TTCT - Không chỉ chuyện chính trị, các môi trường khác như giáo dục hay công sở cũng ngày càng trở nên nhạy cảm và "phải đạo", người ta hết dám gọi nhau bằng biệt danh. Ảnh: Look oUTNhững biệt danh mất đâu hết rồi? Tác giả Mark Oppenheimer đặt câu hỏi trên The Wall Street Journal hôm 18-4 và tự trả lời: gọi bạn bè bằng chữ viết tắt hay những cái tên nhí nhố như Đầu quắn, Chân lười từng là dấu hiệu thân ái, nhưng "giờ thì không còn nữa, vì người ta sợ xúc phạm hoặc tỏ ra kém chuyên nghiệp".Trong đời sống, biệt danh có mặt ở khắp nơi. Cha mẹ đặt tên ở nhà cho con gái, vợ chồng hay các cặp đôi "gọi yêu" lẫn nhau, bạn bè thân thiết, đồng nghiệp khắng khít ít khi gọi nhau bằng tên thật. Ta còn có thể đặt biệt danh cho người nổi tiếng dẫu không quen, mang lại cảm giác thân mật, gần gũi, như thể họ là người trong nhà. (Ghét ai thì đặt biệt danh tiêu cực)Chính bởi yêu cái truyền thống đặt biệt danh đến thế mà Oppenheimer "bắt đầu lo ngại về sự biến mất của biệt danh". Ông dẫn chứng áo đấu thể thao ở trường của năm đứa con - từ 6 đến 18 tuổi - đều ghi toàn tên thật như William, James, Kristen, thay vì "những biệt danh đầy yêu thương và thân thuộc Scooter, Cheech, Rocky như 30 năm trước".Oppenheimer cho rằng "sự thoái trào của văn hóa đặt biệt danh" có thể liên quan đến tình trạng phân cực chính trị ngày càng sâu sắc ở Mỹ. JFK (tức John F. Kennedy) và LBJ (Lyndon B. Johnson) là những biệt danh có thể được người ủng hộ lẫn phản đối hai cựu tổng thống này chấp nhận, nhưng ngày nay, "thật khó để nghĩ ra một biệt danh trung tính cho Trump hay Obama".Không chỉ chuyện chính trị, các môi trường khác như giáo dục hay công sở cũng ngày càng trở nên nhạy cảm và "phải đạo". Ngày nay, gọi ai đó là Tí hon hay Sư cọ dễ bị quy là miệt thị ngoại hình. Gọi một sinh viên đến từ El Paso là "Tex" cũng có thể bị coi là công kích quê quán. Cuối cùng, chính người trẻ đang "nghiêm túc" hơn hồi xưa. Học sinh trung học đã bắt đầu làm hồ sơ LinkedIn, sinh viên thì lo lập start-up trước khi tốt nghiệp - không khí ấy khiến tinh thần "vui là chính", gọi nhau bằng biệt danh dí dỏm, khó mà tồn tại.Oppenheimer cho rằng ngay cả trong giới nghiên cứu về tên gọi (onomastics) cũng hiếm ai chuyên sâu vào biệt danh. Hiếm chứ không phải không có. Trong một nghiên cứu đăng trên Journal of the Association of Consumer Research tháng 3-2018, Zhe Zhang (Đại học Western, Canada) và Vanessa Patrick (Đại học Houston, Mỹ) tìm hiểu tác động của việc người dùng gọi các thương hiệu bằng tên thân thương, và khi các nhãn hàng tự gọi mình bằng biệt danh. Kết quả: người dùng "gọi yêu" các thương hiệu và sản phẩm (ví dụ gọi McDonald's là Mickey D's) phản ánh tình cảm thân ái thật, nhưng khi chính công ty tự gọi mình bằng biệt danh (như Walmart tự xưng là Wally World) thì lại dễ gây cảm giác "giả trân".Còn trong môi trường làm việc - nơi tác giả Mark Oppenheimer cho rằng người ta ngày càng e dè gọi nhau bằng biệt danh - một nghiên cứu khác do Zhe Zhang và Shuili Du (Đại học New Hampshire) thực hiện cho thấy 87% nhân viên có thấy đồng nghiệp gọi nhau bằng biệt danh. Tất nhiên, biệt danh nơi công sở đôi khi chẳng dễ chịu gì. Ranh giới giữa thân mật và quá quắt, giữa vui vẻ và xúc phạm nhiều khi rất mong manh.Cũng như tác động tích cực/tiêu cực tùy thuộc vào bên nào gọi biệt danh trong tương quan người tiêu dùng và thương hiệu, Zhe và Shuili muốn tìm hiểu khác biệt giữa biệt danh "hướng lên" - tức nhân viên đặt cho sếp - và biệt danh "bổ xuống" - sếp đặt cho nhân viên. Họ cho một nhóm người tham gia tưởng tượng tình huống: nhân viên gọi sếp là "Gấu trúc" vì hay mặc đồ trắng đen; một nhóm khác được yêu cầu hình dung ngược lại - sếp gọi nhân viên là "Gấu trúc" cũng vì lý do đó. Kết quả: nhóm "bổ xuống" có xu hướng cho rằng người sếp gọi cấp dưới bằng biệt danh ít quan tâm đến phúc lợi nhân viên hơn và tạo tâm lý kém an toàn trong môi trường làm việc; ngược lại, việc nhân viên đặt biệt danh cho cấp trên cho cảm giác tập thể thoải mái và dễ chịu.Khi dẫn lại hai nghiên cứu trên, The Economist đúc kết: các thương hiệu nên cẩn trọng khi muốn tự xưng bằng biệt danh, còn người làm quản lý chỉ nên can thiệp nếu biệt danh dành cho mình gây tổn thương, còn thì, "tốt nhất là cứ để chuyện gọi tên cho người khác". Hình dáng dễ bị đặt biệt danh chọc quê của các tòa nhà chọc trời ở London.The Econommist cũng nhắc chuyện đặt biệt danh cho các công trình. London đầy những tòa cao ốc hiện đại với những cái tên "đầy trìu mến": Lon thịt nguội (Can of Ham), Quả dưa chuột (Gherkin) hay Cái nạo phô mai (Cheesegrater) dựa theo hình dáng của chúng. Nhưng theo thời gian, những cái tên xuất phát từ chê bai ấy lại trở nên thân thuộc (và thường là đáng yêu). Ta có thể nói điều tương tự về những Hàm cá mập (Hà Nội) hay Trái bắp (TP.HCM).Việc các công trình được "gắn mác thân thương" hoàn toàn có lý. Cái đồ khui (Bottle Opener) gợi hơn nhiều so với tên chính thức của tòa nhà - Trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải. Nhưng không phải biệt danh nào cũng dễ nghe: chuỗi cửa hàng Neiman Marcus bị gọi là "Needless Markup" (Đội giá vô lý) vì quá đắt đỏ.Nhìn chung, việc đặt biệt danh là một thói quen tự nhiên - và thường tích cực. Nếu một tòa nhà chọc trời không có nổi một biệt danh, gần như chắc chắn là vì nó quá chán. Nhưng không ai dám nói một người không có biệt danh vì họ quá nhạt. Thời dễ quạu phức tạp thế đó. Tags: Biệt danh
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Chủ tịch Quốc hội nói về 'kỳ họp lịch sử, quyết định các vấn đề lịch sử' THÀNH CHUNG 04/05/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, quyết định những vấn đề mang tính lịch sử cho sự phát triển của đất nước.
Xuất hiện đại gia đứng sau VNPAY, nắm tới 99,99% vốn ông lớn này BÌNH KHÁNH 04/05/2025 Cơ cấu cổ đông của VNPAY được cập nhật gần đây với sự thay đổi đáng kể. Theo đó, "ông lớn" trung gian thanh toán này do Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc sống Việt nắm tới 99,99% vốn điều lệ.
Sau câu nói của bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Hậu 'Pháo' được giảm 200 tỉ tiền đất THÂN HOÀNG 04/05/2025 Sau ý kiến của bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, ông Hậu "Pháo" đã chi tiền tỉ lo lót nhiều lãnh đạo ở Vĩnh Phúc để được giảm giá đất dự án chợ đầu mối từ 700 tỉ xuống còn 500 tỉ, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 200 tỉ.
Ông Trump: Không tìm cách tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 NGỌC ĐỨC 04/05/2025 Tổng thống Mỹ nói không tìm cách tranh cử nhiệm kỳ thứ ba và có nhiều chia sẻ bất ngờ về vấn đề tranh cãi pháp lý, chọn người kế nhiệm cho nhiệm kỳ tới và việc giữ cho TikTok hoạt động trên đất Mỹ.