TTCT - Bội chi của nước chủ nhà cho các kỳ thế vận hội thường rất lớn, dù thường bị ém nhẹm. Việc vung tay quá trán thậm chí có thể góp phần vào một cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế rất lớn sau đó, như Hi Lạp với Olympic Athens 2004. Liệu Brazil có tránh được vết xe đổ đó? Không phải người dân Brazil nào cũng háo hức với Olympic, những cuộc biểu tình chống Olympic diễn ra khá thường xuyên-washingtonpost.com Nghiên cứu của Trường kinh doanh Said, Đại học Oxford chỉ ra rằng với chi phí phát sinh trung bình 156% trên thực tế, các kỳ Olympic là loại siêu dự án có mức phát sinh chi phí lớn nhất trên thế giới (số liệu được thu thập từ Olympic mùa hè Rome 1960 và mùa đông Squaw Valley (Mỹ) cũng năm 1960). Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị, Olympic Rio hiện đã chi tiêu vượt “dự toán” 51% và là một vấn nạn thật sự với quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ Brazil. Thấp, nhưng chưa đủ thấp “Tất cả các kỳ thế vận hội đều chi tiêu vượt ngân sách” - Bent Flyvbjerg, giáo sư ở Trường Said, cho hay. Gần một nửa các kỳ thế vận hội thống kê được từ trước tới giờ có ngân sách thực tế vượt quá mức dự toán hơn gấp đôi. Olympic Rio 2016, với chi phí dự kiến ban đầu là 4,6 tỉ USD, có vẻ đang được kiểm soát tốt hơn so với hai kỳ giải trước đó, Olympic mùa hè London 2012 và mùa đông Sochi 2014, báo cáo của Trường Said cho biết. Chi phí phát sinh 51% của Olympic Rio hiện tương đương 1,6 tỉ USD, thấp hơn so với chi phí trung bình của tất cả các kỳ thế vận hội tính tới giờ. Chi phí trung bình liên quan đến thể thao của việc tổ chức thế vận hội trong các thập niên qua là 8,9 tỉ USD. Kỳ thế vận hội mùa hè đắt đỏ nhất là London 2012 với chi phí 15 tỉ USD, còn thế vận hội mùa đông đắt đỏ nhất là Sochi 2014 với 22 tỉ USD. Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “Chương trình quản lý kiến thức về Olympic”. Chương trình trên đã tỏ ra hiệu quả trong việc giúp giảm chi phí thông qua chia sẻ kiến thức giữa các thành phố đăng cai. Nghiên cứu cũng chỉ trích các chính phủ sở tại và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vì không minh bạch về chi phí thực và chi phí phát sinh của các kỳ thế vận hội. Ví dụ như Chính phủ Anh tuyên bố Olympic London chi tiêu dưới ngân sách, nhưng chi phí thực tế bị phát sinh của London 2012, theo tính toán của Trường Said, là 76%, tương đương 6,5 tỉ USD. Dễ hiểu là ủy ban tổ chức Thế vận hội Rio 2016 phủ nhận các kết luận của nghiên cứu. “Bản báo cáo này phục vụ mục đích duy nhất: suy đoán về một sự chi tiêu vượt mức và tạo nên dư luận tiêu cực” - ủy ban tổ chức Olympic nói trong một tuyên bố được báo Financial Times dẫn lại. Tình trạng thảm họa tài chính Việc bội chi vượt quá 51% so với dự toán vẫn còn là khiêm tốn khi so với các kỳ đại hội diễn ra trước đó, tuy nhiên điều này xảy ra vào thời điểm không đúng lúc chút nào: Brazil đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nặng nề cả về kinh tế lẫn chính trị. Giáo sư Bent Flyvbjerg, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những chi phí phát sinh trị giá hàng tỉ USD của Olympic Rio đến vào thời điểm khi quốc gia Nam Mỹ này vốn đã gặp khó khăn trong việc chi trả cho các hạng mục trước đó của thế vận hội. Brazil đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Bang Rio de Janeiro (nơi có thành phố tổ chức Olympic) bị ảnh hưởng đặc biệt bởi suy thoái kinh tế”. “Nhưng Brazil không phải là một trường hợp cá biệt. Tất cả các kỳ Olympic mùa hè và Olympic mùa đông mà chúng tôi tiến hành nghiên cứu đều bị thâm hụt ngân sách - Flyvbjerd nói - Đối với một thành phố hay đất nước, việc tổ chức thế vận hội là một công việc lớn và là một trong những siêu dự án tốn kém và rủi ro tài chính nhất họ có thể nghĩ ra”. Thống đốc tạm quyền của Rio đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa tài chính hồi tháng 7. Chính quyền bang cắt giảm chi tiêu trên diện rộng, bao gồm cả ngân sách cho cảnh sát. Ở cấp độ quốc gia, tổng thống thuộc phe cánh tả Dilma Rousseff bị đình chỉ chức vụ vào tháng 5, trong bối cảnh một phiên tòa luận tội bà đang được mở. Phó tổng thống Michel Temper đã tiếp quản vị trí của bà Rousseff. “Khi Rio quyết định đăng cai Olympic, nền kinh tế Brazil đang vận hành tốt” - giáo sư Flyvbjerg phân tích. Nhưng hiện giờ sau một thập kỷ tăng trưởng, kinh tế Brazil đang đứng trước thách thức lớn khiến nước này không còn đủ tiền để trang trải. “Sự phức tạp cùng chi phí khổng lồ của các kỳ Olympic là không giống với bất cứ sự kiện nào khác. Chúng ta cần phải cố gắng và tránh những tình huống như Athens 2004, nó đã góp phần gây ra những vấn đề kinh tế cho Hi Lạp, vẫn còn để lại hậu quả tới ngày nay” - Flyvbjerg nói. Theo các nhà kinh tế, thế vận hội thường đồng hành với khủng hoảng kinh tế sau khi nó đi qua. Sau Olympic 2004, quê hương của các vị thần lún sâu trong khủng hoảng; hậu Olympic Bắc Kinh 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại; Olympic Sochi 2014 qua đi, bão khủng hoảng “hỏi thăm” nước Nga và giờ nền kinh tế vẫn chưa tìm thấy lối thoát. Liệu điều tương tự có lặp lại ở Rio?■ Tags: Bội chi ngân sáchHội chứng olympic
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Tin tức sáng 3-5: Đà Nẵng rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn tàu chở các chiến sĩ diễu binh trở về THÙY DƯƠNG 03/05/2025 Tin tức đáng chú ý: Đà Nẵng rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn tàu chở các chiến sĩ diễu binh trở về; Tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước tại Côn Đảo...
Lộ diện ngân hàng ‘cắt’ cả nghìn nhân sự BÌNH KHÁNH 02/05/2025 Nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, cắt giảm nhân sự trong quý 1 năm nay. Có nơi số nhân sự bị cắt giảm lên tới hơn 1.600 người.
Tạm hoãn chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vào ngày 3-5 HOÀI PHƯƠNG 02/05/2025 Thông tin từ ban tổ chức cho biết: việc cung thỉnh, tôn trí và chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức dự kiến diễn ra trong ngày 3-5 (nhằm mùng 6 tháng tư âm lịch), theo như thông cáo báo chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sẽ tạm hoãn.
Nghỉ lễ 30-4 và 1-5, du lịch biển đảo đại thắng CHÍ CÔNG 03/05/2025 Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài nhiều ngày đã trở thành cơ hội vàng cho ngành du lịch cả nước phục hồi và bứt tốc.