi mọi thứ" - tiến sĩ Alan Cohen tại Đại học Columbia (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, nói với Medical Xpress.Nghiên cứu trong tương lai có thể khám phá cách các điều kiện môi trường cụ thể điều chỉnh tình trạng viêm và tác động của nó đến kết quả sức khỏe, điều này có thể "mở đường" cho các phương pháp tiếp cận có mục tiêu hơn, để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tuổi tác ở các nhóm dân số khác nhau trên toàn cầu.Đồng thời, nghiên cứu này như một lời nhắc nhở quan trọng rằng những hiểu biết về sức khỏe con người và quá trình lão hóa hiện nay có thể mang tính chất cục bộ, bởi phần lớn đến từ các quốc gia công nghiệp giàu có. Do vậy, cần có công cụ chuẩn hóa để đo lường quá trình lão hóa và tình trạng viêm cho các quần thể.Thuốc chống viêm ngăn ngừa lão hóaNghiên cứu về tuổi thọ đang là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng, nhằm tìm kiếm các biện pháp can thiệp mới thúc đẩy quá trình lão hóa lành mạnh và kéo dài tuổi thọ, trong đó yếu tố viêm vẫn là "đích" nhắm tới.Khi tuổi tác tăng, các tế bào già tích tụ, một mặt giúp ngăn chặn sự tăng sinh của các tế bào bị tổn thương. Song chúng cũng có thể tiết ra các cytokine tiền viêm, thúc đẩy tình trạng viêm mãn tính. Do vậy, thuốc chống lão hóa như senolytic đang nổi lên như một bước ngoặt trong y học chống lão hóa.Senolytic là một nhóm các phân tử nhỏ nhắm tới loại bỏ các tế bào già, bằng cách kích hoạt quá trình apoptosis hoặc ngăn chặn các con đường sinh tồn của chúng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp điều trị senolytic có thể loại bỏ một cách có chọn lọc các tế bào già, giảm cytokine gây viêm và kéo dài sự sống của chuột.Năm 2025, các liệu pháp senolytic đang trải qua các thử nghiệm lâm sàng tiên tiến trên người cho viêm xương khớp, bệnh Alzheimer và bệnh tim mạch. Điển hình, Fisetin - một loại hợp chất tự nhiên và các loại thuốc như Navitoclax - đang được khám phá về khả năng giảm viêm, tăng cường chức năng mô và cải thiện tuổi thọ tổng thể.Ngoài ra còn có sự phát triển của Senomorphics là các loại thuốc hoặc hợp chất có tác dụng ức chế các tác động có hại của tế bào già, bằng cách giảm hoặc ngăn chặn sự tiết ra các chất gây viêm mà không loại bỏ chúng trực tiếp. Nhiều loại thuốc đang trong giai đoạn nghiên cứu, trong đó rapamycin là chất được nghiên cứu tốt nhất, đây là chất ức chế mTOR - enzyme đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, phân chia và trao đổi chất của tế bào, đã được chứng minh là kéo dài tuổi thọ và làm giảm lão hóa do tia UV-A gây ra ở mô hình chuột.Mặt khác, các mô hình dự đoán dựa trên AI cũng đã nổi lên như những công cụ cải tiến, để đánh giá rủi ro và dự đoán sự khởi phát của tình trạng viêm, cho phép áp dụng các phương pháp can thiệp được cá nhân hóa hơn.Trong khi chờ đợi kết quả tích cực từ các thử nghiệm về thuốc chống lão hóa, chúng ta có thể làm giảm tình trạng viêm mãn tính hằng ngày thông qua việc duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn uống lành mạnh và giảm căng thẳng. Nghiên cứu trên Nature Aging vẫn còn nhiều hạn chế: chỉ mới xét các dấu hiệu viêm trong mẫu máu mà không phải sự khác biệt cụ thể về lối sống hoặc chế độ ăn uống giữa các nhóm dân số; việc nhóm dân số bản địa mặc dù ít mắc bệnh mãn tính nhưng tuổi thọ vẫn có xu hướng ngắn hơn hay kết luận nghiên cứu chưa chứng minh hay bác bỏ được liệu tình trạng viêm có trực tiếp gây ra tình trạng lão hóa. Do vậy, cần có những nghiên cứu toàn diện hơn, đa dạng hơn, bao trùm các quần thể khác nhau và thời gian theo dõi đủ dài để khẳng định giá trị của nghiên cứu. Tags: Môi trường sống ô nhiễmSức khỏeViêmLão hóa
Giảm xe xăng, tăng xe điện: Hạ tầng phải đi trước THU DUNG 23/07/2025 Cần phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng cho xe điện, từ phủ sóng trạm sạc, điểm sửa xe đến các tiêu chuẩn sạc ở nhà, chung cư cho an toàn.
Nhiều xã ở Nghệ An ngập lụt do mưa lũ, sơ tán dân trong đêm DOÃN HÒA 23/07/2025 Trong đêm 22-7, nhiều người dân ở xã Tương Dương (tỉnh Nghệ An) chạy lên núi, tìm nơi cao để tránh lũ.
Ông Trump: Mỹ áp thuế 15% với Nhật NGỌC ĐỨC 23/07/2025 Tổng thống Mỹ tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại với Nhật Bản khi Tokyo cam kết đầu tư 550 tỉ USD để đổi lấy mức thuế quan 15%.
Quy đổi điểm xét tuyển đại học: Liệu đã công bằng? MINH GIẢNG 23/07/2025 Nhiều trường đại học công bố điểm quy đổi tương đương giữa điểm học bạ, đánh giá năng lực và điểm thi đánh giá năng lực.